+
Aa
-
like
comment

Nóng: Virus Hanta khiến Trung Quốc lo lắng bùng dịch đã từng xuất hiện ở Việt Nam

25/03/2020 16:59

Trung Quốc mới có một ca tử vong là một người từ tỉnh Vân Nam khi đang trên đường trở về tỉnh Sơn Đông để làm việc trên một chiếc xe buýt vào thứ Hai vừa qua. Người này được xét nghiệm và cho thấy là do nhiễm virus tên là Hantavirus. Nỗi lo sợ một dịch bệnh virus khác có thể bùng phát, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cho 32 người khác trên cùng chuyến xe bus xét nghiệm để kiểm tra xem có nhiễm virus này hay không.

Cơ quan chức năng Trung Quốc chuẩn bị khử trùng tại nhà ga.

Hiện nay, có nhiều chủng hantavirus khác nhau trên thế giới, tùy chủng mà việc nhiễm virus có thể gây ra các hội chứng bệnh khác nhau. Các chủng virus thuộc họ hantavirus ở châu Mỹ được gọi là “New World” hantaviruses, thường gây ra hội chứng phổi hantavirus (Hantavirus Pulmonary Syndrome – HPS). Các loại hantavirus khác, được biết đến với tên là “Old World” Hantaviruses, được tìm thấy chủ yếu ở châu Âu và châu Á có thể gây sốt xuất huyết với hội chứng thận (Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome – HFRS).

Hantavirus có vật liệu di truyền là RNA chuỗi đơn bao gồm ba đoạn âm tính và là thành viên của họ virus Bunyaviridae. Virus này được phân lập đầu tiên từ chuột ở dọc theo sông Hantan (Hàn Quốc) vào năm 1976 bởi nhóm bác sĩ Ho-Wang Lee, người đã dựa vào tên con sông đặt tên cho nó là hantavirus (HTNV).

Virus Hanta có nguồn gốc từ chuột.

Virus được lây lan chủ yếu bởi loài các loài gặm nhấm (chuột là chủ yếu). Việc nhiễm bệnh cho người thường xảy ra qua đường khí dung (aerosolized) từ nước tiểu, phân và nước bọt (khi chúng ta hít các virus bay ra từ nước tiểu, phân, nước bọt của chuột có chứa virus). Ngoài ra, có số ít trường hợp lây nhiễm do vết cắn từ vật chủ bị nhiễm bệnh.

Bệnh do lây nhiễm virus này chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là “hỗ trợ điều trị”, bệnh nhân tự hồi phục bằng hệ miễn dịch của họ. Vaccine đã được phát triển và sử dụng ở một số vùng ở Trung Quốc và Hàn Quốc là dạng virus bất hoạt (inactivated virus) để phòng ngừa các chủng hantavirus (chủng HTNV và SEOV) gây bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận (HFRS). Vaccine này không thấy tác dụng cho chủng khác như chủng PUUV (Puumala hantavirus). Một số nghiên cứu vaccine khác cho việc phòng ngừa hantavirus cũng đang diễn ra trên thế giới ở giai đoạn 1-2 thí nghiệm lâm sàng.

Global Times, trang tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu thuộc nhà nước Trung Quốc, hôm 24/3 đăng trên Twitter thông tin về một ca tử vong do virus hanta tại nước này.

Hiện nay, việc phòng ngừa lây nhiễm mầm bệnh do hantavirus chủ yếu được tập trung vào việc giảm thiểu tiếp xúc với loài gặm nhấm trong nhà, nơi làm việc hoặc khu cắm trại. Bịt kín các lỗ, khoảng trống trong nhà để tránh chúng làm tổ. Làm sạch bất kỳ thực phẩm nào rơi rớt ở nơi bạn sinh sống. Và nên kiêng ăn thịt chuột (ít nhất là khi có dấu hiệu dịch bệnh xuất hiện)!

Ở Mỹ, từ năm 1993 đến 2017, chỉ có 728 trường hợp nhiễm hantavirus được xác nhận tại Mỹ, hầu hết không gây tử vong, theo dữ liệu của CDC. Nói ra để so sánh, kể từ cuối tháng 1, khi trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận ở Mỹ, đã có hơn 46.000 ca nhiễm tiếp sau đó được xác nhận trên toàn quốc.

Vết cắn do chuột nai ở Châu Mỹ gây ra.

Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán từ cuối năm 2019 đến nay đã làm cho một số nước trên thế giới “kiệt quệ” cả về sức khỏe và kinh tế, trong đó có quốc gia đang trong tình trạng báo động cao do tâm lý bất an. Mặc dù, không có dấu hiệu gì cho thấy Hantavirus gây ra mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu nhưng người dân Việt Nam cũng nên cảnh giác và phòng hờ nhiều nhất có thể. Bởi lẽ, năm 2012, nước ta cũng đã xuất hiện 2 trường hợp nhiễm virus Hanta. Trong đó có trường hợp được xác định nhiễm virus Hanta phá hủy hệ thống miễn dịch và gây suy gan, thận và suy hô hấp cấp. Song may mắn, bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Hiện chưa có trường hợp lây từ người sang người. Nhưng người dân cần ý thức được mức độ nguy hiểm có thể của căn bệnh để có biện pháp phòng tránh. Ở nước ta bệnh nhân nhiễm virus Hanta rất ít và lẻ tẻ, chưa có phát sinh thành dịch.

Không phải ai bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột cũng nhiễm Hanta virus và phát bệnh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, nhiễm virus Hanta có nhiều mức độ khác nhau, không phải ai nhiễm cũng mắc bệnh và nếu mắc bệnh cũng không phải ai cũng bị thể nặng, diễn tiến cấp, suy đa cơ quan và tử vong.

Nếu bị chuột cắn, người dân phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu như rửa vết thương ngay bằng xà phòng, đến các cơ sở y tế để theo dõi các biểu hiện của bệnh. Do nhiễm virus Hanta có thời gian ủ bệnh đến 60 ngày, nên bệnh nhân phải được theo dõi suốt hai tháng, nếu không có biểu hiện gì mới yên tâm. Còn nếu có sốt cao, vàng da thì phải nhập viện ngay để điều trị kịp thời.

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều