Nữ hoàng Anh sẽ làm gì sau khi Hoàng thân Philip qua đời?!
Dù đau buồn về sự ra đi của người bạn đời gắn bó và đã cao tuổi, Nữ hoàng Elizabeth được cho là rất ít khả năng sẽ thoái vị.
Hoàng thân Philip qua đời ngày 9/4 ở tuổi 99. Ông kết hôn với bà Elizabeth vào năm 1947 và đã ở bên Nữ hoàng trong suốt 69 năm trị vì. Ông là người đã báo tin khi họ ở Kenya vào năm 1952 rằng cha bà, Vua George VI, đã qua đời và bà lên ngôi nữ hoàng ở tuổi 25.
Sự ra đi của ông Philip sẽ để lại khoảng trống lớn cho Nữ hoàng 94 tuổi. Tuy nhiên, các trợ lý và các chuyên gia hoàng gia cho rằng điều đó sẽ không khiến Nữ hoàng, quốc vương trị vì lâu nhất thế giới, từ bỏ ngai vàng và truyền ngôi cho Thái tử Charles.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Nữ hoàng sẽ không thoái vị”, nhà sử học hoàng gia Hugo Vickers nói. “Mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng Nữ hoàng đang có sức khỏe rất tốt và bà sẽ tiếp tục là nữ hoàng của chúng ta càng lâu càng tốt”.
Ngay cả khi ông Philip nằm viện 4 tuần vào đầu năm nay, bà Elizabeth vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính thức, mặc dù chủ yếu bằng hình thức từ xa vì các hạn chế chống dịch.
Các nhà quan sát hoàng gia Anh cho biết một phần lý do Nữ hoàng Elizabeth không thoái vị là lời hứa khi bà lên ngôi. Khi Elizabeth chào đời năm 1926, mọi người không ngờ rằng bà rồi sẽ trở thành nữ hoàng, bởi bà là người thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng, sau bác của mình, Vương tử Edward, Thân vương xứ Wales, và cha bà là Vương tử Albert, Công tước xứ York.
Nhưng sau khi lên ngôi, bác bà, Vua Edward VIII, đã thoái vị vì mối tình với người phụ nữ Mỹ có một đời chồng Wallis Simpson, người mà giới bảo thủ và Giáo hội Anh cho là không thể được trở thành hoàng hậu. Quyết định của Vua Edward VIII gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, khiến ngai vàng được trao cho cha bà khi bà 10 tuổi, biến Elizabeth trở thành người đứng thứ hai trong danh sách kế vị.
Trong thông điệp gửi tới người dân khi nối ngôi, bà nói: “Tôi tuyên bố trước tất cả các bạn rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ nhằm phụng sự các bạn và phụng sự hoàng gia vĩ đại”.
Bà lặp lại cam kết đó vào dịp kỷ niệm 60 năm cầm quyền. Khi các trợ lý cấp cao của Cung điện Buckingham được hỏi liệu có bà có dự định thoái vị hay không, họ đều có câu trả lời giống nhau: “Suốt đời là suốt đời”.
Điều đó có nghĩa là bà sẽ không theo chân các quốc vương châu Âu khác như Vua Tây Ban Nha Juan Carlos, người thoái vị năm 2014, Vua Bỉ Albert, người từ bỏ ngai vàng năm 2013 và Nữ hoàng Hà Lan Beatrix, người cũng truyền ngôi năm 2013.
Là người đứng đầu Giáo hội Anh, bà Elizabeth coi lời thề mà bà đưa ra trong ngày đăng quang là không thể phá vỡ, theo các nhà bình luận hoàng gia. Tuy nhiên, bà có thể sẽ bàn giao nhiều nhiệm vụ chính thức hơn cho Thái tử Charles, 72 tuổi và các thành viên khác của gia đình Windsor, những người đã đảm nhận phần lớn khối công việc của bà.
Trong thập kỷ qua, bà gần như dừng công du quốc tế và giảm lượng người xin tiếp kiến, chuyển lại vai trò của mình tại hàng chục tổ chức từ thiện, học viện và cơ quan thể thao cho các thành viên khác trong hoàng gia.
Nhà sử học hoàng gia Robert Lacey nhắc đến việc chính phủ Anh đã thông báo kế hoạch kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng trị vì vào mùa hè năm sau. “Dù Nữ hoàng giảm xuất hiện và Thái tử Charles cùng Hoàng tử William đảm nhiệm nhiều công việc hơn, Nữ hoàng vẫn sẽ là nữ hoàng”, Lacey nói.
(Theo AFP)