+
Aa
-
like
comment

Nóng rực cuộc đối đầu Mỹ – Trung

25/07/2020 10:50

Câu chuyện được bàn luận nhiều nhất những ngày qua chắc chắn là việc Mỹ đột ngột ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, với quá nhiều tình tiết kịch tính gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh, như lệnh thực thi trong 72 giờ đồng hồ và hoạt động tiêu hủy tài liệu gây xôn xao…

I. Cuộc chiến Mỹ – Trung: Ăn miếng trả miếng

Những tuyên bố chính thức của cả hai phía Mỹ và Trung Quốc không đưa ra lời giải thích cụ thể. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times tiết lộ thông tin đáng chú ý: “Một tài liệu 7 trang được các quan chức thực thi pháp luật Mỹ soạn thảo mà The New York Times thu thập được tóm lược nhiều cuộc điều tra của FBI liên can đến Tổng lãnh sự quán ở Houston. Những cuộc điều tra này bao gồm âm mưu chuyển giao bất hợp pháp nghiên cứu y khoa và các thông tin nhạy cảm khác từ các tổ chức trong khu vực; các kế hoạch tuyển mộ nhân tài nhằm thuyết phục hơn 50 nhà nghiên cứu, giáo sư và học giả trong khu vực tuồn các nghiên cứu hoặc thông tin được bảo vệ cẩn mật cho các tổ chức Trung Quốc; và cưỡng ép các công dân Trung Quốc ở Mỹ mà chính quyền Trung Quốc xem là người đào tẩu bị truy nã trở về tổ quốc”. 

Các quan chức Mỹ phá cửa tòa nhà từng là lãnh sự quán Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David R. Stilwell tố cáo Tổng lãnh sự quán ở Houston dính líu đến “hành vi phá hoại” và là tâm chấn của việc đánh cắp nghiên cứu ở Mỹ.

Nhiều chính khách Mỹ như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, quyền Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cũng tố cáo cơ sở ngoại giao này là “ổ gián điệp” của Trung Quốc.

Những chi tiết về hoạt động của Tổng lãnh sự quán ở Houston đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ thêm trong bài phát biểu về “Trung Quốc và tương lai của thế giới tự do” tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon vào ngày 24.7.

Thật thú vị khi bài phát biểu quan trọng và có thể đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ – Trung này lại được phát đi từ Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Các bạn hiểu ý tôi muốn nói là gì đúng không?

1. Mục tiêu kế tiếp?

Trong khi Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp trả đũa, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đang nổi lên như là một mục tiêu kế tiếp, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng đóng cửa thêm các cơ sở ngoại giao khác của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Reuters, cựu Quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Richard Grenell nói rằng Tổng lãnh sự quán ở San Francisco có thể là mục tiêu bị đóng cửa kế tiếp.

Nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc dọn đồ đi. (Ảnh: Houston Chronicle)

Mới đây, một nhà nghiên cứu mang quân hàm Trung Quốc – Tang Juan (người bị FBI truy tố và truy nã), đang trốn chui trốn lủi trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đã bị bắt. Việc Tổng lãnh sự quán ở San Francisco chứa chấp một kẻ chạy trốn có liên hệ với quân đội Trung Quốc là hành vi khiêu khích cao độ đi ngược lại các công ước ngoại giao căn bản.

Thông tin của Axios được nhiều tổ chức truyền thông Mỹ như CNBC, Fox News, Bloomberg xác nhận sau đó. Trong khi đó, Bloomberg có bài viết nhận định động thái mới nhất của Mỹ cho thấy phe cứng rắn với Trung Quốc hiện nắm quyền điều khiển trong các quyết sách của Nhà Trắng liên quan đến Trung Quốc. Hai nhân vật nòng cốt của nhóm này là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger.

Đáng chú nhất trong bài viết của Bloomberg là một câu có thể khiến nhiều người nhíu mày: “Theo một người am tường các cuộc thảo luận nội bộ, Pompeo và các cố vấn của ông ta đã đi đến kết luận rằng một nước Mỹ tư bản, dân chủ và một dàn lãnh đạo được bầu ra ở Trung Quốc có xung khắc cơ bản và không thể cùng tồn tại“.

2. Trung Quốc trả đũa như thế nào?

Nhiều đồn đoán về hành động trả đũa của Trung Quốc từ hôm qua cho rằng Bắc Kinh sẽ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, vì Mỹ đã tự đóng cửa cơ sở này hồi tháng 1 và quyết định sẽ không mở cửa trở lại, nên hành động của Trung Quốc sẽ không có mấy tác dụng trên thực tế.

Tờ South China Moring Post vừa qua đăng bài viết độc quyền tiết lộ mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc sẽ là Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo – Hồ Tích Tiến, cũng có bài nhận định rằng Trung Quốc có thể nhắm tới Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông và Ma Cao, nếu không đóng cửa thì có thể cắt giảm số lượng nhân viên.

Liên quan đến cuộc đối đầu với Trung Quốc, bốn thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch, Cory Gardner, Mitt Romney và Todd Young ngày 22.7 giới thiệu “Dự luật Chiến lược” (The STRATEGIC Act) để thúc đẩy một chiến lược toàn diện nhằm đối phó Trung Quốc.

Tên đầy đủ của nó là “Dự luật Tăng cường thương mại, liên minh khu vực, công nghệ, và các sáng kiến kinh kế và địa chính trị liên quan đến Trung Quốc” (Strengthening Trade, Regional Alliances, Technology, and Economic and Geopolitical Initiatives Concerning China Act).

II. Căng thẳng biển Đông

1. Trung Quốc phóng tàu Thiên Vấn 1

Mới đây, Trung Quốc đã phóng tàu Thiên Vấn 1 phục vụ sứ mệnh thăm dò sao Hỏa lên vũ trụ. Ngoài việc được phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở đảo Hải Nam, hoạt động này có vẻ như không có gì liên quan đến Biển Đông. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sứ mệnh này có liên quan đến vùng cấm bay mà Trung Quốc thiết lập tạm thời trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

2. Nhóm tàu hải quân Úc giáp mặt tàu chiến Trung Quốc

Theo ABC, nhóm 5 tàu hải quân Úc do tàu HMAS Caberra dẫn đầu đã băng qua quần đảo Trường Sa, nhưng không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo ở đây vào tuần trước. Trong khi di chuyển ở Biển Đông, nhóm tàu Úc đã giáp mặt tàu chiến Trung Quốc, dù không có sự cố gì xảy ra.

3. Indonesia tập trận ở Biển Đông

Hải quân Indonesia tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Java và Biển Đông từ ngày 18 đến 26.7, với sự tham gia của 2.000 quân nhân, 26 tàu chiến, 19 máy bay và 18 phương tiện đổ bộ.

4. Oanh tạc cơ B-1B đến Biển Đông

Không quân Mỹ sáng nay xác nhận thông tin rằng “hai oanh tạc cơ B-1B đã cất cánh từ căn cứ Andersen ở đảo Guam bay đến Biển Đông trong cùng ngày”. Trong sứ mệnh này, B-1B cũng đã phối hợp huấn luyện với hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Philippines.

 

5. Lựa chọn của Mỹ ở Biển Đông

Trên trang War on the Rock, hai chuyên gia Zack Copper và Bonnie Glaser viết về các lựa chọn của Mỹ đối với Biển Đông. Trong đó liệt kê 5 lựa chọn mà Mỹ hiện có là:
• Trừng phạt kinh tế Trung Quốc
• Tăng cường tuần tra
• Hỗ trợ trực tiếp lực lượng đồng minh và đối tác
• Xây dựng năng lực của đồng minh và đối tác
• Cùng các đồng minh và đối tác chung chí hướng đưa ra các tuyên bố chung cứng rắn hơn

6. Kịch bản Mỹ tấn công đảo nhân tạo ở Biển Đông

Liên quan đến các phương án ở Biển Đông, tác giả Kondo Daisuke vạch ra một kịch bản cực đoan trên tờ Shukan Gendai là “Mỹ có thể tấn công một đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông”.

Lập luận của Kondo Daisuke là “Tổng thống Donald Trump, trước tỷ lệ ủng hộ có xu hướng sụt giảm, sẽ tiến hành một cuộc chiến cục bộ ở Biển Đông bằng cách ra lệnh oanh tạc một đảo nhân tạo phi pháp”.

Theo kịch bản của tác giả này, “một cuộc tấn công như là “canh bạc cuối cùng” có thể xảy ra vào tháng 9 hoặc tháng 10 nếu tỷ lệ ủng hộ của Trump tiếp tục sụt giảm. Canh bạc này nhằm mục đích nâng cao tỷ lệ ủng hộ nhưng không gây ra một cuộc chiến toàn diện”.

Theo tôi kịch bản của Kondo Daisuke có vẻ xa vời. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những biến động chưa từng thấy trong quan hệ Mỹ – Trung trong nhiều tháng qua, tôi nghĩ mình không nên loại bỏ hoặc dán nhãn “không tưởng” với bất kỳ kịch bản nào nữa.

Chẳng phải cách đây không lâu nhiều người vẫn nghĩ chuyện Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là chuyện không tưởng sao? Nay thì nó không còn có vẻ xa vời nữa rồi!

Thế nên, xin được nêu ra đây để các bạn tham khảo!

Duan Dang

(Thông tin trong bài viết do tác giả cung cấp)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều