Nước Anh “hoảng loạn” cực độ chỉ vì con số này tăng cao kỷ lục nhất trong 40 năm
Trang Bloomberg đưa tin, lạm phát ở Anh đã tăng cao lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, khiến người tiêu dùng ngày càng bị bóp nghẹt và tiếp tục dồn áp lực phải hành động lên chính phủ cũng như Ngân hàng Trung ương Anh.
Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 17/8 cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, lạm phát của Anh đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này. Theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6.
Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng vọt là do giá thực phẩm tăng, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thực hiện 5 lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản liên tiếp để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, hôm 19/7, Thống đốc Andrew Bailey cho biết, Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) có thể cân nhắc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8.
Điều này sẽ tạo thành lần tăng lãi suất duy nhất lớn nhất của Anh trong gần 30 năm. Thống đốc Bailey khẳng định không có bất cứ ngoại lệ nào đối với ngân hàng trung ương trong cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Từ góc độ chính sách tiền tệ, những thời điểm này là thách thức lớn nhất đối với chế độ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu mà chúng ta đã thấy trong một phần tư thế kỷ, kể từ khi MPC được thành lập vào năm 1997”, Thống đốc BoE Bailey nhận xét.
BoE dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 11% vào cuối năm, trong khi số liệu mới nhất của ONS cho thấy, mức lương thực tế ở Anh trong tháng 3, 4, 5 đã trải qua mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2001.
Hussain Mehdi, Chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management, nhận định: “Sự siết chặt chi phí sinh hoạt đang gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế, vốn được thúc đẩy bởi sức mạnh tiêu dùng. Điều này có nghĩa nguy cơ suy thoái là rất cao”.
“Tuy nhiên, có khả năng BoE sẽ tiếp tục siết chặt chính sách nhằm đối phó với vòng xoáy lạm phát – tiền lương đang tăng lên. Các số liệu mới nhất cho thấy, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và góp phần vào áp lực lạm phát trong nước”, ông Hussain Mehdi cho biết.
Bảo Trâm (Theo Bloomberg)