+
Aa
-
like
comment

Nông nghiệp trước COVID-19: Yêu cầu của Thủ tướng về 3 không gian kinh tế

06/02/2021 07:07

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy cả 3 không gian kinh tế như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành nông nghiệp liên tiếp chứng kiến những chuyến hàng xuất khẩu gạo, tôm với mức giá khả quan, thậm chí giá lô gạo xuất khẩu đầu tiên của năm lên đến 705 USD/tấn. Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn liên quan tới thị trường, nhất là khi đại dịch COVID-19 trở lại cộng đồng.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tại tỉnh Hải Dương (các khu vực bị phong tỏa), hiện nay, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả, 20.000 tấn thịt, 8.000 tấn cá.

Tại tỉnh Quảng Ninh, lượng thủy sản khai thác được cần tiêu thụ trước và sau Tết ước khoảng 6.228 tấn. Về nuôi trồng, lượng thủy sản các loại đến kỳ thu hoạch trước và sau Tết ước khoảng 21.600 tấn. Cùng với đó là 5.529 con bò thịt tương đương 2.764 tấn, lợn 73.098 con tương đương 7.310 tấn, gà 589.340 con, 6.130.000 quả trứng, rau, củ 23.730 tấn,  hơn 104 triệu bông hoa, 107 triệu chậu, cành cây cảnh, đào, quất, 1.403 tấn quả.

Trước tình hình này, tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó, có giải pháp kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép.

Các xe vận chuyển cùng hàng hóa được khử khuẩn khi ra khỏi khu vực phong tỏa, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đề xuất hàng loạt giải pháp

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số giải pháp.

Theo đó, đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng trực tiếp, UBND tỉnh bị ảnh hưởng cần có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận  tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Đề nghị các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi.

Các Bộ ngành liên quan chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.

Về dài hạn, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ về lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời thiết và dịch bệnh… để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây trồng theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cũng như bảo đảm nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát…

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Về tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh tới người sản xuất và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.

Hiệp hội ngành hàng phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng.

Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều tiết giảm lượng hàng nhập, sử dụng hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là những mặt hàng nông sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ, ưu tiên tiêu thụ nông sản thực phẩm trong nước…

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra, như giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả rất khả quan, nhất là xuất khẩu hơn 41 tỷ USD và xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Những ngày đầu năm 2021, những lô hàng gạo, tôm tiếp tục được xuất khẩu với giá cao.

“Từ tín hiệu khả quan này, tôi hy vọng trong năm 2021, nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục phát huy đà tăng trưởng. Hiện, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường vẫn cao, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các đơn hàng có giá trị cao. Một số nước vừa ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam cũng cam kết mở cửa cho mặt hàng gạo”, ông Toản cho biết.

Ngoài ra, gỗ và sản phẩm từ gỗ được dự đoán vẫn tăng trưởng do nhu cầu của thị trường cao. Đối với mặt hàng thủy sản, tuy năm 2020 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không được như kỳ vọng nhưng năm 2021 vẫn có thể cán mốc 9 tỷ USD. “Chúng ra đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đẩy mạnh chế biến, ví dụ sản phẩm cá tra đã có thêm nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng lớn”, ông Toản nói.

Năm 2021, cơ hội cho mặt hàng hồ tiêu, cà phê cũng rất sáng nhờ những doanh nghiệp vừa là nhà sản xuất uy tín với các sản phẩm chế biến sâu, vừa là nhà thương mại.

Ông Toản kỳ vọng, tận dụng tốt cơ hội, đa dạng hóa thị trường, phát huy chuyển đổi số, thương mại số, chắc chắn xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục gặt hái nhiều kết quả khả quan trong năm 2021.

Với các FTA, ông Toản cho rằng, Việt Nam xác định phát triển sản xuất theo 3 trục sản phẩm: trục sản phẩm chủ lực quốc gia, trục sản phẩm chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nên dư địa để phát triển là tương đối lớn, đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của các thị trường.

Điều đáng mừng là nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã được công nhận, ví dụ như EU đã công nhận 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, chủ yếu là những nông sản của các vùng miền, kim ngạch xuất khẩu chưa cao những đây là tín hiệu tốt để tận dụng thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản cũng nhấn mạnh yêu cầu không được chủ quan bởi chủng biến thể của COVID – 19 sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Bản thân các quốc gia cũng sẽ có sự thay đổi, tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực thực phẩm nếu dư địa vẫn còn để giảm phụ thuộc nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó, nông sản Việt tiếp tục phải cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…

Tong lộ trình thực hiện các FTA, các rào cản thuế tuy được gỡ bỏ nhưng sẽ có những hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên. Cùng lúc, những chính sách thương mại của các nước lớn như Mỹ chắc chắn sẽ có điều chỉnh, cần chủ động nắm rõ để thích ứng. Chưa kể, thiên tai, biến đổi khí hậu là những tác nhân có thể tác động lớn đến sản xuất kinh doanh.

“Trước những thách thức này, chúng ta cần xác định thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh với tâm thế chủ động. Ngay từ quý I/2021 không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy do tác động của dịch COVID-19, vượt qua những khó khăn trong logistics, tình trạng container rỗng”, ông Toản nhận định.

Đồng thời, làm tốt công tác thông tin cảnh báo cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để chủ động thích ứng. Đa đạng hóa các hình thức phát triển thị trường, triển khai ứng dụng kinh tế số trong nông nghiệp, tháo gỡ những rào cản, những yêu cầu kỹ thuật.

Năm 2021, Bộ sẽ tập trung đàm phán để sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; tiếp tục mở rộng danh sách các nhà máy chế biến sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc, hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc…

Ngoài thị trường truyền thống, cần khai thác nhóm thị trường trong các FTA đã ký kết vì dung lượng thị trường lớn, đa dạng. Đặc biệt, năm nay, Bộ NN&PTNT có chủ trương hướng mạnh vào vào thị trường HALAL (cộng đồng những người theo đạo Hồi trên thế giới), với khoảng 2,2 tỷ người, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh trà, cà phê, hồ tiêu, thủy sản, gạo,…

“Ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu, tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị. Không được chủ quan, nhưng chúng ta cần giữ vững tâm thế của nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, chưa bao giờ uy tín của Việt Nam lớn như thế trên thị trường quốc tế, chúng ta phải phát huy được cơ hội này”, ông Toản phát biểu.

Đỗ Hương/ VGP 

Bài mới
Đọc nhiều