Nữ doanh nhân “siêu lây nhiễm”, gian dối để làm gì?
Cuộc chiến chống dịch cúm Covid-19 đang bước vào giai đoạn rất khó khăn. Nhưng một trong những khó khăn lớn nhất lại đến từ sự không trung thực của một vài người mắc căn bệnh quái ác này.
Như cũng đã đưa tin, bệnh nhân mang số hiệu N34- một nữ doanh nhân ở Bình Thuận trở về từ Mỹ (quá cảnh qua sân bay Incheon-Hàn Quốc) ngày 29/2. Trong thời gian đi nước ngoài, nữ doanh nhân này đã mắc virus SARS-CoV-2 nhưng khi về nước, phát bệnh và vào viện ngày 9.3. Tuy nhiên, bệnh nhân này được cho là đã khai báo “không trung thực”, “nhỏ giọt” khiến việc xác định, cách ly những người có liên quan trở lên rất khó khăn.
Hậu quả là đến nay, từ khi bà T. (viết tắt tên nữ doanh nhân) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đã có tới 9 người tiếp xúc với bà này cũng đã bị lây bệnh, xét nghiệm cho kết quả dương tính, làm gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không chỉ ở Bình Thuận mà trên toàn quốc.
Những đánh giá “không trung thực” hay “nhỏ giọt” về lời khai của bà T. không phải của người viết bài này mà là của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khi trả lời các báo.
Một trong những bằng chứng rõ rệt nhất là bà T khai báo khi từ nước ngoài về, xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã về thẳng nhà bằng xe riêng. Nhưng sau này, qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định bà T. đã khai không trung thực vì bà này thực tế đã gặp gỡ một số đối tác, một số nhân viên kinh doanh. Sau đó, nhóm nhân viên này còn đi ăn tối với người nhà của bệnh nhân.
Chỉ một lời khai không trung thực như vậy thôi nhưng đã dẫn đến hậu quả có người do đã tiếp xúc với bà T. nhưng đã phải chủ động đến cơ quan y tế xin tự cách ly và xét nghiệm và thật không may mắn là người này cũng có kết quả dương tính.
Cơ quan chức năng xác định có khoảng 100 người tiếp xúc gián tiếp nhưng bệnh nhân T. không chủ động khai báo thông tin cụ thể khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn. Đến nay, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận xác định có 203 người thuộc diện tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (F1) và hơn 700 người thuộc diện F2.
Bình thường, với một người mắc một căn bệnh nào đó, nhất là bệnh nguy hiểm, thông thường sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Tuy nhiên, ở trường hợp bà T., thật khó để có thể cảm thông với bà. Bởi vì việc bệnh nhân này khi về nước đã không chủ động khai báo, đi khám chữa bệnh khi quá cảnh từ quốc gia có dịch (Hàn Quốc), lại không trung thực trong khi kê khai hành trình đi lại không chỉ gây hại cho chính bà, những người thân của bà mà còn làm liên lụy đến hàng trăm người khác.
Những người đó đã phải mất công, mất việc, đi cách ly, theo dõi và thực tế đã có những người đã bị lây bệnh từ bà và có thể bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí bị đe dọa về sinh mạng từ việc mắc bệnh này.
Không chỉ có bà T, trong số các bệnh nhân không may mắc dịch cúm Covid-19, thời gian qua cũng đã có một số người khác cũng chưa thực sự có trách nhiệm, chủ động trong việc khai báo, chủ động khám sức khỏe khi từ các vùng có dịch bên ngoài về nước. Và điều đó đều gây ra những hậu quả nhất định, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Tất nhiên, khi bệnh nhân vẫn còn phải điều trị, không dễ dàng và có thể cũng chưa cần thiết áp dụng ngay các biện pháp trừng phạt về mặt pháp luật với những người đã có hành vi cố ý không khai báo đầy đủ, thậm chí gian dối, che giấu hành trình.
Nhưng có lẽ, ngay sau khi họ khỏi bệnh, cơ quan chức năng đã đủ thời gian để xác minh, làm rõ những căn cứ cho thấy họ đã có những vi phạm cụ thể nào.
Theo điều 240 Bộ luật Hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra. Mong rằng, cơ quan chức năng sau đây sẽ xử lý đúng người, đúng tội với hành vi họ gây ra cho cộng đồng.
Mạnh Quân/DT