Ồ ạt gửi cả tủ lạnh, gấu bông, bia vào khu cách ly: “Xin mọi người đừng ích kỉ nữa!”
“Chị ơi! Mấy ngày nay, vai với tay e nó mất cảm giác luôn rồi chị ạ!”, dưới cái nắng như thiêu như đốt của Sài Gòn, xung quanh không một bóng cây, chàng trai dân quân tự nguyện tên Nguyễn Hoàng Phi Long vừa lau mồ hôi vừa nói.
Và gần đây, bức tranh xã hội quanh chuyện cách ly mỗi ngày lại thêm những lát cắt khiến người ta lặng đi vì cảm động, đồng thời cũng bổ sung không ít chuyện khôi hài, chuyện đáng ngẫm ngợi. Và mới đây là câu chuyện gưi cả tủ lạnh, gấu bông, bia vào khu cách ly.
Các phụ huynh đừng chỉ nghĩ đến con mình!
Nhìn cảnh hàng trăm phụ huynh chen chúc “tiếp tế” cho con em đang cách ly tại ký túc xá khu A Đại học Quốc gia TP.HCM, sao không chịu nhìn để thấy, sao không chịu nghĩ để xót giùm những chàng trai dân quân tình nguyện kia, họ đang đội nắng, đội hàng. Chẳng ai bắt họ phải tận tình, nhẫn nại và chịu cực chịu khổ như vậy cả, trừ một ý thức, tấm lòng, đồng trách nhiệm xã hội để chung sức chống dịch.
Trong lúc bao nhiêu bác sĩ thầm lặng làm việc ngày đêm lo cho bệnh nhân, bao nhiêu người khác đang nỗ lực lo lắng mọi bề để có được chỗ cách ly an toàn và bao nhiêu tình nguyện viên khác vốn là các bạn trẻ sẵn sàng vào dọn dẹp vệ sinh ở các khu cách ly…, thế mà các phụ huynh lo “tiếp tế” đủ thứ.
Nhìn tấm nệm, tủ lạnh, gấu bông, nước uống, thức ăn đủ thứ…, thử hỏi: Chẳng lẽ con em của họ cần được chăm sóc kỹ đến vậy hay sao? Đó là chưa kể khu ký túc xá đó hiện đại, đã được cung cấp đầy đủ 3 bữa ăn trong ngày.
Các phụ huynh hãy thôi xem con em mình như những “cậu ấm cô chiêu”, thôi bảo bọc con em mình theo kiểu phải lo từng miếng ăn giấc ngủ như trẻ em. Những người được cách ly đã trưởng thành rồi, cũng từ nước ngoài trở về, sự bảo bọc quá mức của các phụ huynh như vậy, theo tôi, trông thật phản cảm, hãy nghĩ đến cộng đồng đang gian nan chung tay chống dịch nhiều hơn con em mình!
Cùng với việc gia tăng người đang cách ly tại các khu cách ly, ký túc xá trường ĐH tránh Covid-19, số người thân tới đó tới tiếp tế đồ cho người thân cũng tăng lên. Sức ép công việc cho lực lượng phục vụ càng lớn.
Hãy thương những người đang làm nhiệm vụ!
Nhiều người sử dụng mạng xã hội đang chia sẻ những hình ảnh ùn ùn người thân mang bao tải, các thùng các tông lớn đồ tới tiếp tế cho người thân ở các khu cách ly nhằm phòng tránh Covid-19. Bên cạnh vật dụng cá nhân, nhìn rõ cả tủ lạnh, những thùng bia gửi cho người thân. Và bên cạnh đó, là giấc ngủ trên nền đất của những những tình nguyện viên, lực lượng cán bộ làm việc tại các khu cách ly.
Chị Minh Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Thân nhân đổ dồn đến để tiếp tế đồ, có người gửi cả tủ lạnh cho người thân trong khu cách ly. Đồ gửi thì chỉ có lực lượng chăm sóc ở đây phải vác lên tận phòng cho từng người vì không được gặp. Tôi nghĩ như này thì quá mệt cho lực lượng phục vụ. Đây là đội ngũ cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, họ mà ốm xuống sẽ rất đáng lo”.
Gần đây cụm từ “giàu nghèo bình đẳng trước COVID-19” trở nên phổ biến. Bệnh dịch không biết né người giàu, người quyền hành, cũng chẳng hề nương nhẹ người đói khổ. Một tiểu thư về nước bằng chuyên cơ riêng gần chục tỷ, hay một người đàn bà trung niên sang nước ngoài giúp việc phải vay mượn tiền để mua chiếc vé rẻ trở về, khi bước vào khu cách ly họ đều chung điều kiện màn-chiếu-gối, đều cơm hộp giống nhau, đều phải tuân thủ các quy định để không lây nhiễm chéo.
Nhưng rõ ràng, mỗi người bước vào khu cách ly với mỗi tâm thế, suy nghĩ. Người đang bận rộn xã hội bỗng bị khựng lại sự di chuyển giao tế sẽ khó tránh sự sốt ruột, khác người thở phào vì có thể xếp lại tất cả để sống chậm đôi tuần. Người đã quen cơm nhà vừa miệng và máy lạnh sẽ khác người lâu nay ăn ngủ công trường…
Khi cả nước căng mình chống dịch, sẽ rất sai nếu những người thân ra sức tiếp tế để cung phụng thói quen nền sang chảnh.
Chuyển một chiếc tủ lạnh hay rinh hết đống đồ như núi vào khu cách ly cho con em không chỉ làm nặng gánh lực lượng phục vụ, không chỉ… tốn điện, tốn diện tích, mà còn tạo thêm những tâm lý tiêu cực khiến bọn trẻ có cảm giác đang phải chịu khổ ải, thiệt thòi, cần được chú ý, chăm bẵm, tiếp tế…
Theo tôi, nhà nước đã có những cố gắng lớn trong việc tổ chức các khu tập trung. Trách nhiệm của những người cách ly là chấp hành tập trung tốt. Còn tất cả chúng ta phải vì cộng đồng, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch.
Giá như ai cũng biết nghĩ cho người khác, từ phía người khác, thì cuộc chiến COVID-19 hay bất cứ cuộc chiến nào, cũng sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Quỳnh Quỳnh