Nộp tiền bảo lãnh cho phương tiện vi phạm: Lo tiêu cực
Không còn việc thỏa thuận miệng, liệu có sinh ra tình trạng bắt lỗi càng nhiều để tiền bảo lãnh thu về càng cao không?
Mới đây, Bộ Công an vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Trong đó có bổ sung quy định cho phép người vi phạm được nộp tiền bảo lãnh để được giữ, bảo quản phương tiện thay CSGT trong các trường hợp có đầy đủ giấy tờ xác nhận về nơi ở, nơi công tác…
Nêu ý kiến về việc này, anh Nguyễn Hoàng Hải (Hà Đông) lo ngại có thể làm sai lệch mục đích răn đe người vi phạm.
“Tôi muốn hỏi mục đích của việc xử phạt vi phạm giao thông là gì? Có phải là nhằm mục đích răn đe, để người vi phạm có ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn không? Nếu vậy, khi đưa ra quy định cho nộp tiền để không bị tạm giữ phương tiện vi phạm vậy thì cứ có tiền nộp vào là lại có xe đi, lại có cơ hội vi phạm.
Hay liệu có sinh chuyện người này vi phạm người khác phải nộp, sếp vi phạm, nhân viên phải mang tiền tới nộp cho không…? Nếu như vậy thì mục đích răn đe là gì? Người vi phạm có còn sợ nữa không”, anh Hải đặt câu hỏi.
Cũng theo anh Hải, lâu nay vẫn có câu chuyện, người vi phạm tự làm luật với người thực thi pháp luật để không bị giữ phương tiện. Ví dụ, một chiếc xe vi phạm lỗi xử phạt là 1 triệu đồng cộng thêm việc phải tạm giữ xe một tuần, người vi phạm có thể nộp thẳng cho CSGT 5 triệu để được lấy xe luôn.
“Nếu bây giờ quy định thẳng vào luật, cho phép được nộp bảo lãnh và lấy xe về tức là cũng không cần phải thỏa thuận miệng với nhau nữa mà sai thế nào sẽ nộp thẳng mức ấy.
Vậy liệu có sinh ra tình trạng bắt lỗi càng nhiều để tiền bảo lãnh thu về càng cao không?
Như thế liệu có nảy sinh tình trạng phạt vô tội vạ để thu tiền không”, anh Hải hỏi tiếp.
Trong khi đó, anh Bùi Đình Nho cho rằng, đây cũng là một giải pháp tuy nhiên cần có quy định cụ thể với từng trường hợp vi phạm cụ thể, ví dụ với những loại vi phạm nào được phép bảo lãnh vào trường hợp nào thì không được bảo lãnh.
Bên cạnh đó quy định mức tiền phạt cũng phải quy định rõ ràng, cụ thể tương xứng với từng hành vi, mức độ vi phạm.
Theo anh Nho, nên quy định rõ luôn trong luật, quy về một tổng mức phạt hành chính thay vì đưa ra quy định cho nộp bảo lãnh rồi lại nộp phạt hành chính vừa phức tạp, vừa rắc rối lại dễ nhập nhèm lại có nguy cơ chồng chéo các luật khác.
“Tôi ví dụ, với phương tiện xe máy chạy vào cao tốc, theo quy định phải tạm giữ xe 7 ngày và mức phạt hành chính có thể lên tới 7 triệu đồng.
Trong trường hợp này có thể quy luôn giá trị tạm giữ xe trong 7 ngày là bao nhiêu cộng với mức phạt hành chính số tiền là 7 triệu rồi đưa ra mức phạt tổng thể, buộc người vi phạm phải nộp luôn thay vì tạm giữ rồi cho bảo lãnh”, anh Nho nói.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác anh Nguyễn Huy Hoàng (Hà Nội) lại cho rằng đây là một quy định rất tốt. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quy định cho phạt tiền lấy phương tiện về.
Theo anh Hoàng, đây là quy định được cho là sẽ giúp giải phóng được lực lượng sản xuất, giải phóng được phương tiện, không bị tạm giữ làm mất năng lực sản xuất.
Có nhiều gia đình 4-5 người nhưng chỉ có 1-2 phương tiện đi lại, làm ăn, trường hợp này người ta sẵn sàng xin nộp tiền để được lấy phương tiện ra.
Với trường hợp này, rõ ràng cho bảo lãnh là giải pháp hiệu quả vừa giúp giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, tăng giá trị đóng góp cho xã hội, cũng như giải phóng nỗi lo các chi phí để trông giữ…
Tuy nhiên, muốn thực hiện được như vậy thì phải quy định cụ thể, rõ ràng, đặc biệt số tiền bảo lãnh phải tương xứng với hành vi vi phạm cũng như giá trị phương tiện để tránh trường hợp người vi phạm nộp tiền bảo lãnh lấy xe về rồi không quay lại nộp phạt nữa.
Từ thực tế đó, anh Hoàng nêu đề xuất, quy định phải đưa ra các điều kiện để bảo đảm cho việc bảo lãnh phương tiện này với các mục đích sau:
Thứ nhất, có cơ sở để xử lý các đối tượng vi phạm
Thứ hai, giúp giải phóng phương tiện để phục vụ hoạt động ngoài xã hội.
“Xét toàn diện đây là đề xuất tốt cho cả xã hội, người vi phạm và cả cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp đi cùng với các quy định rất cụ thể nhằm hạn chế tiêu cực. Phải đặt ra các giả định, các điều kiện thực thi rất chặt chẽ.
Ví dụ như phải xác định rõ căn cứ xử phạt khi đưa ra quyết định. Phải chứng minh được đầy đủ, xác đáng các vi phạm mới được xử phạt. Không để tình trạng lỗi nào cũng bắt, lỗi nào cũng phạt, phạt càng nhiều, tiền thu càng lớn”, anh Hoàng nói.
(Theo Đất Việt)