Nữ quan sát viên Việt Nam đầu tiên trong lực lượng mũ nồi xanh
Hai ngày trước khi lên đường làm nhiệm vụ quan sát viên quân sự ở Nam Sudan, thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương tranh thủ làm sinh nhật cho mình và con trai.
“Happy birthday major Phuong”, Kin, con trai đầu của chị Nguyễn Thị Minh Phương đã tự tay trang trí lên bảng dòng chữ này đúng hôm sinh nhật chung 10/11 của hai mẹ con. Phía dưới bảng là nét vẽ những đứa trẻ nắm tay chơi đùa, một biểu tượng của hoà bình. Nữ sĩ quan 36 tuổi khóc vì hạnh phúc khi “cảm thấy con trai đã trưởng thành hơn rất nhiều” để mẹ yên tâm lên đường.
Tối 12/11, chuyến bay từ Nội Bài đưa thiếu tá Phương và thượng tá Lê Ngọc Sơn sang Nam Sudan, cách quê nhà 20 giờ bay. Tại đây, chị sẽ trở thành nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc Nam Sudan (UNMISS), sau hơn 5 năm quân đội Việt Nam tham gia lực lượng này.
Trong nhiệm kỳ một năm, nhiệm vụ của thiếu tá Phương là tuần tra trinh sát, trực tiếp đàm phán, thu thập thông tin từ các lực lượng đối lập, đánh giá tình hình và báo cáo để Phái bộ có những hành động tiếp theo. Quan sát viên quân sự trở thành “cầu nối” giữa Phái bộ và các lực lượng đối lập trong thương thảo, giải quyết các vấn đề bất đồng.
Ngày thiếu tá Phương lên đường, cũng là thời hạn cuối cùng mà Cộng hòa Nam Sudan phải thành lập Chính phủ hợp nhất để ổn định, chấm dứt nội chiến. Song các bên chưa tìm được tiếng nói chung khiến thời hạn đẩy lùi thêm hai tháng. Những cuộc giao tranh giữa các phe phái từ 2013 khiến quốc gia trẻ nhất thế giới rơi vào vòng xoáy bất ổn của chính trị và bạo lực. Hơn hai triệu người đã phải rời bỏ quê hương. UNMISS được thành lập để đảm bảo hòa bình, hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Thời kỳ cao điểm, hơn 12.000 binh sĩ quân đội và sĩ quan cảnh sát từ các nước thành viên Liên hợp quốc có mặt ở đây.
“Thiếu tá Phương rất tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đại tá Nguyễn Như Cảnh, Cục phó Cục gìn giữ hòa bình nói. Quan sát viên quân sự là công việc khá vất vả, đặc biệt là với phái nữ, khi thường xuyên đi tuần tra và hoạt động độc lập. Kỹ năng thương thuyết là yêu cầu số một với vị trí này. Khả năng ngoại ngữ lẫn ngoại giao đều phải tốt. Đại tá Cảnh tin tưởng sĩ quan của mình, bởi thiếu tá Phương có kiến thức sâu về lĩnh vực quân sự và hơn 10 năm làm giảng viên ngoại ngữ trong quân đội.
Thời thơ bé, Phương lớn lên trong khu gia binh của trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây, Hà Nội. Ông ngoại chị, giảng viên bộ môn chiến thuật là người truyền cảm hứng để cháu gái trở thành quân nhân. Mỗi lần ông đi dạy về, Phương lại rón rén lấy mũ kêpi, rủ em trai và rủ lũ trẻ trong khu chơi điều lệnh. Tình cảm gắn bó với người lính đến tự nhiên. Sau này, khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Thái Nguyên, Phương vượt qua nhiều vòng tuyển chọn đầu vào và trở thành giáo viên tiếng Anh của trường Lục quân 1.
Cuộc sống của nữ quân nhân cứ thế trôi trong êm đềm, lấy chồng, sinh con, đi dạy, thăng quân hàm. Cho đến mùa xuân năm 2016, khóa bồi dưỡng tiếng Anh ở Australia mở ra cơ hội cho chị tìm hiểu về hoạt động gìn giữ hòa bình. Nghe chia sẻ của một sĩ quan từng đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, chị cảm nhận lực lượng này “đang rất cần những người phụ nữ có chuyên môn, am hiểu về công tác đối ngoại quốc phòng”.
Lúc ấy, Việt Nam chưa có nữ sĩ quan tham gia lực lượng, cũng chưa hiểu cặn kẽ công việc nên chị đành gác lại nguyện vọng. Quãng thời gian 2017 – 2018, Minh Phương vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ, sinh con gái thứ hai. Trong lòng chị vẫn ấp ủ một ngày mình sẽ gia nhập lực lượng mũ nồi xanh.
Năm 2018, Cục Gìn giữ hòa bình thông báo tuyển nữ quân nhân. Thấy cơ hội, chị nói chuyện với gia đình và cơ quan. Cha chị, một đại tá quân đội từng đi qua chiến tranh không muốn con mình xông pha ở vùng đất bất ổn. Người chồng là một giảng viên ngoại ngữ có quan điểm cởi mở, lại hết lòng ủng hộ vợ. Chị Minh Phương đã mang câu chuyện về thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam đi gìn giữ hòa bình vào cuối năm 2017 để thuyết phục gia đình.
Lúc đó, chị Phương đang phụ trách cuộc thi Olympic tiếng Anh của trường. “Sau cuộc thi mà vẫn còn cơ hội, thì hãy để em được tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Vì đó là mơ ước của em”, chị giãi bày với thủ trưởng đơn vị và được đồng ý.
Đầu năm 2019, thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương chính thức gia nhập lực lượng mũ nồi xanh. Gần một năm trải qua các khóa đào tạo ở Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam, ở Australia, Hàn Quốc, chị học các kiến thức chung cũng như công tác cụ thể trong phái bộ.
“Hai tháng huấn luyện ở Hàn Quốc là thời gian tôi cảm nhận sâu sắc nhất nhiệm vụ của một quan sát viên quân sự”, Phương chia sẻ. Chị nhớ lại tình huống giả định, phiến quân bắt cóc nhóm trinh sát khi họ đang đi tuần tra. Ba người, gồm hai nam quân nhân Hàn Quốc và một nữ sĩ quan Việt Nam bị bịt mắt, trói tay chân, giam giữ tại một khu nhà hoang. Sĩ quan nam bị bắt cởi bỏ quân phục, chỉ được mặc đồ mỏng ở trong. Sĩ quan nữ phải tháo giày, giao nộp điện thoại, giấy tờ. Nhiệm vụ của các “con tin” là tìm cách thương thuyết với phiến quân để được trả tự do. Những đồng nghiệp của chị trong vai nhóm bắt cóc diễn rất chân thật, khi tát chị một cú xây xẩm mặt mày, xước chân tay vì bị trói.
Tình huống “giả mà như thật” cho chị Phương bài học sâu sắc, rằng sự bình tĩnh là chìa khóa lớn nhất hóa giải mọi nguy nan. Không hoảng loạn, không tỏ ra sợ sệt thì mới có cơ hội thương thuyết với đối phương. Chị tin mười năm ở Lục quân 1 cho bản thân đủ trải nghiệm để có thể đối mặt với bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Nữ thiếu tá cười, xòe đôi bàn tay có những ngón thon dài ra trước mặt và bảo “mình không phải tiểu thư đâu”.
Trước ngày đi xa, người mẹ mua thêm cho con trai lớn mấy bộ quần áo mùa đông, bỏ thêm vài hộp sữa bột vào tủ cho con gái 2 tuổi. Chị xếp bộ áo dài cùng chiếc khăn lụa bên bộ quân phục màu xanh. Chị ví áo dài với quân phục, mềm mại và mạnh mẽ, giống hai hình ảnh đối lập nhưng lại là một của người phụ nữ Việt Nam. Trong hành lý còn có giống hoa, hạt mầm. Chị sẽ trồng vào lúc rảnh rỗi sau những ngày tuần tra. Trên những luống đất cằn khô ở Nam Sudan hay Trung Phi, đồng đội chị ngoài làm nhiệm vụ còn giúp người dân trồng rau, dạy học. Dù phái bộ hay ở phân khu, nơi sĩ quan Việt Nam đóng quân luôn có màu xanh của bầu bí, cà tím, cúc vàng.
Rời xa Hà Nội vào những ngày cuối năm, khi còn hơn hai tháng nữa là Tết, chị Minh Phương “sẽ nhớ lắm những ngày se lạnh được đi sắm đào, quất, chuẩn bị gói bánh chưng”. Từ bé đến giờ, chưa năm nào chị phải đón Tết ở nơi xa. Nhưng có niềm vui bù lại, khi nhiệm vụ lần này “là trải nghiệm đặc biệt mình cần có trong đời”.
Hoàng Phương/VnExpress