Nữ trưởng phòng Đắk Lắk chưa được cấp bằng thạc sĩ
Liên quan quá trình học vấn của nữ trưởng phòng mạo danh Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên giả), đại diện Học viện Tài chính cho biết, bà này mới hoàn thành khóa học, đã bảo vệ luận văn nhưng chưa được cấp bằng thạc sĩ.
Chiều 15/10, làm việc với PV, đại diện khoa Sau ĐH, Học viện Tài chính cho biết năm 2017, học viện tuyển sinh đào tạo thạc sĩ liên kết với trường ĐH Tây Nguyên. Theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 14 về đào tạo thạc sĩ, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đáp ứng đủ các điều kiện như tốt nghiệp ĐH ngành Kế toán, ĐH Đà Nẵng năm 2009, ngành Kế toán là ngành gần với ngành Tài chính ngân hàng mà bà Sa muốn học thạc sĩ. Học viện cũng đã bổ sung kiến thức theo quy định.
Vị đại diện cho Khoa Sau ĐH, Học viện Tài chính cũng cho biết, sau 2 năm, bà Sa (giả) đã hoàn thành khóa học với 20 học phần đào tạo và đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian đợi cấp bằng, Học viện nhận được thông tin liên quan bằng cấp trước đó của bà Sa nên hiện tại, Học viện tạm dừng thủ tục cấp bằng, đợi kết quả cuối cùng từ các đơn vị chức năng của tỉnh Đắk Lắk.
Theo quy định tại Thông tư 14, đối với các trường hợp thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ tuyển sinh sẽ bị buộc thôi học. Nếu phát hiện sau khi cấp bằng thì thủ trưởng cơ sở đào tạo thu hồi, huỷ bỏ bằng thạc sĩ đã cấp đối với người vi phạm.
Trước câu hỏi của phóng viên có quy định bằng phải tốt nghiệp loại nào hay loại hình đào tạo như thế nào không, đại diện khoa Sau ĐH cho biết, Bộ GD&ĐT không quy định nội dung này; chỉ quy định có bằng ĐH.
Vị này thông tin thêm, Học viện liên kết với ĐH Tây Nguyên để đào tạo thạc sĩ là căn cứ vào quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ được tổ chức đào tạo một phần chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở đào tạo khi được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; các vùng, các khu vực kinh tế trọng điểm; các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định. Khóa đào tạo mà học viên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) học là khóa cuối cùng Học viện tổ chức đào tạo ngoài trường.
Cần xem lại chất lượng đào tạo thạc sĩ
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tuyển sinh sau ĐH của tất cả các cơ sở đào tạo ĐH đều gặp khó khăn. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, trước đây, mỗi năm trường tuyển được khoảng 120 nghiên cứu sinh, 1.500 học viên thạc sĩ. Nhưng gần đây, chỉ tuyển được khoảng 30 nghiên cứu sinh, 600 – 700 thạc sĩ.
Nguyên nhân là do trường luôn siết chất lượng đầu vào, nhu cầu học sau ĐH đã bắt đầu bão hòa. Trước đây, các trường ĐH, CĐ phải chuẩn hóa đội ngũ nên các giảng viên phải đi học sau ĐH nhiều, còn hiện tại, nhu cầu không còn nữa. Mặt khác, các cơ sở đào tạo sau ĐH cũng nhiều hơn.
TS. Vũ Trọng Nghĩa, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, chất lượng đào tạo thạc sĩ của các trường không như nhau. Bản thân ông từng được một đơn vị đào tạo khác mời đi giảng dạy cho một lớp thạc sĩ. Khi đến giảng dạy, giảng viên đến lớp nhưng vẫn không thấy học viên đâu. Nản quá, TS. Nghĩa “bỏ của chạy lấy người” và từ đó, đơn vị nào mời ông cũng không nhận lời.
Ông Nghĩa khẳng định, việc đào tạo ở ngoài trường chắc chắn không thể nghiêm túc như trong trường. Vì thế, các học viên thường tìm đến những đơn vị có các lớp đào tạo ngoài trường để học. Đó là lý do vì sao những trường đào tạo chuẩn gần đây rất khó tuyển sinh.
“Lỗi tại các cơ sở đào tạo nhưng các trường cũng phụ thuộc nhu cầu xã hội. Nếu chúng ta có quy định học là vì nhu cầu công việc, không phải có bằng cấp để bổ nhiệm, lên lương thì sẽ có sự thay đổi ngược lại với các trường. Có cầu ắt có cung”, ông Nghĩa nói.
Ông cũng cho biết, từ năm 2019, ĐH Kinh tế Quốc dân đổi mới các môn thi đầu vào tuyển sinh thạc sĩ. Thay vì thi lý thuyết Toán nặng nề như trước đây, giờ yêu cầu người dự tuyển phải giải bài toán kinh tế, có kiến thức về kinh tế thực tế.
Bài luận cũng đặt ra một số tiêu chí yêu cầu tính thực tiễn. Tuy nhiên, với việc không kiểm soát chất lượng đào tạo thạc sĩ như hiện nay, ông Nghĩa lo rằng các trường chất lượng sẽ phải hạ chuẩn để tuyển được học viên.
(Theo Tiền Phong)