+
Aa
-
like
comment

Nước sạch sông Đuống đắt đỏ vì ‘cõng’ lãi vay nghìn tỉ?

13/11/2019 11:18

Trong khi Sở Tài chính Hà Nội cho biết giá bán nước sạch của Nhà máy Sông Đuống được ban hành theo nghị định 117, một cựu lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định việc Hà Nội quyết giá bán buôn cho nhà máy nước này là sai thẩm quyền.

Trước đó, thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, đã gây “bão” trong dư luận do mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá nước bán lẻ.

Nước sạch sông Đuống đắt đỏ vì cõng lãi vay nghìn tỉ? - Ảnh 1.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống nhìn từ trên cao

Giá nước 10.246 đồng/m3, lãi vay chiếm 20% giá thành

Tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11, ông Nguyễn Việt Hà – giám đốc Sở Tài chính Hà Nội – giải thích rằng giá bán sỉ nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau.

“Nhà máy Sông Đà đưa vào khai thác năm 2009 chi phí đầu tư 1.555 tỉ, nhưng Nhà máy nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỉ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau” – ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, khi đầu tư Nhà máy Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước.

Chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.

Bên cạnh đó, chi phí khấu hao nước mặt sông Đuống khoảng 2.100 đồng/m3.

“Trách nhiệm Sở Tài chính là thẩm định giá, tính đúng tính đủ bảo đảm quyền lợi người dân, doanh nghiệp, Nhà nước” – ông Hà khẳng định, đồng thời cho biết giá bán nước sạch của Nhà máy Sông Đuống được TP ban hành theo nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ, quy định về thỏa thuận dịch vụ cấp nước giữa UBND cấp tỉnh với các đơn vị cấp nước trên địa bàn.

Cũng theo ông Hà, nghị định 117 quy định giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối nước sạch để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển.

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2017, dự án nước sạch sông Đuống đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong khi để tính đúng, tính đủ giá nước thì dự án phải đi vào hoạt động, được quyết toán.

Để giải quyết vấn đề Nhà máy Sông Đuống chưa quyết toán nhưng vẫn cấp nước, ông Hà cho biết Sở Tài chính đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn của Nhà máy Sông Đuống thời gian tới là 7.700 đồng/m3.

Sau quyết toán, kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước này.

Tuy nhiên, do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2… đã có ý kiến cho rằng mức tạm tính tối đa 10.246 đồng/m3 là quá cao, các đơn vị này không có khả năng chi trả, Sở Tài chính đã tổ chức hiệp thương theo nguyên tắc giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ.

“Nhưng theo quy định, nếu giá nước sạch được quyết định thấp hơn so với phương án tính đúng, tính đủ thì UBND TP sẽ xem xét cấp bù từ ngân sách địa phương để bảo đảm quyền lợi đơn vị cấp nước” – ông Hà nói.

Nước sạch sông Đuống đắt đỏ vì cõng lãi vay nghìn tỉ? - Ảnh 2.
Người dân khu chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) xếp hàng lấy nước sạch sau khi nguồn nước tại Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm bẩn tháng 10 vừa qua

Người dân phải được biết có những gì trong giá nước

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – cho biết theo quy định tại nghị định 117 năm 2007, giá nước bán buôn sẽ do bên bán và bên mua tự thỏa thuận.

Nhà nước chỉ quy định giá bán lẻ mặt hàng này đến tay người tiêu dùng. Điều này có nghĩa Nhà máy nước mặt Sông Đuống (đơn vị bán buôn) phải thỏa thuận giá bán buôn với các đơn vị bán lẻ là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội.

“Do đó, việc Hà Nội quyết giá bán buôn cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống với mức 10.246 đồng/m3 là sai thẩm quyền” – ông Thỏa khẳng định, đồng thời cho biết thêm theo nghị định 117, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành.

Trong khi đó, giá bán buôn của Nhà máy nước sạch Sông Đuống được UBND TP Hà Nội quy định là 10.246 đồng/m3, còn giá bán lẻ gần 8.000 đồng/m3 là sai quy định.

“Từ thực tế này, có thể khẳng định UBND TP Hà Nội quy định mức giá bán buôn nước sạch cho Sông Đuống là sai thẩm quyền và sai nguyên tắc” – ông Thỏa nhận định.

Liên quan đến thông tin Hà Nội sẽ phải bù giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống theo thỏa thuận khi đưa ra chủ trương đầu tư, ông Thỏa đặt câu hỏi rằng chính quyền Hà Nội dùng tiền ở đâu để bù nếu không phải là tiền thuế của dân?

“Cần xem lại là khi phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Hà Nội có tổ chức đấu thầu hay không mà để mức giá nước tăng quá cao bất thường như vậy?” – ông Thỏa đặt vấn đề.

Theo ông Đỗ Văn Sinh – ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng giống như mặt hàng điện, người dân không được lựa chọn mua nước của ai và cũng không được mặc cả.

Do đó, tính minh bạch đối với các dự án cung cấp dịch vụ công, trong đó có nước sạch, cần phải được đặt lên hàng đầu và được giám sát thường xuyên.

“Vấn đề dư luận đặt ra là tại sao có chuyện TP phê duyệt giá mua nước của công ty này chênh lệch lớn so với công ty khác, lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải trình cho rõ. Ngân sách TP cấp bù cho giá nước thì cũng là từ tiền thuế của dân” – ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, quan trọng nhất là người dân phải được biết có những gì trong giá nước. Bởi nếu không kiểm soát được giá, độc quyền nhà nước sẽ biến thành độc quyền tư nhân và một dự án cấp nước sạch có thể bị biến thành “sân sau” của một “nhóm lợi ích” nào đó.

Sẽ có thêm gần 30 nhà máy nước sạch

nuocsachhn4a 1(read-only)
Người dân khu chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) xếp hàng để lấy nước sạch sau khi nguồn nước tại Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm bẩn.

Cũng tại cuộc họp chiều 12-11, ông Hoàng Cao Thắng – phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết nhu cầu nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, nên TP đang đẩy nhanh việc hoàn thành các nhà máy nước.

Đến nay, Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai khoảng 30 dự án cấp nước, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 4 nhà máy, trong đó có Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Hà Nội cũng tính đến việc xây dựng, vận hành các nhà máy nước hoàn toàn khép kín và để kiểm soát chất lượng nước, các cơ quan chức năng liên quan sẽ thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện không đủ tiêu chuẩn sẽ yêu cầu dừng toàn bộ việc cung cấp nước cho người dân.

Sau sự cố nước sông Đà, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Hà Nội đã tính toán đầu tư hệ thống mạch vòng khép kín để bảo đảm khép kín hệ thống cấp nước.

Trong trường hợp xảy ra sự cố nước bẩn, nước sẽ được tăng cường cấp bổ sung từ các nhà máy khác.

Bảo Ngọc – Lê Thanh – Lê Kiên/ Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều