+
Aa
-
like
comment

Nữ sĩ quan Việt Nam sẽ ứng tuyển nhiều vị trí ở Liên Hợp Quốc

27/11/2020 06:58

Bộ Quốc phòng Việt Nam duy trì, xem xét khả năng nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ngày 26/11, tại Hội nghị trực tuyến “Vai trò của phụ nữ và phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động gìn giữ hòa bình”, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết việc nữ quân nhân ứng tuyển vào làm việc tại các vị trí cao hơn tại trụ sở Liên Hợp Quốc và sở chỉ huy phái bộ sẽ được quan tâm trong thời gian tới.

“Bộ Quốc phòng chỉ đạo bảo đảm tốt hơn các chính sách đãi ngộ, trọng dụng, hỗ trợ để phụ nữ yên tâm tham gia, hiệu quả công việc ngày càng chất lượng hơn”, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho hay.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoàng Thùy
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoàng Thùy

Việt Nam chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình năm 2014 song đến tháng 1/2018 mới cử nữ sĩ quan đầu tiên tham mưu tác chiến ở Phái bộ tại Nam Sudan. Dù vậy, tỷ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng lên nhanh chóng khi tháng 10/2018 triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan với 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, nhân viên y, bác sĩ. Nữ quân nhân chiếm gần 16% – cao hơn mức kêu gọi của Liên Hợp Quốc. Tháng 11/2019, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện số 1 và tiếp tục duy trì tỷ lệ nữ quân nhân tham gia.

Với hình thức cá nhân, Việt Nam đang duy trì 3 nữ tham gia trên tổng số 16 sĩ quan làm việc tại các phái bộ, chiếm gần 19%. Các nữ quân nhân của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của Liên Hợp Quốc tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.

Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Thùy
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Thùy

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc không chỉ thể hiện bình đẳng giới mà còn giúp các phái bộ thực hiện tốt nhiệm vụ ở các cộng đồng rất đa dạng. Việt Nam là một trong số những nước có tỉ lệ hàng đầu về số lượng nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, giải quyết xung đột, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, hậu quả do các thách thức phi truyền thống để lại, vai trò của phụ nữ đôi khi có ảnh hưởng tích cực và mang lại thành công tốt hơn so với nam giới. Vì vậy, việc khuyến khích nữ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc rất được chú trọng.

Hiện nay, tỷ lệ nữ Liên Hợp Quốc khích lệ là 10% với nữ quân nhân triển khai hoạt động cá nhân như sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sỹ quan tình báo, huấn luyện… Còn ở cấp độ đơn vị, Liên Hợp Quốc hiện chỉ có mức 5% trong khi đó tỷ lệ của Việt Nam là 15,8%.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, được Liên Hợp Quốc đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Thùy
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, được Liên Hợp Quốc đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Thùy

“Họ nhìn thấy ở nữ sĩ quan Việt Nam ngoài hình ảnh quân nhân thông thường còn là nữ bộ đội cụ Hồ”, ông nói và cho biết Việt Nam cam kết các đội công binh sắp triển khai hoặc các đội khác cũng sẽ duy trì tỷ lệ nữ trên 10%. Thực tế, Việt Nam đang chuẩn bị đội công binh 295 người và có tới 31 phụ nữ (trên 11%).

Hoàng Thùy/VNE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều