Nực cười chuyện ôm mộng xét lại lịch sử
Không ai có quyền nói rằng thống nhất đất nước là sai, không ai có quyền xét lại quá khứ cả nếu chúng ta thực sự muốn hòa hợp.
Mới đây, trang BBC New Tiếng Việt có đăng tải một luận điệu mang tính chất “phán xét lại lịch sử” đó là: “Về các cuộc chiến trong thế kỷ XX ở Việt Nam. Nếu đã lên án sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, thì cũng phải lên án cả sự có mặt của Mỹ và đồng minh như Hàn Quốc… Tương tự, nếu biết ơn Liên Xô, Trung Quốc đã viện trợ từ 1950 tới 1975, thì cũng nên xem sự can thiệp của Mỹ và đồng minh là chuyện bình thường. Nếu thống nhất cách nhìn này, sẽ giúp hàn gắn người Việt với nhau”.
Những chiến thắng của chính nghĩa
Trải qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dù phải đối mặt với những đế quốc hung hãn, bạo tàn nhất như Mông Cổ và phong kiến phương Bắc, hay thậm chí cả thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ… quân dân Việt Nam vẫn luôn giành chiến thắng cuối cùng. Đỉnh cao chính là chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, đánh dấu thời kỳ hòa bình mới trong lịch sử của dân tộc.
Trong thế kỷ XX thật sự là đỉnh cao của cuộc chiến chính nghĩa chống thực dân – đế quốc sừng sỏ, hùng mạnh nhất thời buổi bấy giờ mà lịch sử sẽ không quên và không ai có thể phán xét lại hay phủ nhận được. Mà tiêu biểu đó là những chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Paris 1973 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Cụ thể trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954: Tướng De Castries đã phải thừa nhận rằng: Người ta chỉ có thể đánh bại được một quân đội chứ không thể đánh bại được một dân tộc. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp”.
Chiến thắng siêu cường trên bàn đàm phán 1973: Để có lợi trên bàn đàm phán, Mỹ gửi tối hậu thư “Miền Bắc sẽ trở về thời kỳ đồ đá” nếu không ký Hiệp định theo phương án Mỹ đề nghị. Sau 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ hoàn toàn thất bại với tham vọng của mình.
Việc ký kết Hiệp định Paris 1973 đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc. Nhà cố vấn Lê Đức Thọ giành chiến thắng một cách ngoạn mục: vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia song vẫn không làm mất thể diện của nước bạn. Sau này, ông trở thành người Việt đầu tiên có vinh dự được nhận giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, nhà cách mạng lỗi lạc đã từ chối trước sự kinh ngạc của toàn thế giới.
Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975: Khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập khiến ngay cả những thế hệ sau này khi nhìn lại cũng cảm thấy tự hào, xúc động và khao khát muốn sống trong thời khắc cách đây tròn 45 năm – khoảnh khắc cả dân tộc chung một niềm vui, non sông thu về một mối. Một trang sử mới mở ra: Hòa bình – Tự do – Hạnh phúc. Nhiều học giả quân sự quốc tế xem đây là một trong những trận chiến vĩ đại nhất của thế kỷ XX và là thời khắc quyết định của lịch sử Đông Nam Á. Tạp chí danh tiếng TIME của Mỹ đã 2 lần để tướng Giáp làm ảnh bìa như sự công nhận và kính phục của toàn thế giới trước vị Đại tướng của chúng ta.
Hơn 3/4 thế kỷ XX dân tộc Việt Nam phải dành cho những cuộc chiến “nồi da xáo thịt”, với bất kỳ quốc gia nào thì nếu phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp đó cũng kéo tụt sự phát triển của đất nước nhiều thế kỷ. Vấn đề đặt ra là không nhiều quốc gia trên thế giới phải trả cái giá đắt để đổi lấy “độc lập – tự do” như Việt Nam chúng ta.
Làm sao để hòa hợp dân tộc?
Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ rồi thì tất cả bỏ qua quá khứ cùng nhau xây dựng đất nước, cùng đưa đất nước hội nhập với quốc tế. Ấy thế mà, vẫn có một số luận điệu tỉnh bơ thế này: “Giá như năm xưa cộng sản không chủ chiến mà biết lợi dụng Nga và Tàu xây dựng miền Bắc và để nhân dân miền nam với sự giúp đỡ của Mỹ và Tây phương xây dựng miền Nam trong hòa bình thì ngày hôm nay Việt Nam không thua Đức, Đài Loan, Hàn Quốc. Tiếc thay người cộng sản ngày đó chỉ nghĩ đến bạo lực”. Hoặc là kêu gọi Việt Nam phải thực hiện đa đảng, phi chính trị hóa quân đội: “Cách duy nhất để hàn gắn là đa nguyên đa đảng để người dân có quyền tự do lựa chọn hướng đi chính trị của mình. Đảng Cộng sản vẫn sẽ được tham gia chính trường với điều kiện tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc dân chủ như bao đảng khác. Chỉ có đa đảng và phi chính trị hóa quân đội mới bảo vệ được sự độc lập và như vậy thì sự thật mới sáng tỏ”.
Thế nhưng, các “nhà dân chủ” xin hãy nhớ rằng, muốn yêu nước, muốn có độc lập, chủ quyền thực sự, không thể nói bằng mồm, không thể năm này tính toán “nghiêng” bên nước này, năm sau “nghiêng” sang nước nọ để mong họ giữ nhà cho mình.
Phải nhớ cho rõ rằng, những cuộc chiến ở thế kỷ XX nói riêng và nhiều nhiều công cuộc đấu tranh giành giữ độc lập suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam là chính nhờ có quyết tâm giành độc lập, thống nhất dân tộc, đất nước. Vì tư tưởng “độc lập – tự do” Đảng mới có toàn quyền xây dựng, phát triển đất nước và thực hiện các bước đi táo bạo củng cố chủ quyền cả trên đất liền lẫn biển đảo cho ngay sau khi giải phóng, bất chấp đất nước còn đang kiệt quệ, cùng quẫn vì bao vây cấm vận tứ bề, để Việt Nam có hình hài “con rồng” như bây giờ.
Hơn nữa, sự khác biệt rõ ràng nhất mà lịch sử ghi nhận đó chính là những cuộc “nồi da nấu thịt” diễn ra ngay trên chính mảnh đất nhỏ bé này. Nói gì thì nói, thực tế là chính chế độ ngụy quân ngụy quyền đã tiếp tay, làm bàn đỡ cho thế lực ngoại bang như thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân Tưởng Giới Thạch, Hàn, Nhật… có đường vào xâm chiếm đất nước, đàn áp nhân dân. Nếu ngày đó không tồn tại những tư tưởng cứu quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, không tồn tại những bộ óc quân sự tài hoa như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp…và cuộc cách mạng của Việt Nam không có sự hỗ trợ, viện trợ của các nước đồng minh Nga, Trung, Cu Ba…thì Việt Nam bây giờ sẽ có hình hài như thế nào? Nói ra thì nhiều vô kể, chỉ biết một điều, chiến tranh là đau thương, mất mát, cuộc sống tiêu điều, nhân tâm lý tán, điều đó chẳng ai mong muốn cả. Giờ chiến tranh đã đi qua khá lâu và đất nước, dân tộc Việt Nam là một – một chân lý không bao giờ thay đổi.
Ngày nay chúng ta nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Bản thân những người đã ra đi sinh sống ở hải ngoại và cả những người ở lại, đừng nên mang trong mình nỗi hận thù, hằn học dân tộc nữa. Quan trọng hơn, chúng ta không bao giờ được phủ nhận thành quả của công cuộc thống nhất đất nước, đó là một quyết sách đúng đắn. Đất nước Việt Nam đã quá bé nhỏ để chống chọi lại với ngoại bang rồi nên không thể chia năm sẻ bảy, không ai có quyền nói rằng thống nhất đất nước là sai, không ai có quyền xét lại quá khứ cả nếu chúng ta thực sự muốn hòa hợp. Mỗi cá nhân hãy biết khoan dung, bỏ qua những khác biệt của nhau, trước khi nhìn nhau dưới lăng kính những thứ ý thức hệ, quan điểm này hay quan điểm kia thì hãy nhìn nhau với tư cách là những con dân đất Việt, “con Lạc cháu Hồng”. Nếu không gạt những xung đột về tư tưởng qua một bên thì rất khó để hoà hợp dân tộc. Không lẽ các “nhà dân chủ”, những kẻ phản quốc, lưu vong cứ ngồi đó nghĩ về quá khứ, phát ngôn bậy bạ, ăn nói quàng xiên, ôm mộng “phán xét lại lịch sử” hoài vậy sao?
Sông Trà