+
Aa
-
like
comment

NYTimes: Trung Quốc ‘tiên hạ thủ vi cường’ với Biden

04/01/2021 21:27

Bắc Kinh “ra tay trước” bằng các thỏa thuận thương mại ở châu Á và châu Âu nhằm ngăn Biden tập hợp mặt trận thống nhất chống Trung Quốc.

Năm 2020, hình ảnh Trung Quốc trên toàn cầu đã suy giảm vì cách xử lý ban đầu với Covid-19 và chính sách “ngoại giao chiến lang” (các nhà ngoại giao đưa ra những tuyên bố cứng rắn, quyết liệt, sẵn sàng công kích các nước khác để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc).

Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 10 cho thấy tại 14 quốc gia phát triển, ác cảm của công chúng với Trung Quốc đã lên đến mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã cho Chủ tịch Tập Cận Bình cơ hội lớn về ngoại giao. Việc ông Tập hồi tháng 9/2020 cam kết đẩy nhanh quá trình giảm lượng khí thải carbon đã giúp Trung Quốc nhận được sự tán dương quốc tế, ngay cả khi Bắc Kinh vẫn chưa nêu chi tiết cách họ sẽ hạn chế than đá và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Mỹ năm 2015. Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Mỹ năm 2015. Ảnh: AP.

Cũng vào tháng 9 năm ngoái, ông Tập bày tỏ mong muốn kết thúc 7 năm đàm phán về thỏa thuận đầu tư với châu Âu. Chỉ vài tháng trước đó, thỏa thuận này tưởng như đã “chết” trong trong bối cảnh ác cảm với Trung Quốc ngày càng gia tăng ở châu Âu. “Có những khác biệt thực sự và chúng tôi sẽ không che giấu chúng”, Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, cho biết hồi tháng 9/2020.

Đột phá diễn ra sau bầu cử tổng thống Mỹ. Trong khi Trump làm mất lòng các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á, Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết tập hợp liên minh đa quốc gia để đối phó với những thách thức kinh tế, ngoại giao và quân sự mà Trung Quốc đặt ra.

Trung Quốc rõ ràng đã thấy trước mối đe dọa. Chỉ hai tuần sau bầu cử Mỹ, Trung Quốc cùng 14 quốc gia, chủ yếu thuộc châu Á, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đầu tháng 12, sau các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập đã thúc đẩy việc hoàn tất hiệp định đầu tư với châu Âu.

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia tương lai của Biden, đã đăng tweet gợi ý rằng châu Âu nên chờ tham vấn với chính quyền mới của Mỹ trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, những khuyến cáo của ông không có tác dụng, EU và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hôm 30/12.

Với những động thái “ra tay trước” như vậy, ông Tập đang cho thấy Tổng thống đắc cử Biden sẽ gặp khó khăn trong việc tập hợp mặt trận thống nhất cùng các đồng minh để chống Trung Quốc, Steven Lee Myers, nhà báo của NYTimes, nhận xét.

Noah Barkin, chuyên gia về Trung Quốc của Rhodium Group, gọi hiệp định đầu tư Trung – Âu là “chiến thắng địa chính trị đối với Trung Quốc”. Các công ty Trung Quốc vốn có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu nhiều hơn công ty châu Âu vào thị trường Trung Quốc. Thành tựu thực sự của Bắc Kinh trong thỏa thuận này là về mặt ngoại giao.

Giới phân tích đánh giá Trung Quốc chỉ phải chấp nhận những nhượng bộ khiêm tốn để đổi lại việc xoa dịu lo ngại ngày càng lớn về các chính sách của Bắc Kinh như luật an ninh Hong Kong và vấn đề Tân Cương. Nước này đồng ý, ít nhất là trên giấy tờ, nới lỏng nhiều hạn chế áp đặt đối với các công ty châu Âu làm việc tại Trung Quốc và mở cửa với các ngân hàng châu Âu.

Họ cũng cam kết “thực hiện các nỗ lực liên tục và bền vững” để phê chuẩn hai công ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Câu hỏi đặt ra là liệu các cam kết có được thực thi hay không. Trung Quốc được cho là vẫn chưa thực hiện tất cả lời hứa họ đưa ra khi gia nhập WTO năm 2001.

Một số nhà quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc mang tính chiến thuật. “Sẽ là sai lầm nếu coi những nhượng bộ này của Trung Quốc là một thay đổi đáng kể trong chính sách”, Barkin nói. “Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến Bắc Kinh siết chặt quản lý với nền kinh tế, hỗ trợ nhiều hơn doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy ‘tự lực cánh sinh'”.

Myers bình luận rằng một lần nữa, Trung Quốc chứng minh rằng họ chỉ phải trả giá rất ít hoặc không hề hấn về mặt ngoại giao, dù nước này có những hành động không phù hợp với các giá trị châu Âu. Châu Âu đã chốt hiệp định đầu tư một ngày sau khi EU công khai chỉ trích án tù khắc nghiệt với một luật sư Trung Quốc đã đưa tin về đợt bùng phát Covid-19 ở Vũ Hán đầu năm 2020.

Australia cũng ở trong tình cảnh tương tự vào tháng 11 khi nước này ký RCEP, ngay cả khi Bắc Kinh đang tung nhiều đòn kinh tế chống lại Canberra.

Ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao lớn của Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu, khiến các quốc gia khác cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác, dù họ không đồng tình với các chính sách của Bắc Kinh. RCEP sẽ tạo nên một thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng, nhiều hơn bất kỳ hiệp ước nào trước đó.

Các động thái của Trung Quốc sẽ không chấm dứt sự tức giận của các nước về những chính sách của họ. Tuy nhiên, chúng có thể giúp Trung Quốc xoa dịu những bên chỉ trích mình, đặc biệt khi họ có nền kinh tế phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ hơn những nước khác.

Điều đó sẽ làm khó Biden, người phải xây dựng lại lòng tin ở châu Âu sau 4 năm chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Trump đã khiến họ thất vọng, Myers viết.

“Thời điểm hiện giờ là cơ hội rất tốt cho chúng tôi”, Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò là hình mẫu chống dịch và đối tác hợp tác, đồng thời gợi ý rằng châu Âu có thể làm trung gian hòa giải Mỹ – Trung.

Ông Tập không thừa nhận các chính sách của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin toàn cầu. Giới chức nước này cũng không có dấu hiệu xem xét lại các chính sách cốt lõi. Chính sách “ngoại giao chiến lang” không có dấu hiệu giảm tốc. Australia vẫn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Trung Quốc, Canada chịu chung cảnh ngộ vì vụ bắt giám đốc tài chính Huawei theo yêu cầu của Mỹ.

“Tôi nghĩ họ có cách tiếp cận chọn lọc trong việc cải thiện hình ảnh”, Minxin Pei, giáo sư tại Claremont McKenna College ở California, bình luận.

Sẽ mất nhiều tháng để các nhóm pháp lý hoàn thiện văn kiện và dịch hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU. Sau đó, nó phải được 27 quốc gia thành viên của EU phê chuẩn và được Nghị viện châu Âu thông qua. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và có thể gặp nhiều trở ngại. Dù vậy, giới chức Trung Quốc đang bày tỏ niềm hân hoan trước một thỏa thuận mà ông Tập gọi là “cân bằng, tiêu chuẩn cao và đôi bên cùng có lợi”.

“Các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về một mặt trận đa quốc gia xuyên Đại Tây Dương chống lại mình. Họ sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ chiến thuật để lấy lòng châu Âu”, Barkin nói. “Họ rất thông minh khi làm vậy”.

Theo NYTimes

Bài mới
Đọc nhiều