+
Aa
-
like
comment

Nước đi sai lầm của Grab

Như Yên - 08/12/2020 16:38

Mấy ngày nay, tin tức trên truyền hình và cả trên MXH đang rầm rộ thông tin tài xế Grab tắt ứng dụng và biểu tình tại trụ sở của Grab tại Hà Nội phản đối tăng chiết khấu. Điều đáng nói, thông tin liên quan đến vụ việc giữa Grab và tài xế lại bị nhiều đối tượng lợi dụng đá xoáy vào việc áp dụng mức thuế mới của Nhà nước gây hiểu lầm nghiêm trọng.

Trước tiên, cần phải nắm rõ Grab là một doanh nghiệp nước ngoài, nhiều năm qua hoạt động ổn định và ngày càng phát triển là nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đối với việc thu thuế VAT. Từ trước giờ, chưa có mức quy định thu thuế đối với đơn vị vận tải công nghệ song nhìn chung thì vẫn là đơn vị vận tải nên cần phải có sự công bằng. Ví dụ Bee hay các hình thức vận tải truyền thống phải đóng mức thuế VAT 10% ngay từ đầu chứ không được ưu đãi như Grab. Hiện nay, Nhà nước quyết định thu đủ phí để đảm bảo tính công bằng là việc làm hết sức bình thường, phù hợp với Pháp Luật Việt Nam. Cả tài xế và khách hàng đều hiểu và đồng ý với quyết định này tuy nhiên Grab lại cố tình đẩy toàn bộ trách nhiệm đóng thuế lên vai tài xế và khách hàng nhằm tối ưu hóa mức lợi nhuận của doanh nghiệp. Sự việc trên đã dẫn đến cuộc biểu tình của hàng trăm tài xế tại trụ sở Grab vào ngày 7/12 vừa qua.

Mặc dù, các tài xế đã lên tiếng phản đối và yêu cầu có một buổi làm việc với đơn vị chủ quản này nhưng Grab lại chọn cách im lặng, mặc kệ ý kiến của đối tác. Theo quy định mới của Nhà nước thì việc áp dụng mức thuế VAT 10% là tính trên tổng doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh, việc thỏa thuận này sẽ do các bên tự quyết định. Nhưng Grab lại đưa ra quyết định chỉ có lợi cho bên doanh nghiệp, tài xế lái xe giang nắng dầm mưa đã cực khổ thu nhập ít ỏi nay lại bị chèn ép thêm. Điều đáng nói là khi nhận lại rất nhiều phản ứng gay gắt từ phía tài xế nhưng doanh nghiệp này dường như đang ngó lơ mọi việc.

Tại xế tập trung tại trụ sở chính của Grab ngày 7/12

Thêm vào đó, Grab khẳng định mình chỉ là đối tác (trung gian) không phải doanh nghiệp sử dụng lao động nên chỉ thu phí “giúp”. Tất cả mọi chi phí khác tác xế đều phải tự chi trả bao gồm: tiền xăng dầu, tiền bảo dưỡng máy móc. Chưa kể trong những ngày mưa bão hay dịch bệnh thì những người tài xế luôn là người xung phong hàng đầu cũng vì miếng cơm manh áo. Nay lại phải chịu thêm thuế VAT vậy việc hợp tác không phải quá thiệt thòi với các tài xế hay sao? Nhưng theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12,  Grab sẽ phải tiến hành khai thuế VAT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% (thay vì 3% như trước đây) và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho các tài xế hợp tác. Như vậy, Grab không phải là đơn vị “thu hộ” mà phải thực hiện đúng trách nhiệm đóng thuế theo quy định Pháp Luật.

Cần phải hiểu rõ, Grab hay Gojek, Bee là những đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.

“Việc tăng mức thuế GTGT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng Grab lấy đó làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế là không đúng. Bởi quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – thuế nhấn mạnh.

Thực tế, việc Grab đồng thời tăng mức chiết khấu đối với tài xế và tăng mức giá cước đối với khách hàng nhằm đảm bảo việc giữ nguyên lợi nhuận cho doanh nghiệp, đẩy hết mọi trách nhiệm thuế lên vai người lao động. Nói đơn giản, trước đây, một cuốc 100.000 đồng thì nhận được chừng 70.000 đồng, trong khi mức chiết khấu mới, giá cước sẽ được đẩy lên 110.000 đồng nhưng tài xế chỉ nhận được khoảng 65.000 – 67.000 đồng. Chắc chắn, sau quyết định sai lầm này thì Grab sẽ mất một lượng lớn khách hàng, trong đó có tôi.

Hơn nữa, việc tài xế đình công biểu tình tại trụ sở Grab không phải mới diễn ra lần đầu tiên. Tháng 8/2019, hàng trăm tài xế GrabBike đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của Grab tại TP.HCM để phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân mà nhóm tài xế cho rằng còn nhiều điểm chưa minh bạch. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã xảy ra nhiều mâu thuẫn với đối tác trong thời gian trước đó, xuất phát từ cách làm việc của doanh nghiệp chứ không phải do chính sách thu thuế của Nhà nước.

Suốt thời gian qua, Grab đã được Nhà nước hỗ trợ tận tình nhưng lại quên mất nghĩa vụ đóng thuế vốn có của một doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều kẻ phản động đã lợi dụng sự việc này để đả phá chế độ nhưng Grab vẫn chưa có động thái đưa ra câu trả lời chính xác cho dư luận. Tuy nhiên, sự việc rõ ràng như thế này, tôi tin rằng người dân cả nước sẽ dễ dàng nhận biết ai đúng ai sai. Hơn hết, việc tôi muốn nhấn mạnh chính là cách giải quyết các vấn đề của Grab vẫn còn quá kém, gây hiểu lầm về các chính sách của Nhà nước.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều