Nước Đức đã “học” cách trở thành cường quốc thế nào từ khủng hoảng 2022?
Theo Diplomat, cuộc xung đột bùng phát tại Ukraine buộc nước Đức phải bước ra khỏi vỏ bọc rụt rè về địa chính trị vốn được duy trì từ sau Thế chiến II và học cách trở thành một cường quốc thực sự trong cuộc chơi toàn cầu, không chỉ về mặt kinh tế.
Tháng 03/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi lời mời Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đến một sự kiện đặc biệt tại Paris: Đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình sang thăm chính thức nước Pháp.
Đó là một động thái đầy trọng thị dành cho vị khách quan trọng đến từ châu Á, khi hai nguyên thủ Pháp – Đức cùng người đứng đầu bộ máy hành pháp của Liên minh châu Âu cùng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trong một buổi lễ trang trọng tổ chức tại Cung điện Versailles, với những lời lẽ tôn trọng dành cho một dân tộc lớn, một nền văn hoá lớn.
Nhưng, đó cũng là một màn thể hiện sức mạnh của châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó đã phát biểu rất thẳng thắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, việc ông mời Thủ tướng Đức và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cùng tham dự là biểu hiện sự đoàn kết của châu Âu, rằng châu Âu quyết tâm suy nghĩ và hành động như một khối thống nhất. Tổng thống Pháp thậm chí còn nói với ông Tập Cận Bình rằng ông mong muốn Trung Quốc không tìm cách chia rẽ sự đoàn kết đó của châu Âu.
Hơn 3 năm sau sự kiện mang đầy tính biểu tượng lịch sử đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vài tháng trước cũng gửi đến Đức một đề nghị khác, rằng hai nguyên thủ Pháp – Đức nên cùng thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc đầu tháng 11/2022 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục đích, cũng giống 3 năm trước, là nhằm thể hiện rằng châu Âu đoàn kết và có một cách tiếp cận chung trong mối quan hệ vô cùng quan trọng nhưng cũng rất phức tạp với siêu cường châu Á.
Khác với 3 năm trước, phía Đức từ chối. Thủ tướng mới của Đức, ông Olaf Scholz, người lên thay bà Angela Merkel cách đây hơn 1 năm, không muốn đi cùng ông Macron sang Trung Quốc vì cho rằng “không thích hợp”. Thay cho ông Macron là một phái đoàn hùng hậu gồm đại diện nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước Đức.
Nhìn từ phía Đức, quyết định này không phải điều gì đáng để tranh cãi bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Olaf Scholz trên cương vị Thủ tướng Đức đến quốc gia là đối tác kinh tế lớn nhất của Đức từ hơn nửa thập kỷ qua, và cũng là nơi mà các tập đoàn kinh tế Đức đang cần hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã và đang phá tan mô hình kinh tế dựa trên năng lượng giá rẻ từ Nga mà Đức được hưởng lợi suốt bao năm qua.
Nhưng nhìn từ phía còn lại của châu Âu, chuyến đi đến Trung Quốc của ông Olaf Scholz đầu tháng 11/2022 là một điều tương đối khó hiểu. Không hẳn là vì ông Olaf Scholz đã từ chối ý muốn đi cùng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mà vì các láng giềng châu Âu của Đức chưa hiểu được ý định thực sự của ông Olaf Scholz trong chuyến đi này, vào thời điểm mà như chính Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tuyên bố trước đó, rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine đã dạy cho nước Đức một bài học là không được phép quá phụ thuộc vào một quốc gia nào. Liệu đó có phải là sự tiếp nối chính sách trọng thương tuyệt đối như thời bà Angela Merkel, hay một sự mập mờ về chính sách?
Hay, nghiêm trọng hơn, đây chỉ là một biểu hiện rõ ràng hơn của việc nước Đức dưới thời ông Olaf Scholz đang ngày càng có xu hướng hành động một mình, không để tâm đến các quan ngại lợi ích của các nước khác trong Liên minh châu Âu?
Xu hướng đơn phương
Các lo ngại của nhiều nước EU về việc nước Đức dưới thời ông Olaf Scholz thích hành động đơn phương gia tăng đáng kể trong nửa cuối 2022. Khi cuộc khủng hoảng năng lượng mới nổ ra, các quan chức chính phủ Đức tự đi tìm các hợp đồng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại Qatar, UAE, Canada… mà không để tâm nhiều đến lời kêu gọi cùng mua chung khí đốt từ Uỷ ban châu Âu và các thành viên nghèo khác trong EU. Vào mùa Thu, Thủ tướng Olaf Scholz lại công bố một con số gây choáng váng: chi ra 200 tỷ euro để tạo tấm khiên tài chính, bảo vệ các doanh nghiệp và các hộ gia đình Đức khỏi giá năng lượng đang tăng không kiểm soát.
Dù Thủ tướng Olaf Scholz bảo vệ quyết định này bằng lập luận rằng, nước Đức chỉ làm những gì mà các chính phủ ở Tây Ban Nha, Italy… vẫn làm và Đức không hề ích kỷ khi vẫn đóng góp đến 26% ngân sách hàng năm cho EU, thì đối với nhiều lãnh đạo châu Âu, việc Đức chi ra con số khổng lồ 200 tỷ euro, cao hơn GDP của 90% số quốc gia EU, nhưng đồng thời trong một thời gian dài vẫn từ chối đề xuất của 24/27 nước thành viên về việc cần phải áp giá trần với khí đốt nhập khẩu là điều rất khó chấp nhận.
Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas đã nhận xét ngay trên kênh truyền hình Đức ZDF rằng, “nếu mỗi nước thành viên chỉ nghĩ đến lợi ích của mình thì toàn bộ EU sẽ thua thiệt”. Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki thậm chí còn gay gắt hơn khi cho rằng “nước Đức đã thể hiện sự kiêu ngạo khi dạy dỗ các nước khác trong khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch Covid-19 và nay lại sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để huy động các nguồn lực khổng lồ chỉ để giúp đỡ mỗi ngành công nghiệp Đức”. Đáp lại các bất mãn công khai đó, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz ban đầu chỉ chấp nhận đề xuất châu Âu sẽ nghiên cứu phương án áp giá trần khí đốt nhập khẩu, không nói “có”, cũng không nói “không”, cho đến tận những ngày cuối cùng của năm 2022.
Nhìn từ một góc độ nào đó, một số học giả châu Âu cho rằng nước Đức đang tự cô lập khi hành động một mình. Tuy nhiên, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá, sự cô lập đó “không tốt cho Đức, cũng không tốt cho châu Âu” và quan hệ Pháp – Đức, vốn là trụ cột cho EU suốt vài thập kỷ qua, đang phải gánh chịu hậu quả của xu hướng đơn phương đó từ Berlin, khi quan hệ Đức – Pháp đang xấu đi một cách không thể che giấu trong những tháng cuối 2022.
Chỉ trong vài tháng từ khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine, các tin tức trao đổi giữa hai đầu tàu của EU đều rất tiêu cực: Tổng thống Emmanuel Macron không thể cùng sang Bắc Kinh với Thủ tướng Olaf Scholz; cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp – Đức vốn dự kiến diễn ra cuối tháng 10/2022 tại Fontainebleau (Pháp) bị dời sang tháng 01/2023; Pháp – Đức công khai bất đồng về dự án xây đường ống dẫn khí Midcat nối bán đảo Iberia với Trung Âu chạy qua đất Pháp; các dự án quốc phòng chung có tầm chiến lược như phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6 có nguy cơ chậm tiến độ và thậm chí thất bại khi Đức đã lựa chọn mua máy bay F-35 của Mỹ. Và giấc mơ tự chủ chiến lược của châu Âu mà Pháp – Đức thúc đẩy quyết liệt vài năm trước giờ giống như một câu chuyện hoàn toàn của quá khứ khi nước Đức tái vũ trang và xây dựng lại các học thuyết quân sự mới cho riêng mình.
Điều gì đã dẫn đến những thay đổi rất khó nắm bắt hiện nay của cường quốc kinh tế số 1 châu Âu?
Một số học giả châu Âu cho rằng, tính cách quá kín đáo, ít thể hiện và tương đối mờ nhạt của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là một yếu tố lớn, thậm chí là một vấn đề, khi người đứng đầu chính phủ Đức dường như chưa ý thức được hết vai trò quan trọng hàng đầu mà nước Đức và cá nhân ông cần công khai thể hiện và dẫn đầu.
Nhưng có lẽ chính xác hơn, như ông Wolfgang Smidt, một chính trị gia lão luyện của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), một đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và hiện đang là Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức, đã thừa nhận cách đây không lâu, rằng “nước Đức chỉ như một đứa trẻ mới lớn trong thế giới địa chính trị”.
Theo ông Wolfgang Smidt, so với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay Nga, nước Đức mới đang chập chững trên con đường làm quen với vai trò lãnh đạo mới, chưa hiểu rõ về chính bản thân mình, không biết vị trí mà mình cần có, do đó cần phải va vấp và trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Nói cách khác, là nước Đức vẫn đang học cách để “trưởng thành” và điều mà những đối tác của Đức cần nhất bây giờ là sự kiên nhẫn.
Bảo Trâm