+
Aa
-
like
comment

‘Ổ dịch Bạch Mai’ cảnh báo nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện

26/03/2020 12:24

Tải lượng virus trong môi trường làm việc của bác sĩ lớn hơn các môi trường khác rất nhiều. Do đó, nhân viên y tế cần cẩn trọng với nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

4 nhân viên y tế ở nước ta đã mắc Covid-19. Trong đó, 2 bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) – nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19.

Các bác sĩ này là người trực tiếp tham gia khám sàng lọc cho người nghi mắc Covid-19, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thăm nữ điều dưỡng BV Bạch Mai mắc Covid-19 đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 24/3.

Chưa có đồ bảo hộ giúp nhân viên y tế an toàn tuyệt đối

Trả lời PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay nhân viên y tế là người trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh hàng ngày nên có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Kể cả khi có họ có sử dụng quần áo bảo hộ, bởi không phải lúc nào cũng kín hoàn toàn.

“Tải lượng virus trong môi trường làm việc của bác sĩ lớn hơn các môi trường khác rất nhiều, càng nhiều bệnh nhân, lượng virus càng lớn. Với người dân, trong điều kiện tiếp xúc gần với nguồn bệnh sẽ lây, còn với điều kiện của bác sĩ trong môi trường chật chội, bệnh nhân đông thì nguy cơ cao hơn nhiều. Ở Trung Quốc, 3.000-4000 nhân viên y tế mắc Covid-19”, PGS Nga nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng cho biết chưa có một loại thiết bị bảo hộ nào giúp bác sĩ, nhân viên y tế an toàn tuyệt đối trước bệnh tật. Thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào đảm bảo giúp nhân viên y tế miễn nhiễm 100%. Bác sĩ lấy ví dụ khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua.

‘Cần huấn luyện lại việc mặc đồ bảo hộ cho nhân viên y tế’

Xác định nhân viên y tế là nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng cần tăng cường các biện pháp để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm, đặc biệt kiểm soát để không lây lan rộng giữa các nhân viên y tế.

“Ngoài việc kiểm tra công việc của bác sĩ hiện tại có quá tải hay không để giảm tải, cần huấn luyện lại việc mặc đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, trước khi tháo đồ ra khỏi khu vực cách ly phải được tẩy trùng. Nếu không cẩn thận, các nhân viên y tế thường lây bệnh trong quá trình này”, bác sĩ Khanh cho hay.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Viết Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lây bệnh đều có ở các nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý thay đồ, người tiếp xúc chất thải, buồng bệnh.

Tùy vào các khu vực khác nhau, nguy cơ sẽ khác nhau. Nhân viên y tế làm việc tại những khu sàng lọc nghi ngờ người mắc Covid-19 hoặc người có triệu chứng hô hấp có nguy cơ cao nhất. Những bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở nơi theo dõi, điều trị,… cũng là có nguy cơ cao.

“Để phòng lây nhiễm, những khoa có nguy cơ cao phải được ưu tiên như trang bị các phương tiện chống dịch, các bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang N95 hoặc tương đương, kính che mắt, tấm che mặt để phòng tránh dịch tiết văng vào mũi, mắt miệng; tăng cường trang thiết bị, luôn có dung dịch sát khuẩn ở mọi nơi để nhân viên y tế sử dụng.

Những khoa khác vẫn nên có chính sách bảo vệ cho nhân viên y tế như trang bị khẩu trang lọc khuẩn, vệ sinh tay, khử khuẩn tay bằng cồn, vệ sinh các bề mặt, đặc biệt những nơi bàn tay thường xuyên tiếp xúc, quản lý chặt các chất thải phát sinh từ những khu bệnh có người nghi ngờ, người nhiễm và khu sàng lọc”, bác sĩ Hùng nói.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các nhân viên y tế phải đeo khẩu trang y tế, găng tay và các trang thiết bị phòng hộ theo quy định để tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, các cán bộ y tế lưu ý không đi xa, đi du lịch trong thời gian dịch Covid-19.

Bác sĩ điều trị người mắc Covid-19 cần tự cách ly

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ngay khi xác định có nhân viên y tế mắc Covid-19, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có người nhiễm SARS-CoV-2.

Thứ trưởng Sơn thăm khu vực điều trị đặc biệt tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chiều 24/3.

“Chúng tôi khuyến cáo tất cả đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh rất dễ lây nhiễm, nên phải chủ động hơn trong việc ngăn chặn nguồn lây bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân”, thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến cáo các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, các nhân viên y tế cần cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng. Bởi đây có thể là nguồn bệnh chúng ta chưa phát hiện ra.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi có một bác sĩ mắc Covid-19, thứ trưởng Sơn đề nghị các nhân viên y tế cần thực hiện đúng, tuân thủ bảo đảm về chống nhiễm khuẩn, công tác chăm sóc người bệnh. Bệnh viện cũng cần rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, kiểm tra lại việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ khi khám chữa bệnh… Nơi nào làm chưa đúng cần phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc, để tránh những hậu quả không mong muốn.

Bên cạnh đó, bệnh viện cần bố trí khu lưu trú cho cán bộ ở tại bệnh viện hoặc tại một cơ sở lưu trú gần bệnh viện. Bệnh viện cũng cần xây dựng kế hoạch điều trị để đáp ứng với các tình huống bệnh nhân tăng lên, để tránh bị động.

Tại buổi làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chiều 24/3, thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cần phải chia 5 nhóm bệnh nhân ở những khu cách ly khác nhau để tránh lây nhiễm chéo.

Các khu bao gồm:

– Khu vực bệnh nhân dương tính (với 3 nhóm bệnh nhân cần can thiệp y tế; bệnh nhân vừa có xu hướng nặng; bệnh nhân nhẹ cần chăm sóc).

– Khu vực nhóm nghi ngờ; Khu bệnh nhân âm tính cần tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

– Khu bệnh nhân dương tính đã hoàn thành điều trị.

Ngoài ra, theo yêu cầu chuyên môn, một số trường hợp tiếp xúc gần trong gia đình được theo dõi tại viện được chia thành nhóm 5 để theo dõi.

Hà Quyên/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều