+
Aa
-
like
comment

Nước giàu nhất thế giới cũng dần “thấm mệt” bởi đại dịch

Bảo Trâm - 25/11/2021 07:32

Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc đang hoạt động tốt, nhưng chính sách “Zero Covid” cộng với các nhân tố khác đang ảnh hưởng đến tổng lượng cung cầu, đặt ra những thách thức cho sự phục hồi của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của nước này đặt ra thách thức cho sự phục hồi kinh tế của thế giới.

Theo số liệu gần đây của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III của nước này đạt 4,9%, thấp hơn so với mức tăng 7,9% trong quý II. Đặc biệt, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng Mười là 49,2, giảm so với 49,6 của tháng 9. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đang thu hẹp.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao kỷ lục – trong tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh chi phí sản xuất sản phẩm của các ngành công nghiệp ở mức cao hơn, làm gia tăng áp lực chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến lạm phát trên toàn thế giới.

Trung Quốc đã được coi là một trong những động lực của sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những số liệu trên, cùng với những thách thức nghiêm trọng gần đây như tình trạng thiếu điện, cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande, sự tắc nghẽn về chuỗi cung ứng và những hạn chế phòng dịch gây gián đoạn hơn nữa, có thể cản trở sự phục hồi của nước này.

Liệu những thách thức này có gây ra bất kỳ rủi ro mang tính hệ thống nào cho thị trường? Liệu các chính sách của Trung Quốc có thể khôi phục được tăng trưởng kinh tế? Các nước khác có nên cảnh giác trước sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc?

Câu trả lời có thể được tìm thấy bằng việc phân tích kỹ hơn về tổng lượng cung cầu của Trung Quốc.

Tổng cầu là phép đo tổng lượng nhu cầu đối với tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong một nền kinh tế. Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng là ba nhân tố quan trọng quyết định tổng cầu.

Tiêu dùng yếu kém là vấn đề dai dẳng ở Trung Quốc, làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước này. Năm 2020, chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người của Trung Quốc đã giảm thực tế 4% sau khi loại trừ các nhân tố về giá cả.

Bất chấp sự phục hồi trong ba quý của năm nay, số liệu bán lẻ tháng 8 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng tăng trưởng 7%. Đây là kết quả của chính sách Zero Covid của Trung Quốc và việc phong tỏa địa phương được áp đặt nhằm kiểm soát biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Các chính sách đã làm gián đoạn, khiến doanh số bán lẻ khó quay trở lại mức trước dịch bệnh.

Trước khi biến thể Delta xuất hiện, Trung Quốc đã thành công đưa số ca mắc Covid-19 về con số 0. Các ngành bán lẻ, du lịch và sản xuất nhanh chóng quay trở lại mức trước dịch bệnh. Nhưng điều này bị phá vỡ bởi biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Từ tháng 7, số ca nhiễm mới đã xuất hiện ở một số thành phố, buộc phải dừng tất cả các chuyến bay và tàu hỏa, đóng cửa các tuyến đường cao tốc địa phương, bắt đầu xét nghiệm hàng loạt và áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Không có dấu hiệu cho thấy các biện pháp này sẽ được nới lỏng trong thời gian tới. Các đợt bùng phát Covid-19 không liên tục, cùng với chính sách Zero Covid, gây ra mối đe dọa kinh tế và tình trạng không chắc chắn. Việc người dân phải ở nhà làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng tiêu dùng.

Các doanh nghiệp nhỏ, như các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và các đại lý du lịch phải chịu chi phí hoạt động cao hơn. Một số lao động có thu nhập thấp hơn hoặc thậm chí là thất nghiệp. Điều này sẽ làm giảm hơn nữa tiêu dùng trong nước.

Các chính sách chấn chỉnh lĩnh vực bất động sản gần đây của Trung Quốc phủ bóng đen khác lên nền kinh tế. Các nhà chức trách quyết định giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, một động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo tờ The Guardian, lĩnh vực bất động sản ở chiếm khoảng 29% GDP của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức từ 10% đến 20% ở hầu hết các quốc gia phát triển. Nhiều nhà phát triển bất động sản vướng nợ nần, dẫn đến một cuộc khủng hoảng cho toàn bộ nền kinh tế.

Đáng lưu ý, tập đoàn Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc, đã gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD do sự siết chặt việc vay nợ thiếu thận trọng của các nhà phát triển bất động sản và thị trường bất động sản trầm lắng. Việc liệu các nhà chức trách có tham gia giải cứu hay không vẫn là điều không chắc chắn.

Tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư và người mua nhà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường bất động sản. Những người có tài sản đang bị thu hẹp có xu hướng giảm tiêu dùng và đầu tư, từ đó ảnh hưởng nhiều hơn đến tổng cầu.

Điều may mắn là lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt được kết quả tốt hơn mong đợi vì sự kiểm soát hiệu quả virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020. Sự bùng phát Covid-19 ở các nước như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… đã thúc đẩy nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Các số liệu xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 tăng đột biến, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó phản ánh nhu cầu toàn cầu vững chắc đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Liệu sẽ luôn có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc hay không? Để có đủ nguồn cung, các nhà sản xuất phải có đủ nguyên liệu thô và lao động với giá cả phải chăng. Điều không may là Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu năng lượng và lao động trầm trọng.

Gần đây, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã công bố các kế hoạch cắt giảm điện trong những tháng tới.

Các nhà máy cần nhiều điện hơn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng nhiều mỏ than đã bị đóng cửa trong những năm gần đây vì Trung Quốc thúc đẩy nguồn cung “điện xanh”. Số lượng các mỏ than giảm và nhu cầu điện cao hơn đương nhiên đã làm tăng giá than đá.

Đối với các nhà cung cấp điện, chi phí sản xuất đã tăng mạnh. Tuy nhiên, họ không thể tăng giá điện do sự kiểm soát của chính phủ. Điều này dẫn đến một số nhà cung cấp điện cắt giảm sản lượng, dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Theo đánh giá của công ty Goldman Sachs, tình trạng thiếu điện đã tác động tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc. Nhiều nhà máy đã phải hoặc cắt giảm sản xuất hoặc chuyển chi phí sản xuất cao hơn sang người tiêu dùng. Điều đó có thể dẫn đến lạm phát ở cả trong nước lẫn trên toàn cầu.

Đồng thời, các nhà máy của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động khi nhiều người trẻ từ chối công việc ở nhà máy, vì cho rằng đó là công việc buồn tẻ và vô cùng vất vả. Mặc dù nhiều chủ nhà máy đã tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhưng các nhà máy vẫn rất khó tìm được công nhân.

Hơn nữa, dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc (từ 15 đến 29 tuổi) đang thu hẹp. Tỷ lệ này giảm từ 70% trong tổng dân số năm 2010 xuống còn 63% vào năm 2020 (theo một báo cáo của tờ Wall Street Journal).

Lương đã và đang được tăng lên nhưng việc làm vẫn chưa được lấp đầy. Nhiều nhà máy từ chối các đơn hàng nước ngoài và giảm quy mô sản xuất. Sự giới hạn công suất này chắc chắn đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Bảo Trâm (Theo Guardian, SCMP)

Bài mới
Đọc nhiều