Nước cờ mạo hiểm bên lề Thượng đỉnh G7
Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ không tìm kiếm sự thay đổi lãnh đạo ở Tehran nhưng muốn buộc Iran tham gia các cuộc thương thảo mới
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) khép lại tại thị trấn Biarritz của Pháp hôm 26-8, một ngày sau khi sự xuất hiện bất ngờ của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif phần nào phơi bày những rạn nứt trong nội bộ nhóm này.
Tổng thống Emmanuel Macron của nước chủ nhà đã đi nước cờ mạo hiểm khi mời ông Zarif đến Biarritz hôm 25-8 với hy vọng đạt được kết quả đột phá liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Các nhà lãnh đạo dự hội nghị chỉ được biết về sự hiện diện của ông Zarif vào phút chót. Tại Biarritz, ông Zarif có các cuộc thảo luận kéo dài hơn 3 giờ trước khi trở về Tehran.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và ông Zarif đã đánh giá về những điều kiện nào có thể giúp xuống thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Iran còn gặp một số quan chức Đức, Anh nhưng không gặp bất kỳ quan chức Mỹ nào.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp ông Zarif tại thủ đô Paris – Pháp hôm 23-8 giữa lúc có nỗi lo tình hình Trung Đông sẽ thêm bất ổn nếu thỏa thuận hạt nhân được Iran và 6 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc ký năm 2015 bị sụp đổ. “Các cuộc thảo luận giữa tổng thống (Macron) và ông Zarif là tích cực và sẽ tiếp tục” – một quan chức Pháp cho biết nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Hiện chưa rõ sự hiện diện của ông Zarif tại Biarritz có mang lại sự đột phá cho vấn đề Iran như kỳ vọng hay không. Đây là chủ đề được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận chiều tối 24-8 (giờ địa phương). Một nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ với hãng tin Reuters rằng ông Donald Trump dường như vẫn không chịu nới lỏng trừng phạt dầu nhằm vào Tehran như mong muốn của ông Macron.
Theo một quan chức Nhà Trắng, ông Donald Trump không khỏi “ngạc nhiên” khi biết thông tin ông Macron mời ông Zarif đến Biarritz. Tuy nhiên, phát biểu với giới truyền thông hôm 26-8, ông chủ Nhà Trắng nói lại rằng ông không thấy bất ngờ về điều đó nhưng cho biết vẫn còn quá sớm để gặp ông Zarif lúc này. Theo đài Al Jazeera, ông Donald Trump cũng khẳng định Mỹ không tìm kiếm sự thay đổi lãnh đạo ở Tehran nhưng muốn buộc Iran tham gia các cuộc thương thảo mới, trong đó đề cập cả chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động của quốc gia Trung Đông này tại khu vực.
Kể từ khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm ngoái, ông Donald Trump đã thúc đẩy chính sách gây sức ép tối đa để buộc Tehran nhượng bộ về một thỏa thuận mới có nội dung nói trên. Trong khi đó, các đồng minh châu Âu của Mỹ lại muốn duy trì thỏa thuận năm 2015. Trong diễn biến cho thấy không phải là công việc dễ dàng, theo Reuters, hai quan chức Iran hôm 25-8 ra điều kiện Tehran phải xuất khẩu tối thiểu 700.000 thùng dầu/ngày nếu phương Tây muốn thương thảo. Ngoài ra, Tehran còn nhấn mạnh không đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của mình.
Trước mắt, Iran đã đáp trả các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ bằng một loạt động thái như dừng thực hiện một số cam kết hạn chế hoạt động hạt nhân theo thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố để đổi lấy bất kỳ nhượng bộ nào, Iran cần tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân và tiến hành các cuộc thương thảo mới.
Iran tìm sự ủng hộ đối phó trừng phạt của Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif ngày 26-8 đã đến thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc, bắt đầu chuyến công du châu Á không lâu sau khi kết thúc chuyến thăm 4 nước châu Âu – Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Pháp.
Theo hãng tin Tasnim, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, ông Seyed Abbas Mousavi, nhấn mạnh chuyến thăm các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia lần này của ông Zarif nhằm theo đuổi và thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, cân bằng của Iran. Quan hệ song phương và các vấn đề quan trọng nhất trong khu vực và quốc tế thuộc số những vấn đề được thảo luận giữa ông Zarif với các quan chức 3 nước này.
Chuyến đi này được xem là một phần nỗ lực ngoại giao của Tehran nhằm tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tehran đang nỗ lực thúc ép các nước châu Âu thực hiện những biện pháp có thể giúp Iran né tránh các lệnh trừng phạt này. Ông Zarif đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao bất chấp bị chính quyền ông Donald Trump đưa vào danh sách trừng phạt.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iran khẳng định nhiều nước vẫn duy trì quan hệ thương mại với Tehran bất chấp sức ép của Washington. Riêng Trung Quốc và Nhật Bản đã bác đề xuất của Mỹ về việc lập liên minh hàng hải để bảo vệ các tàu dầu ở vùng Vịnh do lo ngại căng thẳng leo thang tại eo biển Hormuz.
Hoàng Phương/Người Lao Động