+
Aa
-
like
comment

“Nữ quái” đứng sau vụ “Đại gia trở thành dân oan” và sự tham lam của bị hại

24/01/2021 15:04

Nguyễn Thị Hà Thành, 37 tuổi, mượn sổ tiết kiệm, làm giả chữ ký hoặc tài sản thế chấp để lừa đảo hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và nhiều cá nhân.

Thành, lao động tự do, trú quận Hai Bà Trưng, vừa bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 174 Bộ luật hình sự.

24 đồng phạm của Thành bị truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo các điều 174, 206, 360 và 201. Trong số này, 17 người là nguyên cán bộ tại các ngân hàng.

Thành bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các thủ đoạn để thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank) và nhiều cá nhân.

Theo cáo trạng ra ngày 4/1, Thành kinh doanh tự do bị thua lỗ, nợ khoảng 80 tỷ đồng nên từ năm 2016 đến 2018 đã vay tiền với lãi suất cao của nhiều người. Thành thường vay của người sau trả cho người trước.

Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Thành sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên Hợp đồng tín dụng để vay các ngân hàng với số tiền lớn. Từ đó các ngân hàng NCB, VAB đều coi Thành là “khách VIP”.

Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Chị ta cùng đồng phạm đã nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng NCB, PVB, VAT và các cá nhân khác.

Do biết ông Đặng Nghĩa Toàn, trú quận Hoàn Kiếm, có tiền nên Thành đề nghị vay bằng hình thức ông Toàn và vợ gửi tiền vào ngân hàng NCB hoặc PVB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng (cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng) và khi đến hạn thì sẽ trả lại sổ tiết kiệm cho ông Toàn để đến ngân hàng rút tiền gốc và lãi suất ngân hàng Thành được hưởng.

Sau khi có sổ tiết kiệm, Thành dùng thế chấp vay tiền tại ngân hàng NCB và PVB. Đồng thời, Thành yêu cầu Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark, làm quyết định bổ nhiệm vợ chồng ông Toàn làm giám đốc công ty để đưa vào hồ sơ vay tiền.

Một phòng giao dịch ở PVcomBank. Ảnh: PVcomBank.
Một phòng giao dịch ở PVcomBank. Ảnh: PVcomBank.

Cáo trạng xác định từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành và Tùng đã sử dụng thủ đoạn trên lừa đảo tại các ngân hàng NCB, PVB và VAB.

Tại ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) từ tháng 6/2018 đến 8/2018, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thành đề nghị ông Toàn gửi tiền tiết kiệm thành 5 sổ vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.

Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các Hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell (đã chấm dứt hoạt động từ năm 2017) và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nguyên. Thành sau đó lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân, để cùng Tùng giả ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ. Từ đó Thành được ngân hàng NCB ba lần giải ngân với số tiền 47,5 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng PVcomBank, tháng 10/2018, Thành vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, sổ tiết kiệm Thành giữ. Thành sau đó cũng cùng Tùng lập khống các chứng từ, giả chữ ký, dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn để chiếm đoạt của PVB 49,4 tỷ đồng.

Tại ngân hàng VietABank, Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ hợp tác làm ăn. Do không có tài sản đảm bảo để đề nghị đưa tiền trực tiếp nên Thành gợi ý họ gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng VAB. Từ đó Thành tìm cách vay hoặc rút tiền từ ngân hàng để sử dụng.

Để thực hiện kế hoạch này, Thành tiếp cận Nguyễn Thị Thu Hương (trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp phòng giao dịch Đông Đô – Ngân hàng VAB). Thành đề nghị sẽ đồng sở hữu gửi số lượng tiền tiết kiệm lớn và VAB sau đó sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm đó để vay ngân hàng. Với thủ đoạn trên, Thành đã gây ra 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của VAB 273,9 tỷ đồng, của bốn cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark, bị cáo buộc cùng Thành sử dụng pháp nhân công ty của Tùng để lập khống các hợp đồng mua bán hàng hoá, biên bản đối chiếu công nợ… để chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, PVB 49,4 tỷ đồng. Tùng cùng giả chữ ký của ông Toàn để giúp sức cho Thành chiếm đoạt của ngân hàng VAB 174,5 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thị Thu Hương bị cáo buộc biết Thành giả chữ ký các đồng sở hữu sổ tiết kiệm để vay tiền tại VAB nhưng đã che giấu, lập giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo đưa cho khách hàng để họ tin tiền của mình đã được ngân hàng phong tỏa. Do đó khi sổ tiết kiệm bị mang đi thế chấp hoặc tiền trong sổ bị rút ra, khách hàng đều không biết.

Cáo trạng xác định, Hương đã giúp sức cho Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng VAB 273,9 tỷ đồng.

Phạm Dự

Đọc lại để biết thêm chi tiết:

Bài mới
Đọc nhiều