Nước mắt tiếc nuối bến phà Bính huyền thoại của Hải Phòng
Khi chuyến phà cuối cùng đưa khách cập bến, nhiều người không kiềm chế được nước mắt, vì kể từ hôm sau họ không còn được qua sông Cấm bằng phương tiện vận chuyển thô sơ này nữa.
“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, hồi còn bé tôi và chúng bạn trèo leo chạy nhảy rồi trốn vé qua phà như thế nào. Những năm 1990 đến 2000, bến Bính dùng loại phà hai tầng to lắm, khi rời bến còn phải dùng tàu lai dắt. Thế rồi khi cầu Bính được xây dựng xong năm 2005, khách đi phà ít dần. Đến nay thì đóng cửa hẳn”, chị Loan kể.
Lần cuối đi phà Bính, người phụ nữ mong muốn sau này thành phố cho khôi phục lại bến phà và phát triển thành một điểm du lịch để người dân và du khách nhớ về biểu tượng một thời của Hải Phòng.
Còn chị Nguyễn Hồng Nhung (Việt kiều tại Anh) nghe nói phà Bính sắp đóng cửa liền vội vàng rủ thêm vài người bạn tới đây chụp ảnh lưu niệm. Chị kể rằng dân Hải Phòng không có ai không biết phà Bính. Đám trẻ con tầm tuổi chị hồi ấy mỗi dịp trốn ra bờ sông chơi là tìm cách lên phà chạy nhảy.
Trong ngày 30/9, rất đông người dân Hải Phòng đổ về bến Bính, dù không có nhu cầu đi phà cũng cố gắng chụp tấm ảnh kỷ niệm, hoặc mua cho được một chiếc vé đủ mọi mệnh giá để lưu giữ như một hoài niệm về bến phà huyền thoại này.
Ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, bến Bính từng được mệnh danh là bến phà sầm uất nhất miền Bắc. Kể từ 1/10/2019, những chuyến phà chở khách ngược xuôi sông Cấm sẽ chính thức ngừng hoạt động để nhường đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị bắc sông Cấm. Câu chuyện về những lần sang sông ở bến phà nổi tiếng đất cảng sẽ chỉ còn trong ký ức.
Phà Bính dừng hoạt động, không chỉ các nhân viên làm việc tại bến bị ảnh hưởng công việc mà cuộc sống của rất nhiều người dân sinh sống hai bên bờ sông Cấm cũng sẽ đảo lộn. Đó là những phụ nữ buôn thúng bán mẹt không biết đi xe máy qua cầu mới. Hoặc các em học sinh phải đi quãng đường xa hơn nhiều để tới trường.
Vị khách nửa thế kỷ đi phà Bính
Bà Lê Thị Mạ (67 tuổi, ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là “khách ruột” của phà bến Bính hơn 50 năm nay. Từ thời còn con gái đến lúc mái tóc bạc màu, bất kể nắng mưa, bà vẫn mang rau từ nhà sang thành phố để bán.
“Người dân Thủy Nguyên chúng tôi vẫn tiếc nuối bến phà này lắm. Người lớn tuổi như chúng tôi không biết đi xe máy, không qua được cầu Bính. Giờ trước mắt đành phải nhờ con cháu đèo qua cầu Bính để đi chợ”, bà Mạ nói.
Ca làm việc cuối cùng của thuyền trưởng 36 tuổi
Ca làm việc của thuyền trưởng Nguyễn Văn Anh (36 tuổi) bắt đầu từ 11h trưa 30/9. Lên cơ quan, nhận giao ban công việc và kiểm tra máy móc, chuẩn bị lái phà đưa khách sang sông… những thao tác quen thuộc đã gắn bó với anh suốt 9 năm qua nhưng hôm nay anh thực hiện trong một tâm trạng khác.
“Nói không buồn là tự dối lòng mình bởi chỉ vài tiếng nữa thôi chính chiếc phà này sẽ khép lại lịch sử gần 100 năm tuổi của bến phà Bính”, anh Văn Anh nói.
Là người con Hải Phòng, sinh ra và lớn lên ở thành phố này, anh Văn Anh đã quá quen với hình ảnh những chuyến phà ngược xuôi đưa khách sang sông. “Ở Hải Phòng trước đây có nhiều bến phà lắm, nào là bến phà Rừng, phà Khuể, phà Quý Cao rồi phà Bính… Thế rồi xã hội phát triển, cầu được xây nhiều hơn đồng nghĩa với việc các bến phà cũng sẽ ít đi”, anh nói.
Trước khi làm việc tại đây, anh Văn Anh cũng đã trải qua nhiều vị trí tại Công ty cổ phần Đường bộ Hải Phòng. Năm 2010, anh nhận quyết định chuyển công tác về bến phà Bính. “Hồi đầu mới về đây làm việc, lúc cầm bánh lái mình cũng bỡ ngỡ lắm và phải học hỏi anh em cách điều khiển cho quen với dòng chảy, cách cập bến, quen với việc tàu thuyền qua lại tấp nập vào cảng Hải Phòng… Phải mất gần 2 tháng mới dần thành thục. Ấy vậy mà cũng đã được gần 10 năm rồi.” anh Văn Anh nhớ lại những ngày đầu về bến Bính làm việc.
Anh Văn Anh là một trong những thuyền trưởng chủ lực lái phà ở bến Bính, mỗi ca làm việc kéo dài 8 giờ rồi nghỉ 24 giờ: “Có những hôm làm ca sáng, mình phải dậy từ 3h, đi xe máy 17 km đến cơ quan nhận ca lúc 4h rồi lái phà khởi hành lúc 5h để kịp đưa bà con đi chợ sớm”.
Đồng hành cùng anh Văn Anh tại ca làm việc cuối cùng này còn có thủy thủ phà Hoàng Văn Tiến (42 tuổi). Anh Tiến bắt đầu làm nghề đi phà từ thời thanh niên, còn làm việc tại bến Bính đến nay đã tròn 16 năm.
16 năm làm việc là ngần ấy năm lênh đênh sông nước với biết bao kỷ niệm vui buồn dọc hai bờ sông Cấm. Tất cả những điều đó giờ đây sẽ trở thành một phần ký ức trong cuộc đời của người đàn ông ở thành phố hoa phượng đỏ.
Khi được hỏi chỉ ngày mai thôi, khi phà Bính chính thức dừng hoạt động thì công việc sẽ thế nào, anh Tiến chia sẻ: “Tôi sẽ chờ cơ quan phân công chuyển công tác về một bến phà khác. Cũng phải nói thật, chuyển công tác về bến mới thu nhập sẽ tốt hơn nhưng cái mình tiếc nhất là tình cảm bà con hai bên bờ Thủy Nguyên và thành phố. Có những người đã đi phà Bính hơn 50 năm, rồi các cháu học sinh từ Thủy Nguyên đi phà sang thành phố học tập, ngày nào cũng gặp mặt nhau trên chuyến phà này, lâu dần thành quen rồi thân thiết như anh chị em trong nhà”.
Từ ngày nhận bàn giao chiếc phà có tuổi đời gần 30 năm, anh Tiến cũng như anh Văn Anh có thể đọc vanh vách thông số kỹ thuật của nó, thông thuộc từng nút bấm, vị trí nào để cái gì nhắm mắt cũng có thể sờ trúng.
Vừa trả khách ở bến, chiếc phà bỗng dưng chết máy nhưng chỉ bằng vài thao tác đơn giản, anh Tiến lại khiến cỗ máy sản xuất năm 1992 hoạt động ngon lành. “Máy móc cũng có tuổi rồi nên anh em dù là thuyền trưởng hay thủy thủ đều phải biết một chút về kỹ thuật thì mới yên tâm làm việc được”, anh Tiến cười nói.
Chuyến phà cuối cùng lúc hoàng hôn
Ngược dòng lịch sử, theo sách Lược khảo đường phố Hải Phòng của Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản năm 1993, bến phà Bính ban đầu có tên là bến đò Bính do người dân xã Bích Động, huyện Thủy Nguyên chèo để chở khách sang nội thành Hải Phòng và ngược lại. Đến năm 1921, được người Pháp cải tạo, xây dựng lại và đặt tên là bến Tự Do. Sau khi Hải Phòng được giải phóng, bến được đổi lại tên thành bến phà Bính và hoạt động liên tục từ đó tới nay.
Bến phà Bính là một bến phà lớn sầm uất bậc nhất miền Bắc, sử dụng phà lớn có tàu lai dắt, mỗi ngày chuyên chở hàng vạn lượt khách qua lại hai bên bờ sông Cấm. Phà Bính từng được coi là biểu tượng của thành phố Hải Phòng thời kỳ đổi mới.
Từ năm 2005, khi cầu Bính chính thức được đưa vào sử dụng, số người đi phà ngày càng ít dần. Đến nay, bến này chỉ còn duy trì một phà nhỏ hoạt động từ 5h đến 19h, chủ yếu chở xe máy, xe đạp, xe thô sơ phục vụ việc đi lại của người dân các xã Dương Quan, Tân Dương (huyện Thủy Nguyên).
Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đồng ý cho dừng hoạt động bến phà Bính kể từ ngày 30/9/2019 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị bắc sông Cấm.
Đúng 18h ngày 30/9, chuyến phà cuối cùng rời bến bên bờ Thủy Nguyên đưa những người khách cuối cùng sang sông, khép lại lịch sử gần 100 năm tồn tại và phát triển. Bến Bính giờ đây sẽ chỉ còn là ký ức trong tâm thức của người dân đất cảng.
Sau khi dừng hoạt động, phà Bính sẽ được Công ty cổ phần Đường bộ Hải Phòng đưa về phục vụ ở các bến phà khác tại Hải Phòng. Những nhân viên như anh Văn Anh, anh Tiến sẽ được điều chuyển sang các bến khác. Dãy nhà điều hành bên bờ bắc sẽ nhường chỗ cho khu đô thị mới. Cách bến Bính không xa, cây cầu Hoàng Văn Thụ sắp thông xe sẽ giúp người dân Hải Phòng đi lại thuận tiện hơn. Nhưng bến Bính vẫn còn đó, trong tâm thức của những người Hải Phòng.
Việt Linh