“Nút thắt” của tuyến Cát Linh- Hà Đông ở đâu, có xong như Bộ trưởng hứa?
Nút thắt lớn nhất để dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đưa vào vận hành thương mại nằm ở công tác nghiệm thu an toàn.
Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT về tình hình triển khai các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho thấy, tiến độ mới đã được Bộ GTVT xác lập cho dự án này. Theo đó, Bộ GTVT đặt tiến độ, mục tiêu sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý I-2021
Gần 100 chuyên gia Trung Quốc vận hành thử đường sắt Cát Linh
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này, gần 100 chuyên gia, nhân sự của tổng thầu Trung Quốc đã đến Hà Nội để chuẩn bị việc vận hành thử hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Bộ GTVT cho biết, Bộ đang tăng cường phối hợp chỉ đạo Tổng thầu EPC Trung Quốc và đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sớm đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại, phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống kiểm chứng; thực hiện đánh giá theo quy định; tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể, bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội.
Đại diện Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) xác nhận, đến đầu tháng 10/2020, dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng (13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh), hoàn thành mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1, đã vận chuyển và lắp đặt tại dự án.
Liên quan đến công tác vận hành thử toàn hệ thống, Tổng thầu Trung Quốc mới đây đã trình chủ đầu tư các mốc thời gian tiến độ mới. Cụ thể, công tác huy động nhân sự bắt đầu từ ngày 22/10/2020 đến ngày 19/11/2020 (kể cả thời gian cách ly y tế); công tác vận hành thử toàn hệ thống bắt đầu từ ngày 6/10/2020 đến ngày 31/12/2020; công tác bàn giao bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 và hoàn thành trong quý I/2021.
Dù vậy, nút thắt lớn nhất đối với dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông nếu muốn đưa vào vận hành thương mại nằm ở công tác nghiệm thu an toàn.
Theo đó, đánh giá an toàn hệ thống của dự án được thực hiện bởi đơn vị tư vấn APAVE – CERTIFER – TRICC đến nay không có nhiều tiến triển, do Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn và các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất; chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.
Bộ GTVT cũng nhận định, đây là vấn đề có tính then chốt, bởi nếu không giải quyết triệt để các tồn tại sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và có khả năng phải kéo dài thời gian hoàn thành đưa vào khai thác.
Vì vậy, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết và đề nghị Tư vấn độc lập tích cực phối hợp đánh giá an toàn hệ thống trong quá trình Tổng thầu vận hành thử toàn hệ thống.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay, các chuyên gia Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục công việc đánh giá an toàn trong giai đoạn vận hành thử. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Ngoai giao để hỗ trợ.
“Hiện chúng ta đã ký hợp đồng tư với Công ty Tư vấn ACT của Pháp và phải thực hiện đúng theo hợp đã ký. Cùng với đó, ACT là một trong những công ty hàng đầu thế giới về đánh giá hệ thống an toàn các tuyến đường sắt đô thị.
Tư vấn của Pháp có vai trò rất quan trọng, dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của đội ngũ này. Chỉ khi nào vận hành thử toàn hệ thống và kết quả đánh giá an toàn hệ thống mới quyết định được”- đại diện Bộ GTVT nhìn nhận.
Sẽ vận hành thương mại trước Đại hội XIII của Đảng
Trước đó, chiều 28/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự án được khởi công cách đây gần 10 năm. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ 8/10 chuyên gia tư vấn của Pháp đã sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện – Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị.
Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống. Có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các định hướng để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình.
“Đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được ký kết vào năm 2008. Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.
“Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất. An toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT, TP Hà Nội làm thủ tục bàn giao tài sản dự án đúng quy định pháp luật. Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên…phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.
Đừng để đường sắt Cát Linh – Hà Đông sai hẹn lần thứ 9
Sáng 3/10, thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã dành trọn thời gian để nói về việc phát triển đường sắt đô thị. Theo các đại biểu, TP.HCM và Hà Nội đang đô thị hoá mạnh mẽ và phát triển bùng nổ, trở thành những siêu đô thị 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng. Vì thế, việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được coi như giải pháp “cứu cánh”, mang tính then chốt của cả hai thành phố.
Tuy nhiên việc triển khai các dự án đường sắt đô thị hiện nay có khá nhiều vấn đề, mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận.
Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Quốc hội, sáng 3/10, Đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, không để kéo quá dài gây bức xúc dư luận.
Trao đổi lại ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, “qua những dự án hiện nay, thì chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc”.
“Với những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, chúng tôi đại diện Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án mà chúng ta khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức.
Hồi tháng 6, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trong năm 2020; báo cáo Chính phủ những vướng mắc của dự án, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.
(Theo VOV)