NÓNG: Phát hiện 24 người dương tính với COVID-19, TP.HCM họp khẩn
Tại cuộc họp khẩn sáng 8-2, giám đốc HCDC cho biết thành phố vừa ghi nhận thêm 24 ca dương tính lần 1 với COVID-19.
Sáng 8-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp khẩn với các sở, ngành, quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh sau các ca mắc mới ghi nhận gần đây. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) – cho biết ngoài 4 ca mắc do Bộ Y tế công bố sáng nay 8-2, thành phố xác định thêm 24 trường hợp dương tính lần 1 với COVID-19.
Trong 24 trường hợp nghi nhiễm, có 3 F1 của “bệnh nhân 2003”; 6 F1 của “bệnh nhân 1979”; 2 trường hợp đã đến quán lẩu dê ở quận Tân Phú; 15 F1 của 16 trường hợp âm tính.
Cụ thể:
– 5 trường hợp nghi nhiễm ngụ tại quận Bình Thạnh (3 ở Thanh Đa, 2 ở khu vực Thị Nghè);
– 5 trường hợp ở Gò Vấp;
– 7 trường hợp ở quận 12;
– 7 trường hợp ở quận Bình Tân.
“24 người này đều đã được đưa vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi”, ông Dũng nói.
Tất cả các trường hợp được xác định dương tính đã được chuyển đến khu cách ly tập trung. Hiện HCDC đang tiếp tục điều tra truy vết những người tiếp xúc.
Bước đầu ghi nhận một số trường hợp dương tính nêu trên có tiếp xúc với nhóm nghi nhiễm ngày 7-2. Nhiều điểm trên địa bàn thành phố đang được phong tỏa, cách ly.
Hiện, UBND quận Gò Vấp đã phong tỏa chung cư 44 Đặng Văn Trung, phường 6, với 304 căn hộ và 900 nhân khẩu; hẻm 251 Quang Trung, phường 10, có 100 nhà, 720 nhân khẩu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các điểm phong tỏa kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để người dân ra vào khu vực phong tỏa.
Tại Bình Thạnh, tổng số có tiếp xúc với các ca bệnh lên đến 303 trường hợp. Trong đó có 5 trường hợp dương tính, 2 người trong số này liên quan bệnh nhân 1979 – nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên có trường hợp F1 làm cùng với bệnh nhân 1979 đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng F2 lại cho kết quả dương tính.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM đang phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện các xét nghiệm kháng thể để xác định tính chất lây nhiễm của các trường hợp trên.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, không loại trừ khả năng những trường hợp F1 này nhiễm bệnh nhưng nay đã khỏi bệnh.
Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế rất lo lắng vì chưa xác định được điểm khởi đầu chùm lây nhiễm tại TP.HCM.
Ông Long nhận định: “Có thể có trường hợp nhiễm đã khỏi, hoặc sắp tới sẽ có thêm những trường hợp lây nhiễm, chứ có thể không dừng ở con số 29 như TP báo cáo” (gồm 20 ca mới và 5 ca ghi nhận những ngày qua – PV).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc giao lưu giữa nhóm công nhân bốc xếp hàng hóa (cả người nhiễm và chưa nhiễm) nằm ngoài cụm cảng, không có điểm lây nhiễm từ khu vực bốc xếp vào khu hành khách, cũng như khu vực có người phục vụ trong Cảng Hàng không.
Tuy nhiên, việc giao lưu của nhóm công nhân này với cộng đồng rất lớn. Do vậy, số ca nhiễm có thể không dừng ở con số 29 mà có thể có thêm.
“Trước nguy cơ lây nhiễm cao, TP.HCM cần có hành động, quyết liệt nhanh chóng, khẩn trương như vừa qua đã làm nhưng nâng cao, mạnh lên một bước”, ông Long nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP thực hiện một số việc khẩn trưởng, quyết liệt phòng, chống dịch. Trong đó, ưu tiên nhất, phải xác định các trường hợp công nhân bốc xếp hàng hóa và người thân của họ là các trường hợp nguy cơ nhất, coi là những ca nghi nhiễm để có hướng xác định.
Cụ thể, không chỉ truy vết liên quan đến 29 trường hợp nhiễm mà phải truy vết tất cả công nhân làm việc với nhau. Trước mắt truy vết 60 trường hợp công nhân liên quan đến các ca nhiễm, sau đó rộng ra các công ty khác.
Mặt khác, TP phải tiến hành khoanh vùng thật nhanh những địa bàn có trường hợp nhiễm, lấy mẫu triệt để và trên diện tộng tất cả trường hợp liên quan các ca bệnh và ở trong khu vực có ca bệnh.
“Việc này đòi hỏi hành động mạnh. Khi phát hiện ca nhiễm thì phong tỏa rộng, sau đó thu hẹp lại từng khu vực phong tỏa nhỏ hơn”.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị hướng dẫn TP lấy mẫu theo cụm gia đình. Thay vì lấy mẫu từng người thì lần thứ nhất sẽ lấy gộp mẫu từng hộ dân. Nếu phát hiện nghi nhiễm thì sẽ đưa cả hộ gia đình đó đi cách ly và tiến hành lấy mẫu lần hai.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế là hoàn toàn phù hợp và yêu cầu các sở, ngành phối hợp để thực hiện những biện pháp nhanh, quyết liệt phòng, chống dịch.
Cụ thể, thứ nhất, theo ông Phong, nếu xác định ổ dịch từ công nhân bốc xếp có từ trước thì phải nghiên cứu cho kỹ khởi nguồn cụm nhiễm từ đâu sinh ra, có phải từ Hải Dương.
“Bây giờ phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra, truy vết xung quanh các công ty bốc xếp. Nắm được khởi nguồn sẽ có biện pháp quyết liệt”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị quận 1, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP khoanh vùng nhanh, tiếp tục truy vết, kiểm tra.
Trong đó, ông Phong cho rằng ý kiến của Bộ trưởng Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình sẽ đẩy nhanh hơn việc truy vết.
“Ví dụ tổng số người dân tại khu Mả Lạng hiện khoảng 3.500 người, nhưng chỉ có 775 hộ. Thay vì lấy từng mẫu với 3.500 người thì chỉ cần lấy gộp chung 775 hộ. Nếu kết quả lần 1 dương tính thì cách ly toàn bộ gia đình, để lấy mẫu lần hai. Như vậy sẽ lấy mẫu nhanh và đáp ứng nhu cầu xét nghiệm”, ông Phong phân tích:
Hồng Anh