Nóng: Pfizer công bố thuốc điều trị Covid-19 đạt hiệu quả 89%”
Mới đây, hãng dược Pfizer (Mỹ) cho biết thử nghiệm viên thuốc kháng virus SARS-CoV-2 của hãng đã sớm kết thúc sau khi ghi nhận được tỷ lệ thành công cao, thuốc giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người trưởng thành có nguy cơ phát triển bệnh nặng.
Theo tuyên bố của Pfizer, thử nghiệm lâm sàng thuốc viên điều trị Covid-19 của hãng dược này mang lại “hiệu quả áp đảo”. Pfizer dự định nộp kết quả cho cơ quan quản lý y tế Mỹ để được phê duyệt sử dụng khẩn cấp càng sớm càng tốt. Cổ phiếu của Pfizer đã tăng 11% tính đến 6 giờ 52 phút sáng 5-11 tại TP New York.
Thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer có tên là Paxlovid, được sử dụng kết hợp với một loại thuốc kháng virus đã biết là ritonavir. Thuốc được chỉ định sử dụng 2 lần/ngày, mỗi lần 3 viên.
Loại thuốc này có chứa chất ức chế protease, được thiết kế để ngăn chặn một loại enzyme mà virus corona cần nhân lên.
Ngày 5/11, Pfizer ra thông báo khẳng định các kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ chỉ ra thuốc kháng virus của hãng cho hiệu quả cao hơn thuốc molnupiravir của hãng dược Merck vừa công bố vào tháng trước là làm giảm một nửa khả năng tử vong hoặc phải nhập viện với bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
Thử nghiệm của Pfizer tiến hành với 1.219 bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc vừa nhưng có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh nặng, như cao tuổi hoặc béo phì.
Kết quả phân tích cho thấy, 0,8% nhóm người được sử dụng thuốc của Pfizer trong vòng ba ngày xuất hiện triệu chứng cuối cùng phải nhập viện điều trị, không có người nào tử vong trong vòng 28 ngày sau khi được dùng thuốc. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện ở nhóm dùng giả dược là 7% và có bảy ca tử vong.
Các tỷ lệ khá tương đương khi bệnh nhân được cho dùng thuốc trong vòng năm ngày sau khi có triệu chứng, với 1% nhóm được điều trị bằng thuốc phải nhập viện trong khi ở nhóm dùng giả dược là 6,7%, trong đó có 10 ca tử vong.
Pfizer không nêu chi tiết các tác dụng phụ của phương pháp điều trị, nhưng cho biết các tác dụng phụ đã xảy ra ở khoảng 20% bệnh nhân điều trị và dùng giả dược. Các tác dụng phụ có thể có của Ritonavir bao gồm buồn nôn và tiêu chảy.
Pfizer cho biết họ đã lên kế hoạch đệ trình kết quả thử nghiệm tạm thời này lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để bổ sung hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mà công ty đã nộp từ tháng 10 vừa qua.
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết, hồ sơ bổ sung dự kiến sẽ được nộp trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ vào ngày 25/11.
“Những dữ liệu này cho thấy ứng cử viên kháng virus SAR-CoV-2 đường uống của chúng tôi, nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, có khả năng cứu sống bệnh nhân, giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19 và loại bỏ tới chín trong số mười trường hợp nhập viện”, ông Bourla cho biết trong một tuyên bố.
Pfizer cho biết họ hiện đang kỳ vọng sản xuất hơn 180.000 liều thuốc vào cuối năm 2021 và ít nhất 50 triệu liều vào cuối năm 2022, trong đó 21 triệu liều sẽ được sản xuất trong nửa đầu năm.
Được biết, hội đồng các chuyên gia độc lập của FDA dự kiến sẽ họp vào ngày 30/11 để thảo luận về thuốc điều trị Covid-19 của Merck. Ngày 4/11, Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng viên thuốc này.
Viên thuốc molnupiravir của Merck có một cơ chế hoạt động khác được thiết kế để đưa các lỗi vào mã di truyền của virus. Merck đã bán hàng triệu liệu trình điều trị cho Mỹ, Anh và một số nước khác.
Pfizer cũng đang nghiên cứu xem liệu thuốc viên của họ có thể được sử dụng cho những người không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng cũng như để ngăn ngừa nhiễm virus corona ở những người tiếp xúc với virus hay không.
Viễn Đông