+
Aa
-
like
comment

Ở cái thời giáo viên “không được” đánh trẻ!

Hải Anh - 27/09/2020 18:23

Từ xưa, để giáo dục, dạy dỗ học sinh nên người, giáo viên không chỉ có biện pháp như khen học sinh học tốt, khen thưởng học sinh giỏi mà còn có nhiều biện pháp trừng phạt, kỷ luật học sinh lười biếng, nghịch ngợm. Tất cả nhằm giúp các em chăm chỉ, chuyên cần và cố gắng hơn. Tuy nhiên hiện nay, dưới áp lực của mạng xã hội, người giáo viên không còn được “tự do” dạy dỗ con trẻ.

Mới đây trên mạng xã hội xôn xao về vụ việc hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) vừa ký quyết định tạm đình chỉ một giáo viên của nhà trường để xem xét kỷ luật vì tát vào má một nữ học sinh, đồng thời đánh vào tay 5 em học sinh khác cùng lớp.

Đây là bài học cho những người làm nghề dạy trẻ có tâm tính nóng nảy, thiếu sự kiềm chế. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người giáo viên để suy nghĩ.

Nhiều phụ huynh khi đọc tin tức này ngay lập tức đã dùng nhiều lời lẽ chửi rủa cô giáo nhưng họ đâu tìm hiểu rõ nguyên nhân rằng em học sinh bị đánh đó mặc dù đã được cô nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn gây mất trật tự trong lớp. Thực tế, không phải học sinh nào cũng ngoan, nghe lời thầy cô. Thậm chí, nhiều em hư, mắng chửi cô. Liệu rằng chúng ta đã quá chủ quan khi chỉ nhìn những thông tin có trên mạng, bỏ qua cảm nhận của các thầy cô và xử phạt, lăng mạ một cách vùi dập cô giáo? Đây là bài học cho những người làm nghề dạy trẻ có tâm tính nóng nảy, thiếu sự kiềm chế. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người giáo viên để suy nghĩ.

Khi con bị giáo viên trách phạt trước hết cần phải tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao, bình thường chẳng có giáo viên nào mà học sinh không vi phạm gì mà phạt cả. Ai cũng bênh con là điều bình thường nhưng song song đó cũng nên dạy con thành một đứa trẻ tốt. Đừng phó mặc trách nhiệm dạy dỗ cho giáo viên. Phụ huynh hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của thầy cô giáo để suy nghĩ, mất trật tự trong lớp vừa làm ảnh hưởng đến các bạn ngoan ngoãn chăm học, vừa làm giáo viên khó chịu. Về nhà thì có phụ huynh nào chưa từng đánh, la mắng con cái không? Chúng ta làm không được nhưng bắt giáo viên tiểu học làm hoàn hảo mới vừa lòng?

Hiện nay, thời đại của mạng xã hội bùng nổ, sức ép từ phụ huynh, sức ép từ những quy chuẩn mới của giáo viên, hàng loạt quy định về cách xử lý kỷ luật với học sinh khiến người giáo viên không chỉ đối mặt với mấy chục học sinh trên lớp giảng dạy mà họ còn bị rình rập bởi rất nhiều chiếc điện thoại sẵn sàng đưa thông tin lên mạng xã hội bất cứ lúc nào. Hồi năm ngoái, một giáo viên bị kỷ luật vì phụ huynh em này chia sẻ hình ảnh con mình bị cô giáo phạt quỳ trước bục giảng, hỏi ra mới biết do học sinh quá hỗn hào còn phụ huynh thì bênh con nên cố tình đưa thông tin lên mạng để hạ nhục cô giáo, thế nhưng ‘quỳ không chết, con hư thì mới chết’, liệu rằng vị phụ huynh nọ muốn con quỳ trước bục giảng để trưởng thành hay trưởng thành phải quỳ ngoài xã hội?

Thực tế, nhiều giáo viên bây giờ cũng không còn dám ‘đánh’ học trò như trước. “Khi mới đi dạy, tôi cũng đánh học trò của mình khi các em sai trái. Vừa đánh tôi vừa phân tích chuyện cho các em thấy cái đúng, cái sai và tôi chỉ đánh dọa ở mông. Thế mà giờ này, phần lớn các em đều nên người. Nhưng cũng lâu rồi tôi không còn đánh học trò mình nữa. Lý do là vì “chén cơm manh áo”, không tự mang họa vào thân, xu hướng thời đại và cách giáo dục ngày nay cũng đã khác rồi. Dù cô đánh là vì học sinh đó nhưng ở thời điểm hiện nay là cô sai rồi”, một giáo viên tiểu học thừa nhận.

Nhưng thực trạng này dần dần sẽ tạo ra một hệ luỵ mới đó là tâm lý thu mình lại và sẽ tạo ra cơ chế phòng thủ cho các cô các thầy. Giờ đây thầy cô giáo đến trường chỉ để dạy học cho xong nhiệm vụ, không còn thiết tha với sự nghiệp trồng người, không dạy con chúng ta tốt mà họ sẽ mặc kệ con chúng ta làm gì thì làm! Sắp tới đây học sinh còn được phép ‘đem điện thoại lên lớp để phục vụ học tập’, rồi đây, trên bục giảng giáo viên sẽ phải đeo chiếc mặt nạ luôn nở nụ cười trước những chiếc ống kính camera của học sinh tìm mọi cách quay, chụp và đưa lên mạng xã hội.

Tuy nhiên không thể phủ định một điều rằng hiện nay vẫn tồn tại những thầy cô giáo có hành động thái quá khiến tổn thương tâm lý, thể xác con trẻ nhưng số lượng đó rất ít. Có những giáo viên ứng xử chưa chuẩn mực, xúc phạm danh dự, thân thể học sinh đã bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng vào cuộc. Thiết nghĩ, giáo viên trong xã hội hiện đại hiện nay cần được quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện tốt nhất trong công việc. Người giáo viên khi cần phạt cần phải phạt, khi cần đánh phải đánh nhưng chúng ta phải đánh làm sao vừa đủ răn đe, phân tích cho các em thấy cái đúng, cái sai trong hành động của mình. Tôi tin rằng đôi khi dùng roi không hẳn là xấu nếu biết dùng đúng cách, đúng chỗ.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều