‘Nuôi 10 con heo nái, lái BMW năm sau’
Đó là slogan tuyển dụng ứng viên tiềm năng của công ty chăn nuôi gia súc Guangxi Yangxiang của Trung Quốc trong bối cảnh giá thịt heo tăng quá cao, đánh mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng toàn thế giới.
Bùng nổ tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi giờ đã lan sang 9 nước châu Á, quét sạch khoảng 1/4 nguồn cung thịt heo toàn cầu, và “đánh” mạnh vào túi tiền của người tiêu dùng toàn thế giới.
Giải pháp rõ ràng để dập dịch là tuyên truyền, thuyết phục người dân ngay lập tức giết và tiêu hủy đúng cách heo bệnh và tách xa những con heo khỏe mạnh.
Nhưng theo báo New York Times, do thực trạng tản mát của hàng triệu trang trại nuôi heo nhỏ theo cách truyền thống ở Trung Quốc, nhà chức trách nước này đã xử lý chậm chạp, thiếu rốt ráo và hiệu quả trong công tác dập dịch.
Bên cạnh đó, việc chính quyền bày vẽ quá nhiều thủ tục nhiêu khê trong hỗ trợ đền bù cho người dân tiêu hủy heo bệnh đã khiến dịch tả heo châu Phi càng khó kiểm soát hơn.
Hậu quả còn kéo dài vài năm
Dịch tả heo châu Phi đã lan rất nhanh ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tới 9 quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam, nước xuất khẩu thịt heo lớn thứ 5 thế giới. Trước khi lan tới Trung Quốc, bệnh này đã lác đác xuất hiện tại những nông trại ở Nga và một số khu vực khác thuộc Đông Âu.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá thực phẩm nói chung tại Trung Quốc trong tháng qua cũng đã tăng cao hơn 1/5 so với một năm trước sau khi duy trì mức giá ổn định, ít thay đổi trong liên tục 7 năm.
Nhu cầu mua vào thịt heo số lượng lớn của Trung Quốc cũng đã đẩy giá thịt heo sống tại các nước như Mỹ, châu Âu và toàn cầu tăng, kéo theo đó là giá cả các mặt hàng thực phẩm liên quan tăng, từ xúc xích Đức cho tới xíu mại thịt heo của Việt Nam.
Khi thịt heo tăng giá, các gia đình chuyển sang các loại thịt khác thay thế, từ đó cũng làm đẩy giá bán của những loại thịt khác, khiến giá thịt nói chung trên thị trường thịt toàn cầu đã tăng gần 20% trong năm qua.
Để dập dịch, nhà chức trách Trung Quốc phải tiếp cận hàng triệu nông dân. Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng 16 tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chỉ đạo các chính quyền địa phương phải giết hết cả đàn heo ngay cả khi chỉ có một con bị bệnh, và hỗ trợ bồi thường cho người nuôi.
Cơ quan này chỉ đạo mức đền bù lên tới 115 USD/con heo lớn, và mức trần này sau đó tăng lên 170 USD. Tuy nhiên để nhận được tiền hỗ trợ này, các nông dân phải cung cấp các tài liệu chứng minh heo của họ chết vì dịch tả heo châu Phi mà không phải vì bệnh khác, điều này khiến nhiều nông dân ngần ngại. Không ít nông dân không buồn làm thủ tục xin bồi thường vì mức hỗ trợ thấp mà thủ tục lại phiền hà, rắc rối.
Việc giết và tiêu hủy heo bệnh vì thế chậm đi. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy chỉ 1,2 triệu con heo bệnh bị giết và tiêu hủy, tức là chưa tới 0,3% tổng đàn heo trong nước.
Chưa rõ “số phận” những con heo bệnh còn lại đi đâu, song các chuyên gia thực phẩm cho rằng nhiều khả năng chúng đã bị xẻ thịt và chế biến thành thực phẩm. Từ đây, dịch bệnh tiếp tục lây lan vì virút gây bệnh tả heo châu Phi có thể tồn tại trong thịt suốt nhiều tháng.
Với cách kiểm soát dịch tả heo châu Phi không hiệu quả, giới quan sát cho rằng hệ lụy từ việc này sẽ còn đẩy giá thực phẩm Trung Quốc tăng lên trong nhiều năm tới.
“Nuôi 10 con heo nái, lái BMW năm sau”
Đó là slogan tuyển dụng ứng viên tiềm năng của công ty chăn nuôi gia súc Guangxi Yangxiang của Trung Quốc trong bối cảnh giá thịt heo tăng quá cao.
Khi tình trạng khan hiếm thịt heo leo thang, ai may mắn còn giữ lại được đàn heo khỏe dĩ nhiên là những người vui nhất lúc này.
Ông Chen Zhixiang, một nông dân 36 tuổi, là một trong những người may mắn như thế tại Wulongqiao khi không bị mất con heo nào trong đại dịch. Ông này cho biết đã nấu cám cho lợn ăn từ bắp sống thay vì mua thức ăn gia súc có thể bị nhiễm mầm bệnh.
Ở khu vực ông Chen Zhixiang sống tại tỉnh Hồ Nam, heo ngày càng trở nên hiếm hơn tới mức thời gian gần đây, khi ông mang 1-2 con heo tới một ngôi làng để bán, rất đông người đã bu quanh xem chúng, “Cứ như thể họ đang xem một con gấu trúc vậy”, lão nông ví von.
Trung Quốc từng có đàn heo tới 440 triệu con, gần một nửa số lượng heo toàn cầu, nhưng theo ngân hàng Rabobank của Hà Lan, dịch tả heo châu Phi đã sụt giảm một nửa hoặc hơn trong số này. Cùng với đó, giá thịt heo tại Trung Quốc cũng đã tăng hơn gấp đôi.
“Đại dịch tả heo châu Phi này có thể đã gây ra những tác động kinh tế sâu sắc và rộng lớn ở cấp độ toàn cầu”, ông Boubaker Ben Belhassen, giám đốc phụ trách thương mại và thị trường tại Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc tại Rome, nhận định. “Tôi không nghĩ sẽ có đủ thịt heo trên thế giới để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt tại Trung Quốc”.
Dịch tả heo châu Phi tạo sức ép giúp đả thông thương chiến Mỹ – Trung?
Theo báo New York Times, chính áp lực căng thẳng từ việc phải giải quyết những thiếu hụt nguồn cung thịt heo sau dịch tả heo châu Phi đã tác động để Bắc Kinh chấp nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ tháng trước. Nhờ đó Trung Quốc có thể khôi phục việc nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm từ Mỹ.
Bệnh dịch tả heo châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virút khiến heo bệnh bị xuất huyết bên trong và chết. Hiện chưa có vắcxin hay thuốc điều trị. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc giữa các con vật hoặc qua các thực phẩm làm từ thịt heo nhiễm bệnh. Bệnh không lây qua người nhưng con người có thể là tác nhân làm lây lan bệnh.
D. KIM THOA/TTO