+
Aa
-
like
comment

Nực cười cho những ai phủ nhận trắng trợn chế độ

sông trà - 24/09/2020 18:23

Trong bóng tối, nhân loại có thể nhìn thấy rõ hơn những điểm sáng. Điểm sáng của chủ nghĩa xã hội hiện thực vốn vẫn sáng và tiếp tục tỏa sáng.

Việt Nam đang phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ

Ngày nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không dễ gì có thể dùng lực lượng vũ trang, áp đặt chế độ cai trị của chúng lên đất nước ta như những cuộc chiến tranh xâm lược trước đây. Chúng chỉ có thể thực hiện bằng những chiến lược “mềm”, trước hết là chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Phủ nhận trắng trợn chế độ

Mới đây, “nhà nghiên cứu” Mai Thanh Sơn nói trên BBC Tiếng Việt với hàm ý rằng chế độ mà Việt Nam đang theo đuổi là một sự xa vời. Và một trong những lý do biện minh cho lập luận đó là nguồn tài nguyên của Việt Nam ngày càng càng kiệt, cán bộ thì nhũng nhiễu, tham nhũng, ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như sự phát thịnh vượng của nhân dân và đất nước.

Cụ thể, ông Mai Thanh Sơn nói: “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng hiểu hết ngữ nghĩa của 6 chữ trong tiêu ngữ quốc gia “độc lập – tự do – hạnh phúc”. Và tôi thấy rằng, đó thực sự là những mục tiêu còn rất xa đối với bản thân và đồng bào mình”.

Ông tiếp tục, đất nước thống nhất về địa lý, lãnh thổ quốc gia, nhưng điều đó liệu có ý nghĩa gì khi lòng người li tán, khối đại thống quốc gia sau 45 năm vẫn chưa hàn gắn được? Sau 75 năm quốc khánh, nhìn lại những được mất về lãnh thổ lãnh hải, về các nguồn tài nguyên vốn dĩ một thời là “rừng vàng biển bạc”, về các thành tựu khoa học và công nghệ, về một thương hiệu quốc gia vẫn còn đang ở đâu đó “tít mù xa”. Thử hỏi, ai trong chúng ta có thể chỉ ra được một niềm tự hào chính đáng?

“Hiện đất nước đang nghèo đi từng ngày các nguồn tài nguyên, đang trăn trở từng giờ về một hướng đi cho nền kinh tế phát triển bền vững, và một bộ máy sờ đâu cũng thấy “củi”. Tôi không nghĩ rằng, đó là tính chất ưu việt của chế độ” – Nhà nghiên cứu Mai Thanh Sơn nói.

Xâu chuỗi lại các luận điểm, luận điệu về việc này sẽ thấy rằng, các trang mạng thù địch, các “nhà dân chủ” của các tổ chức phản động lưu vong… vẫn chỉ là chuyện “mượn gió bẻ măng” như lâu nay họ vẫn làm để xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vùi dập chế độ. Còn các tri thức “trở cờ” không biết vì mục đích gì mà có những suy nghĩ, chứng kiến đi ngược lại với mục tiêu tốt đẹp của chế độ như vậy.

Thực tế hiện nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều hình thức nhà nước dân chủ với những tên gọi khác nhau; chẳng hạn: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (Lào); Cộng hòa XHCN (Việt Nam); Cộng hòa Nhân dân (Trung Hoa)… Ngoài một số ít quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ, các nhà nước có chế độ nghị viện, như chế độ Cộng hòa Tổng thống (Hoa Kỳ, Mexico…); Cộng hòa Đại nghị (Áo, Ấn Độ…) đều là những nước dân chủ tư bản chủ nghĩa (TBCN). Trong những nước dân chủ này lại có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: Dân chủ đa đảng, dân chủ một đảng cầm quyền…

Bởi vậy, việc người ta lấy một mô hình dân chủ nào đó, chẳng hạn như mô hình phương Tây mà phủ nhận chế độ dân chủ XHCN của Việt Nam là một cách nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị thâm độc, muốn xóa bỏ chế độ hiện hữu và thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Nền tảng tư tưởng chế độ của Việt Nam

Đúng là, chúng ta không hẳn đã hài lòng với những kết quả kinh tế – xã hội đạt được, bởi bên cạnh đó, tệ tham nhũng, quan liêu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình trạng suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của không ít người được coi là “công bộc” của dân, những biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân… vẫn đang gây bức xúc.

Vẫn còn đó những bức xúc về an toàn xã hội, giao thông, môi trường, hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm… Đời sống của một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tụt hậu so với mặt bằng chung của toàn xã hội… Đây cũng là những điểm dễ bị các thế lực thù địch xoáy sâu, thổi phồng, chống phá chúng ta.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách phong phú, đa dạng, nhiều chiều… Nếu người dân thiếu ý thức, kiến thức và trách nhiệm sẽ dễ bị mắc bẫy của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, hãy nhớ, ngay cả chế độ dân chủ TBCN vẫn hạn hẹp vì sự bất bình đẳng về chế độ sở hữu, vì sự phân hóa giàu-nghèo. Ví dụ như, hiện nay, các cuộc bầu cử ở nhiều nước phát triển, số cử tri đi bầu cử thường thấp. Cuộc bầu cử gần đây nhất của Hoa Kỳ không cao chỉ ở mức dưới 70%.

Trong khi đó, chế độ dân chủ XHCN là thành quả cách mạng hơn 70 năm của nhân dân Việt Nam với biết bao nhiêu hy sinh xương máu, tài sản, sức lực của đồng bào và chiến sĩ. Chế độ dân chủ XHCN đã trở thành văn hóa lối sống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ khoan nhượng với bất cứ ai, lấy bất cứ lý do gì để phủ nhận thành quả đó.

Theo đó, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đó là nguyên tắc được Đảng ta quán triệt và kiên định trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tốt đẹp hay không thì hãy xem những gì Việt Nam đã và đang làm khiến cho quốc tế phải ngỡ ngàng, công nhận. Chẳng hạn, khi đại dịch toàn cầu bùng phát và ngày càng lan rộng, nhiều nước, ngay cả các nước là đồng minh của nhau đã và đang thực hiện các hành động giành giật, tranh mua các lô khẩu trang, thiết bị y tế, nhưng với Việt Nam, ngay trong thời khắc khó khăn, vẫn hành xử một cách có lương tri, có phẩm giá. Đó là, hỗ trợ thành phố Vũ Hán, hỗ trợ nước bạn Lào, Campuchia, hỗ trợ Hoa Kỳ, các nước châu Âu vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch.

Chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch được ban hành khẩn trương thể hiện rõ nét tinh thần của Chính phủ hành động, phục vụ. Theo đó, gói hỗ trợ có giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng, áp dụng cho gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động chịu ảnh hưởng của dịch. Sáu nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp. Các đối tượng của chính sách bao gồm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm.

Hành xử đó không chỉ biểu hiện bản chất nhân văn cao đẹp của một chế độ xã hội mà còn thể hiện một tinh thần quốc tế cao cả. Giá trị vật chất có thể không lớn, nhưng hành động đẹp, đúng lúc cần thiết sẽ khẳng định giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Vấn đề được đặt ra chúng ta cần nghiêm túc xem xét đó là: Muốn bảo vệ phải phát triển, bảo vệ không có nghĩa là “ôm giữ” cả những luận điểm đã bị thực tiễn vượt qua.

Đó là, làm rõ hơn cơ chế kiểm soát quyền lực như thế nào trong mô hình Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong điều kiện mới.

Chúng ta cần phải thực sự dân chủ, lắng nghe, phân tích khách quan, không được quy chụp. Phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và những giá trị truyền thống của dân tộc để hoàn thiện lý luận, để những tư tưởng đó chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam…

Nhưng dù sao đi nữa, mọi sự so sánh đều là khập khiễng khi mà lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta đã được làm rõ hơn. Và những gì xảy ra trên thực tế cho thấy bản chất ưu việt của chế độ ta là không thể phủ nhận, không thể chối cãi bằng bất cứ luận điệu xuyên tạc nào.

Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua bóng tối của dịch bệnh bằng ánh sáng chân lý, hệ giá trị tư tưởng và lựa chọn của riêng mình. Trong bóng tối, nhân loại có thể nhìn thấy rõ hơn những điểm sáng. Điểm sáng của chủ nghĩa xã hội hiện thực vốn vẫn sáng và tiếp tục tỏa sáng.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều