+
Aa
-
like
comment

Nữ cử nhân nói về hành động “nhẫn tâm” từ “con mồi” trong sàn giao dịch ngoại hối nghìn tỉ

24/06/2021 11:05

Việc bắt giữ đối tượng 9x Nguyễn Thế Dương người cầm đầu hệ thống sàn giao dịch ảo có dấu hiệu chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người chơi, đã bóc trần cách thức bịp bợm của nhân viên các sàn “ma”.

Công an làm việc với các đối tượng

Những siêu lừa vừa rời ghế giảng đường

Việt Hằng (*) là tân Cử nhân chuyên ngành Tài chính Ngân hàng của một trường đại học có tiếng ở TP. Hà Nội. Vì muốn tham gia đầu tư tại các sàn giao dịch ảo nên cô từng chủ động xin vào làm việc tại một sàn để có thêm kiến thức. Nhưng mọi việc không như Hằng nghĩ.

Dương (ngồi giữa) cùng những người tham gia hệ thống

Hằng cho biết, nhân viên của các sàn giao dịch ảo này chủ yếu là các bạn trẻ, do kiếm được thu nhập nên không ai muốn từ bỏ công việc. Sau những cuộc điện thoại trao đổi thông tin, dự đoán khách hàng có thể trở thành “con mồi” tiềm năng, nhân viên sẽ mời khách vào một nhóm tìm hiểu đầu tư.

Trong nhóm,có nhiều người giao dịch hàng ngày nhưng hầu như đều là nick khách ảo của chính các nhân viên để cùng tham gia chat nhóm, “dắt mũi” người chơi thật. Khi người chơi nạp tiền, các nhân viên của sàn cũng sẽ kích vốn của người chơi tăng lên.

“Ví dụ, anh vào 1.000 USD, các bạn ấy cố dụ anh vào thêm. Sẽ có một bạn xưng là chuyên gia hướng dẫn vào lệnh. Ban đầu chỉ mua cổ phiếu, sau đó mua vàng, dầu, kim loại,… ”, Hằng nói.

Đối tượng Nguyễn Văn Quyền – phụ trách kỹ thuật sàn Hitoption.net.

Thị trường lên càng cao, các chuyên gia này càng bắt mua vào, nếu giá thấp xuống sẽ bắt bán ra để nhà đầu tư bị lỗ. Ban đầu, sàn cho sinh lời để người chơi nổi lòng tham và thêm nhiều vốn hơn. Trong quá trình trao đổi thông tin, chuyên gia “ảo” thăm dò vốn nhà đầu tư có bao nhiêu để tìm cách “gặt” hết.

“Các bạn chuyên gia này rất giỏi trong việc nói chuyện và thuyết phục. Họ được các sàn đào tạo chuyên nghiệp sau khi tuyển dụng. Mình thấy cách kiếm tiền như vậy quá nhẫn tâm nên đã không còn làm việc cho sàn nữa”.

Cũng theo Hằng, các sàn giao dịch ảo như DK Trade, LCM, ACX hay nhiều sàn khác đều chung chủ sở hữu. Nếu một trong các sàn bị dính “phốt” nặng quá, sàn sẽ thay đổi thông tin, các nhân viên cũng chuyển sang sử dụng tên khác, tiếp tục hành trình lừa người chơi mới.

Mánh lừa tiền hàng vạn người của ông chủ hệ thống sàn ảo 7.500 tỷ
Hình ảnh Nguyễn Thế Dương trước khi bị bắt

Trả giá

Là nạn nhân từng mất tiền khi tham gia sàn giao dịch ảo Swissmes, Nguyễn Thanh Thủy (*)  (TP. Hà Nội), cho biết, hệ thống các chuyên gia giấu mặt chỉ trao đổi qua điện thoại và zalo. Các chuyên gia này bám sát người chơi những ngày đầu, thao túng các quyết định mua/bán của Thủy. Đến khi tài khoản thua lỗ, âm tiền, chuyên gia “thân thiết” ngày nào biến mất, chặn liên lạc và bỏ mặc nhà đầu tư.

“Tài khoản của tôi lời ít mà lỗ nhiều, liên tục bị chuyên gia hướng dẫn các lệnh ngược với thị trường. Người của sàn nói nếu không thêm tiền, tài khoản sẽ bị cháy. Tôi giấu chồng, lấy gần 70 triệu đồng tiết kiệm đi đầu tư và mất sạch. Con tôi mới 8 tuổi. Tiền để dành cho bé khi lớn lên. Sau này con hỏi thì tôi biết trả lời sao đây?”, Thủy chán nản.

Văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group (Cầu Giấy, Hà Nội).

Trên các diễn đàn đầu tư, không thiếu lời mời gọi của các chuyên gia ảo, đang đi “săn” những con mồi như Thủy. Các chuyên gia này được giới thiệu là có cuộc sống đủ đầy với những hình ảnh hiện đại trên mạng xã hội. Nhưng điều gì đến rồi cũng phải đến.

Ngày 7/5/2021, Nguyễn Thế Dương đăng tải bức ảnh hào nhoáng với câu nói triết lý trên facebook cá nhân, “Lúa chín đầu, sông sâu tĩnh lặng. Càng trưởng thành, con người ta càng nói ít đi và làm nhiều hơn”.

Ngày 2/6/2021, Dương bị bắt.

Mánh lừa tiền hàng vạn người của ông chủ hệ thống sàn ảo 7.500 tỷ
Nhân viên tại văn phòng Công ty TNHH MTV ANT Group (Ảnh: cơ quan công an)

Khi cơ quan công an ập vào trụ sở Công ty TNHH MTV ANT Group của Dương, tại tầng 7, tòa nhà CTM Complex, số 139 Cầu Giấy (TP. Hà Nội), khoảng 100 nhân viên của công ty này giơ tay lên đầu hàng như tội phạm.

Họ là những gương mặt trẻ, được đối tượng Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996) thuê làm nhiệm vụ gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia sàn “Hitoption.net”. Khi có khách hàng nạp tiền đầu tư, các nhóm môi giới này sẽ được hưởng hoa hồng từ 1%-6%.

Sàn giao dịch “Hitoption.net” được cơ quan công an xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Mánh lừa tiền hàng vạn người của ông chủ hệ thống sàn ảo 7.500 tỷ
Đối tượng Nguyễn Thế Dương sau khi bị bắt

“Hitoption.net” đưa ra lợi nhuận cam kết với người chơi là 6 đến 15%/tháng bằng cách mua chế độ BOT (chơi tự động). Nhà đầu tư tham gia sàn chỉ việc thao tác đăng ký tài khoản rồi dự đoán tỷ giá lên, xuống của các cặp tiền điện tử. Mỗi phiên giao dịch kéo dài trong 30 giây rồi nghỉ 30 giây luân phiên.

Theo như giới thiệu, trong vòng 100 ngày, người chơi sẽ được rút vốn và lãi. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi người chơi yêu cầu rút tiền thì Dương không cho rút và điều chỉnh chế độ BOT làm cho người tham gia liên tục bị lỗ dẫn đến tài khoản bị cháy tiền.

Cách thức vận hành trên của “Hitoption.net” giống hệt như những gì đang diễn ra tại sàn Wefinex hay Swissmes mà trước đó VietNamNet đã đề cập.

Được biết, Dương và các đối tượng khác còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn BO (giao dịch quyền chọn nhị phân), tiền ảo và các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị, cơ quan cảnh sát điều tra xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.

(*tên các nhân vật đã được thay đổi)

Quảng Định

Bài mới
Đọc nhiều