Nóng lạnh thất thường, Trung Quốc thay đổi ngoại giao chiến lang
Không lạ gì khi Mỹ Trung lên gân ăn miếng trả miếng nhau nhưng giữa hai bên vẫn tiếp tục duy trì các kênh dự phòng ngăn ngừa các tình huống xấu đi, vượt ngoài vòng kiểm soát.
Thay đổi và kiềm chế
Quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang họp đánh giá lại thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau 6 tháng thi hành từ ngày 15/8/2020.
Trung Quốc chuyển từ ngoại giao chiến lang sang kêu gọi thực hiện 3 điểm về đối thoại, hợp tác và kiểm soát bất đồng như ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, phát biểu gần đây. Đó là:
Ổn định Trung Mỹ có lợi cho ổn định thế giới.
Trung Quốc không khoanh tay ngồi nhìn một số chính giới Mỹ có thái độ thành kiến và thù địch.
Trung Quốc luôn duy trì cao độ tính ổn định và tính liên tục trong phát triển quan hệ với Mỹ.
Các phi công và sỹ quan Trung Quốc được lệnh thực hiện kiềm chế trong các cuộc đối đầu ngày càng thường xuyên với máy bay và tàu chiến Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã có cuộc điện đàm như đề xuất của phía Hoa Kỳ.
Hai quốc gia này cùng 19 nước khác đã tham gia Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) với một giao thức đã được chuẩn hóa về quy trình đảm bảo an toàn.
Chiến tranh Lạnh kiểu mới
Giống như đại dịch Covid-19, cạnh tranh Mỹ Trung chưa có vắc-xin và việc chung sống với nó là một tất yếu. Quản trị cạnh tranh để phòng ngừa xung đột là điều kiện tiên quyết mà cả hai cần hướng tới.
Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là cuộc chiến tranh Lạnh kiểu cũ giữa Liên Xô và Mỹ vì nó vẫn còn có các cơ chế giám sát và kiểm soát bất đồng. Chiến tranh nóng không phải là tất yếu vì lịch sử cho thấy không phải lúc nào dịch chuyển quyền lực cũng gây ra chiến tranh. Cạnh tranh Mỹ Trung là “chiến tranh lạnh kiểu mới, lúc lạnh lúc nóng” và trong tầm kiểm soát.
Một số hành động cho thấy “nằm trong kế hoạch”. Mỹ sẽ cố gắng sử dụng ngày càng tổng hợp các biện pháp kinh tế, ngoại giao pháp lý để hạn chế những hoạt động thái quá của Trung Quốc.
Cuộc chiến này sẽ làm cho hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu bị ảnh hưởng. Biện pháp trả đũa của hai bên không thể không ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Biển Đông.
Hạn chế visa và lệnh cấm 24 công ty Trung Quốc “trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông” làm các quốc gia trong khu vực vừa vui mừng vì các vi phạm luật quốc tế dần bị trừng trị, vừa lo ngại Mỹ thúc ép các nước có những biện pháp ủng hộ tương tự trong khi các công ty này lại có ảnh hưởng rất lớn đến các dự án kinh tế của họ.
Tuyên bố của ASEAN
Trước những hoạt động trên biển cũng như những tuyên bố nhằm thúc đẩy chính sách của Mỹ và Trung Quốc, ngày 8/8, theo đề xuất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập khối.
ASEAN nhấn mạnh các nước trong và ngoài khu vực cần phải tôn trọng để có thể đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực, nhấn mạnh đến vị trí “trung lập” của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN, “chủ nghĩa đa phương”, “không sử dụng vũ lực”, và “luật pháp quốc tế”. Sự lựa chọn duy nhất đúng đối với các nước khu vực trong cạnh tranh Mỹ Trung là lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Ngày 26/8 và 31/8, trước các hoạt động diễn tập, bắn đạn thật và tên lửa đạn đạo ở Biển Đông, Việt Nam khẳng định: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.
Cùng ngày 26/8, chính phủ Việt Nam ban hành nghị định xử phạt các hành động khai thác trái phép trên các vùng biển Việt Nam. Trước bối cảnh phức tạp ở Biển Đông, lựa chọn của Việt Nam là lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Nguyễn Hồng Thao