+
Aa
-
like
comment

Nữ cán bộ – nhân sự không thể coi thường trong đại hội Đảng

Hải Anh - 06/10/2020 17:59

Nói đến người phụ nữ, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh thân phận liễu yếu đào tơ, chân yếu tay mềm suốt ngày chăm lo công việc gia đình. Thế nhưng, trong thời đại hiện nay, hình ảnh nữ cán bộ tham gia một số vị trí quan trọng trong các nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước chúng ta lại có thêm một góc nhìn khác, họ không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà là một lực lượng ngày càng quan trọng góp phần vào các hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước. 

Vừa mềm dẻo, khéo léo, nhẹ nhàng vừa quyết đoán

Nhìn lại hành trình lịch sử phát triển của Việt Nam từ xưa đến nay, ở bất kỳ thời đại nào chúng ta cũng thấy xuất hiện những nữ lãnh đạo lừng lẫy, những nữ anh hùng của dân tộc, có công lớn trong việc gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đó là các Hai Bà Trưng, Lê Chân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… Không chỉ xuất hiện với hình ảnh đảm đang, anh dũng kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà người phụ nữ còn thể hiện vẻ đẹp về tri thức, trí tuệ vừa thông minh, sáng tạo, nhạy bén như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan…

Không chỉ trong thời chiến mà bước sang thời bình, những người phụ nữ tiếp tục bước vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày nay, vị trí phụ nữ trong xã hội ngày càng được xem trọng, nâng cao thì phẩm chất đó lại càng được phát huy. Một số người đã đứng ngang hàng với nam giới trong các hoạt động chính trị – xã hội của Đảng và nhà nước như: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng… họ là những phụ nữ đại điện cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam khiến rất nhiều người thay đổi một cái nhìn khác về người phụ nữ Việt Nam, ở bà toát lên một vẻ đẹp sắc sảo, mạnh mẽ và quyết đoán không kém gì các lãnh đạo nam. Không chỉ cho bạn bè quốc tế thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, tự tin, mà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện là một nhà ngoại giao khôn ngoan, mềm dẻo khi trong các chuyến công du ở nhiều nước lớn trên thế giới.

Vừa mềm dẻo, khéo léo, nhẹ nhàng vừa quyết đoán là ưu điểm của nhiều nữ cán bộ Việt Nam

Quả thực, người phụ nữ không chỉ có sự quyết đoán, thông minh mà còn mềm dẻo, khéo léo – đây là tố chất rất cần với một người lãnh đạo mà không phải lãnh đạo nam nào cũng có được. Đúng như Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khen ngợi phụ nữ Việt Nam lại đặc biệt là những người nhẫn nại, can đảm, giàu trí tuệ cảm xúc, đức hy sinh và rất mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh; thậm chí nhiều người trở thành tấm gương sáng cho nam giới học tập.

Nhìn ra thế giới, tại nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, phụ nữ đã được tin tưởng bầu vào những chức vụ cao, trọng trách lớn, như bà Angela Merkel, Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức 4 nhiệm kỳ; bà Sophie Wilmes, nữ Thủ tướng đầu tiên của Bỉ (2019), bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch (2019); bà Lagarde, nguyên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và bây giờ là Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu; bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar… Nhiều nhà lãnh đạo nữ với tố chất và bản tính mềm dẻo, khéo léo nhưng quyết đoán đã giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng một cách linh hoạt và hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc và đóng vai trò quốc tế.

Cần nâng cao bản lĩnh của người cán bộ nữ

Hơn 1/2 dân số Việt Nam là nữ, tương đương với 1/2 lực lượng lao động của cả nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò nhân sự là phụ nữ trong các hoạt động chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đại diện cho nhu cầu, lợi ích, các mối quan tâm của những người phụ nữ khác trong xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Hơn nữa, những lãnh đạo nữ sẽ ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường và những thành tố quan trọng khác đóng góp cho phát triển bền vững của xã hội. Và đặc biệt, sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hệ thống chính trị sẽ góp phần làm tăng niềm tin của công dân vào nền dân chủ đại diện của Đảng và Nhà nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao và coi trọng vị trí, vai trò của nữ giới trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người luôn căn dặn “Đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”… Do đó, trong công tác nhân sự đại hội Đảng sắp tới cần chú trọng nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, cũng như nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm cho đội ngũ này là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ. Đó cũng là điều kiện cần thiết để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội…

Tuy nhiên hiện nay, so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thì tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn hết sức khiêm tốn. Đối với các tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và mỗi cấp ủy viên cần có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ nữ góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ngoài ra, bản thân phụ nữ cũng phải không ngừng nỗ lực, học hỏi, nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo, nghề nghiệp để vươn lên và phát huy tiềm năng của bản thân.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều