‘Ơ hay, cái chuyện lạ kỳ – Chỉ người ‘chức sắc’ mới đi mua bằng’
Ngoài việc xử lý theo luật thì trước mắt, nên công khai cả tên tuổi những người mua, bán loại hàng này bởi hành vi của họ vi phạm Luật hình sự và Luật công chức.
Chuyện bằng cấp giả ở ta không ít, thậm chí có thể nói là nhiều, rất nhiều. Vậy ai mới cần sử dụng bằng giả?
Câu hỏi không khó trả lời bởi chỉ có những ai cần tới bằng cấp vì mục đích gì đó nhưng vì lý do này hay lý do khác, không có nên mới đi mua. Ở đời, chả ai bỏ tiền ra mua vật gì về rồi để đấy cả.
Thế nên những người sử dụng bằng cấp giả thường là những người đang có hoặc có thể có vị thế xã hội. Mấy bác nông dân, mấy cô, mấy cậu lao động phổ thông thì xin lỗi, cho họ cũng chả lấy.
Chuyện này cách đây hơn 7 năm (2.2013), tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015, GS. Phạm Vũ Luận khi đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói thẳng:
“Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”.
Chuyện này, từ năm 2004, chính Bộ GD&ĐT đã thanh tra, phát hiện có tới hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả.
Không biết hơn 16 năm qua, con số này giờ đây là bao nhiêu nhỉ? 20 ngàn, 30 ngàn, 50 ngàn, 100 ngàn hay cao hơn nữa? Chịu! Song, chắc chắn là nhiều, thậm chí rất nhiều và đó là điều khủng khiếp cho hệ thống cán bộ, công chức.
Vì sao lại có tình trạng “khủng khiếp” này?
Về khách quan, đó là do cơ chế sử dụng và bổ nhiệm cán bộ dựa vào bằng cấp mà không dựa vào thực tài, trong khi giữa hai việc trên nhiều khi rất khác nhau.
Vụ việc một doanh nhân không đủ tiêu chuẩn ứng cử viên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam năm nào là một ví dụ khá điển hình. Trong khi ở doanh nghiệp, dưới quyền ông có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, thậm chí cao hơn nữa. Thế nhưng ông này lại “bị loại khỏi vòng gửi xe” chỉ vì… không có bằng đại học!
Trở lại với việc xử lý người mua và người bán bằng, nhìn từ góc độ cung – cầu thì có cầu mới có cung, có người cần mua thì mới có người bán. Nói cách khác, người mua là nguyên nhân, là “động lực” ban đầu của vụ việc.
Vì thế, việc xử lý người bán theo luật là đương nhiên và xử lý người mua cũng là điều cần thiết.
Cái này, đã qui định rất rõ tại Điều 341 Bộ luật Hình sự: “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Còn theo theo Luật cán bộ, công chức thì công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức như không được dự thi nâng ngạch công chức, không được bổ nhiệm chức vụ, buộc thôi việc…
Tóm lại theo tôi, ngoài việc xử lý theo luật thì trước mắt, nên công khai cả tên tuổi những người mua, bán loại hàng này bởi hành vi của họ vi phạm Luật hình sự và Luật công chức.
Đây có thể sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngặn chặn tình trạng “Ơ hay, có chuyện lạ kỳ – Chỉ người “chức sắc” mới đi mua bằng”.
Bùi Hoàng Tám/DT