+
Aa
-
like
comment

Nước mắt, áo vest và an toàn của doanh nhân

24/12/2019 15:47

“Đừng chỉ nhìn áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là nước mắt” là câu nói ấn tượng nhiều suy ngẫm của một chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.

Đằng sau tấm áo vest của doanh nhân đó là cả mồ hôi và nước mắt…. Ảnh: Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright.

Sáng nay, 23/12, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bày tỏ: “Đừng chỉ nhìn tấm áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt”. Có lẽ còn có cả sự an toàn của họ và an nguy của nền kinh tế nước nhà.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”.

Thực tế cả ở thế giới lẫn Việt Nam cũng chứng minh rằng kinh tế không phát triển mạnh, sản phẩm không dồi dào, hàng hóa không đa dạng, tính cạnh tranh không cao nếu thưa thớt những doanh nghiệp tầm cỡ. Từ khi có những Viettel, Vietjet, Mobiphone, Vingroup, Thaco, Vinamilk… và có những Chủ tịch, chủ tập đoàn danh tiếng, diện mạo nền kinh tế và văn hóa tiêu dùng khác thế nào chắc ai cũng rõ.

Chưa thể hoàn hảo và còn không ít vấp váp, đôi khi cả điều tiếng nhưng không thể phủ nhận đóng góp lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Họ thành công rất nhiều, tạo ra của cải và công ăn việc làm rất lớn nhưng nhiều thời điểm rủi ro cũng tỷ lệ thuận hay bất an luôn rập rình. Có thể trong số vướng vào những vụ án, họ thật sự sai và không có gì có thể bào chữa nhưng cũng không ít vụ việc họ thật sự gặp rủi ro, thiếu may mắn cho chính sách thay đổi, luật lệ chưa chặt chẽ.

Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của nhà nước, ngược lại sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của nhà nước. Thủ tướng đã thừa nhận điều đó và ông cho rằng: “Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, Chính phủ sẽ không ngừng tìm cách giảm rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro của cơ chế chính sách và sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính”.

Những hình ảnh hào nhoáng ở Hội nghị, phi vụ ngàn tỷ trên thương trường hay thành công trên báo đài chỉ là bề nổi, phía trước và một nửa của doanh nghiệp, doanh nhân. Phía sau họ không chỉ mồ hôi, nước mắt mà còn có cả số phận hàng ngàn con người, những hiểm nguy chực chờ, thua lỗ cháy túi, thậm chí lao lý lởn vởn.

Nếu các vụ án chỉ là hy hữu thì nên xem những con số này: “Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Cũng đừng quên thực trạng mà Bộ KH-ĐT vừa cung cấp: “Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng doanh nghiêp lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối ít với khoảng 17 ngàn doanh nghiệp được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018”.

Sai nhiều, tai tiếng không ít và cũng còn quá nhiều thứ để xây dựng một cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp lành mạnh. Tuy nhiên những gì họ đã tạo ra, đóng góp cho cả xã hội lẫn rất nhiều gia đình thì cũng nên công tâm để ghi nhận.

Không quốc gia nào muốn hùng cường mà doanh nhân, doanh nghiệp lại yếu kém và ngược lại. Ngoài áo vét, mồ hôi, nước mắt thì họ cũng cần được yên ổn, an toàn trong kinh doanh và bình yên trong mắt dân chúng.

Phan Bình/CSAT

Bài mới
Đọc nhiều