+
Aa
-
like
comment

Nước sông Mekong xanh như nước biển đe dọa cuộc sống của người dân

12/01/2020 22:56

Do hoạt động của đập Xayaburi ở phía bắc Lào, các khu vực hạ lưu sông Mekong bao gồm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gánh chịu hậu quả từ mực nước và chất lượng nước thay đổi.

Trước bình minh, những nhà sư bắt đầu đi bộ trên đường phố Luang Prabang để khất thực. Dòng sông nhẹ nhàng uốn khúc trong bóng tối, chảy yên ả nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân ở đây.

Màn sương mù dày đặc phủ trên mặt nước rất lâu sau bình minh. Nhịp sống ở miền Bắc Lào khá chậm rãi, nhưng bờ sông lúc nào cũng nhộn nhịp. Dòng chảy của nó từ bao lâu nay đã giúp định hình vùng đất và cuộc sống con người nơi đây.

Tuy nhiên, hiện điều này đã bị đảo ngược. Con người giờ lại định hình dòng sông Mekong. Con sông vĩ đại, mạch sống cho nhiều vùng đất nó chảy qua, giờ đang “đổ bệnh”.

Nuoc song Mekong xanh nhu nuoc bien de doa cuoc song cua nguoi dan hinh anh 1 mekong_can.jpg
Một số lưu vực sông Mekong có mực nước thấp kỷ lục trong những tháng gần đây. Ảnh: Channel News Asia.

Tham vọng thủy điện

Sau khi các dự án đập thủy điện được triển khai và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy của sông Mekong thậm chí đã bị gián đoạn. Mực nước sông thay đổi nhanh chóng khi con người trữ và xả nước.

Mùa khô và mùa nước dâng thay đổi hỗn loạn. Nuôi trồng thủy sản và giao thông đường thủy gặp khó khăn khi mực nước giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Sông Mekong đặc trưng bởi màu nước phù sa từ lớp trầm tích, mang lại sự sống và làm phì nhiêu những vùng đất nó chảy qua. Nhưng hiện nay, ở nhiều lưu vực, màu nước sông đã biến đổi.

Trước hoạt động của đập thủy điện lớn nhất khu vực Xayaburi, các chuyên gia tin rằng tương lai của dòng sông đang bị đe dọa nghiêm trọng.

“Trong năm vừa qua, hệ sinh thái sông Mekong đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu dùng ngôn ngữ quyền Anh để miêu tả, thì sông Mekong đã phải hứng chịu hàng loạt cú đấm, và chất lượng nước của dòng sông đã bị hạ gục”, Montri Chantawong, người đã dành 15 năm nghiên cứu về sông Mekong, nói với Channel News Asia.

Đối với nhiều người ở Lào và một số nước láng giềng, thủy điện đã mang lại sự thịnh vượng và tiềm năng phát triển cho họ. Lào có tham vọng sử dụng nguồn tài nguyên dồi dào của dòng sông để thay đổi cuộc sống của người dân từ lâu phải sống trong cảnh nghèo khó và bị cô lập.

Tuy nhiên, những dự án này cũng khiến nhiều người lo ngại vì tác hại đến môi trường ngày một rõ rệt.

Phía hạ lưu từ Luang Prabang, đập Xayaburi đã bắt đầu hoạt động hết công suất vào tháng 10/2019. Sản lượng điện tiềm năng của nhà máy là 1.285 megawatt và có thể được xuất khẩu.

Nuoc song Mekong xanh nhu nuoc bien de doa cuoc song cua nguoi dan hinh anh 2 mekong_rau.jpg
Hoạt động của đập thủy điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp của người dân hai bên bờ sông. Ảnh: Channel News Asia.

“Tôi cảm thấy dự án này khá ấn tượng. Tôi đã tham gia ngay từ đầu”, tiến sĩ Daovong Phonekeo, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào, nói.

Sau gần một thập kỷ xây dựng, lễ khai trương đập vào cuối năm 2019 đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược thủy điện của Lào. Sông Mekong giờ đây trở thành mặt hàng sinh lời.

“Chính phủ Lào muốn thúc đẩy ngành thủy điện trở thành điểm nhấn của nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện tình hình kinh tế”, tiến sĩ Daovong nói.

Quay trở lại trước năm 1995, rất ít hộ gia đình ở Lào có điện. Nhưng đến hiện tại, có gần 94% người dân được dùng điện, khiến cuộc sống tiện nghi hơn. Họ có thể mua máy giặt, tủ đông, tủ lạnh và những máy móc khác”, ông nói thêm.

Nước sông xanh như nước biển

Tuy nhiên, sản lượng của thủy điện Xayaburi và các dự án lớn khác vượt xa nhu cầu năng lượng ở Lào. Các nhà nghiên cứu môi trường và người dân địa phương cho biết cuộc đua lợi nhuận đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của dòng sông.

Tại Nong Khai, Thái Lan, nước chảy chậm tạo nên cảnh tượng khác thường, thu hút khách du lịch trong những tháng gần đây.

“Nước sông đã trở nên trong vắt và không có trầm tích. Ở một số nơi, nước phản chiếu bầu trời và trông có vẻ xanh. Màu xanh lam, giống như nước biển. Dân làng ở đây cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng này”, ông Montri Chantawong nói.

Các chuyên gia cho rằng đây là biểu hiện của dòng chảy vô cùng chậm. Phù sa tự nhiên trong nước sông gần như không có, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho lưu vực sông.

Nuoc song Mekong xanh nhu nuoc bien de doa cuoc song cua nguoi dan hinh anh 3 mekong_xanh.jpg
Ông Montri Chantawong quan sát nước sông Mekong tại Nong Khai, Thái Lan. Ảnh: Channel News Asia.

“Nước trong là nước nghèo trầm tích, phù sa. Do đó, tốc độ xói mòn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở cả hai bờ”, ông Montri nói.

Thông thường, màu nước nâu của sông Mekong cho thấy sự bão hòa của trầm tích trong nước, ít ảnh hưởng đến bờ sông. Vấn đề hiện nay có thể ảnh hưởng đến lưu vực sông ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam.

Hiện tượng nước màu xanh lục có khả năng lan sang các đoạn sông khác nơi có dòng chảy chậm. Vấn đề bồi lắng và tốc độ dòng chảy của sông có thể dẫn đến các tác động bất lợi”, tiến sĩ So Nam, Giám đốc quản lý môi trường của Ủy hội sông Mekong, nói.

Hệ sinh thái bị đe dọa

Với 54 năm sống ở Nong Khai, Thái Lan, ông Boonme Dejsuthi cho biết năm 2019 vừa qua là năm khó khăn nhất.

Ông sống bên bờ sông và làm nông nghiệp để kiếm sống. Giờ đây, ở bờ sông Mekong phía bên Lào, máy móc đang cật lực nạo vét cát ở những khu vực nông.

Hoạt động của trang trại cá và nuôi trồng hoa màu của ông Boonme đã bị thiệt hại lớn trong những tháng gần đây. Ông cho rằng nguyên nhân là hoạt động của nhà máy thủy điện Xayaburi. Lần gần nhất đập này xả nước đã khiến ông thiệt hại 6.500 USD.

Nuoc song Mekong xanh nhu nuoc bien de doa cuoc song cua nguoi dan hinh anh 4 mekong_3.jpg
Ông Boonme Dejsuthi đã mất hàng nghìn con cá do mực nước sông dâng và hạ bất thường. Ảnh: Channel News Asia.

“Trước khi có đập, dòng nước chảy và mùa nước dâng diễn ra theo tự nhiên. Giờ đây thì khác. Khi đập xả nước, nước dâng lên rất nhanh, đánh bật cá của tôi và giết chết chúng”, ông cho biết.

Các chuyên gia cho rằng rõ ràng thủy điện Xayaburi có tác động tiêu cực đến các khu vực hạ lưu sông Mekong, tuy nhiên ảnh hưởng về lâu dài là chưa thể xác định.

Ủy hội sông Mekong (MRC), với các nước thành viên bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào, đã hợp tác để quản lý dòng sông và đánh giá tác động xuyên biên giới của các dự án đập. Tổ chức này nhận định chưa nên chỉ trích dự án, dù nhà máy gây bất lợi cho hệ sinh thái của dòng sông và tổn hại đến sự phát triển bền vững.

“Ở giai đoạn này, còn quá sớm để kết luận. Chúng tôi cần đánh giá hoạt động của con đập trong ít nhất là một năm hoặc lâu hơn để phân tích”, Ban thư ký MRC tuyên bố.

Hồng Anh (Theo Channel News Asia)

Bài mới
Đọc nhiều