“Mọi năm nước vẫn lên, nhưng chưa bao giờ lên nhanh và mạnh như lần này. Cứ tưởng là sẽ chết, nhưng may được các chú công an đến cứu kịp thời”, bà Lê Thị Mẹo, 83 tuổi, nhớ lại.
10h ngày 10/11, hàng trăm người dân ở các xã Vạn Bình, Vạn Phú, huyện Vạn Ninh giật mình bởi tiếng nước từ trên núi đổ xuống ầm ầm. Chỉ trong vài giờ, cả một vùng rộng lớn của 2 xã này chỉ còn một màu đục ngầu của nước lũ.
Lũ chảy về ầm ầm “10h30, tôi gọi cho đứa cháu dặn về ngay để dọn nhà, kê đồ chạy nước lũ. Hơn 30 phút sau, nó về đến thì nước đã ngập hơn 1 m trước sân nhà, đồ đạc ngoài sân trôi lềnh bềnh”, bà Nguyễn Thị Lan, thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, kể lại.
Đến 11h, nước ở đầu nguồn vẫn đổ về xóm Bình Trung 1. Lúc này, mọi người vẫn chủ quan cho rằng chắc vẫn như mọi năm, nước lên một chút rồi sẽ xuống.
Một giờ sau, lũ chảy về mạnh hơn, nước dâng cao đến đầu gối. Lúc này ai cũng lo sợ vì không chuẩn bị cho tình huống chưa bao giờ xảy ra, đó là ngập nhà.
Ngồi an toàn trong trụ sở UBND xã Vạn Bình, bà Lê Thị Mẹo (83 tuổi) tay chân vẫn run run. Bà kể: “Nước lên nhanh quá! Tôi ở nhà một mình không biết xoay sở ra sao. Cả xóm này chưa bao giờ chứng kiến nước lũ về nhanh như vậy cả”.
Từ khi được cứu sống, chuông từ chiếc điện thoại trên tay bà Mẹo reo liên tục vì con, cháu gọi điện hỏi thăm tình hình.
“Tôi nghĩ mình sẽ chết” 14h, những tiếng kêu cứu, tiếng khóc bắt đầu vang lên ở thôn Bình Trung 1.
Nước trong nhà đã quá đầu gối, còn ngoài sân thì hơn 2 m, lúc đó bà Mẹo nghĩ mình sẽ không thoát ra ngoài được. Tất cả lối vào thôn Bình Trung 1 đã ngập sâu trong nước.
“Con gọi điện nói nước lớn quá, không về kịp. Lúc đó tôi hoảng hốt, gọi hàng xóm cũng không ai trả lời. Nước thì vẫn chảy ầm ấm vào nhà”, bà Mẹo nói, tay vẫn run run cầm chặt chiếc điện thoại.
Bà kể: “Mọi năm nước vẫn lên, nhưng chưa bao giờ lên nhanh và mạnh như lần này. Cứ tưởng là sẽ chết, nhưng may được các chú công an đến cứu kịp thời”.
Khi lực lượng chức năng tiếp cận được ngôi nhà thì thấy bà cụ 83 tuổi đang ngồi trên bàn ăn trong bếp. “Tay chân bà run cầm cập vì lạnh và hoảng sợ. Anh em chúng tôi phải bơi vào để đỡ bà ra ca nô”, một chiến sĩ tham gia cứu nạn kể lại lúc vào nhà bà Mẹo cứu người.
Sau thời điểm đó, nước vẫn tiếp tục lên, cả khu vực ruộng “thẳng cánh cò bay” nay chỉ còn một màu ngầu đục của nước lũ.
Thôn Bình Trung 1 là nơi thấp nhất của xã Vạn Bình, cũng vì thế nơi đây có nhiều người mắc kẹt nhất.
“Tôi 75 tuổi mà chưa chứng kiến trận lũ nào đáng sợ như hôm nay. Bão số 12 năm 2017 ghê gớm vậy mà nhà tôi cũng chỉ ngập tới sân, còn năm nay tràn cả vào nhà”, ông Trần Phẩm (75 tuổi, thôn Bình Trung 1) nói. Ông lo lắng thấp thỏm vì tuy người an toàn, tài sản có lẽ đã trôi hết theo nước lũ.
Theo ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, từ 12h, cơ quan chức năng huyện bắt đầu triển khai lực lượng chốt chặn tất cả lối vào hai xã Vạn Bình và Vạn Phú.
Cùng thời điểm, hàng chục chiến sĩ công an, quân đội của huyện Vạn Ninh được huy động, dùng ca nô chạy vào ngay các thôn có dân mắc kẹt để cứu người.
Đến 17h, toàn bộ 21 hộ dân với 58 nhân khẩu đã được đưa về trụ sở UBND xã Vạn Bình an toàn.
Lãnh đạo huyện Vạn Ninh nhận định nước lũ lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Tuy nhiên, do chủ động phương án trước khi bão số 12 đổ bộ nên các lực lượng đã kịp thời ứng cứu người dân mắc kẹt.
Liên quan đến hồ thủy lợi Hoa Sơn xả lũ, trong chiều 10/11, UBND huyện Vạn Ninh đã phải di dời 220 người tại xã Vạn Lương ra khỏi nơi ngập và đến nơi an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn tỉnh Khánh Hoà, bão số 12 quét qua Khánh Hoà đã làm mất điện toàn bộ thị xã Ninh Hoà và một số xã ở huyện Vạn Ninh.
Bão số 12 cũng làm 16 nhà dân tốc mái, 2 trụ sở cơ quan ở huyện Ninh Hoà bị hư hỏng, quốc lộ 27C nối Nha Trang – Lâm Đồng bị ách tắc do sạt lở. Một tàu cá ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, bị chìm. Khánh Hòa chưa ghi nhận thiệt về người do bão số 12.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại khoảnh khắc lực lượng cứu hộ, cứu nạn người dân tại các điểm bị cô lập:
Thành Nhân