Nóng: Hải cảnh 5304 áp sát khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại mỏ Hải Thạch
Ngày 20/2/2021, tàu Hải cảnh 5304 rời Đá Chữ Thập di chuyển tới hoạt động tại khu vực phía đông bắc bãi ngầm Tư Chính, khu vực Lô 05.2 và Lô 05.3 trong thềm lục địa của Việt Nam.
Sáng 22/2, tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc đã áp sát giàn xử lý trung tâm Hải Thạch trong mỏ khí Hải Thạch – Mộc Tinh (dự án Biển Đông 1), chỉ khoảng 1 hải lý. Ngoài ra, theo dữ liệu AIS từ trang Marine Traffic, có thể thấy Hải cảnh 5304 đã di chuyển rất gần một kho chứa dầu thô nổi tại khu vực mỏ Hải Thạch (khoảng cách gần nhất có thể dưới 500 m).
Cụ thể, theo tín hiệu AIS, tàu Hải cảnh 5304 bắt đầu áp sát giàn xử lý công nghệ trung tâm Hải Thạch (PQP-HT) lúc 7 giờ sáng 22.2 và di chuyển ra xa khoảng 8 giờ 30 phút. Cần lưu ý thêm rằng khu vực này ngoài giàn khai thác, kho chứa còn có hệ thống đường ống dẫn dầu được hưởng hành lang an toàn 500 m. Khu vực hoạt động của Hải cảnh 5304 cách Côn Đảo khoảng 135 hải lý, cách bờ biển Trà Vinh khoảng gần 170 hải lý, tức là đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam hơn so với Hải cảnh 5204 trước đó.
Hải trình của Hải cảnh 5304 trong thời gian vừa qua còn cho thấy tàu chấp pháp Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực ngoài khơi đảo Phú Quý (có thể đã hoạt động từ ngày 6 đến 18/2/2021), vị trí mà Hải cảnh 5204 cũng đã hoạt động từ đầu tháng 2. Tàu rời cảng Tam Á, đảo Hải Nam từ ngày 1/2/2021 và đã ghé qua bãi Hải Sâm, đá Subi và đá Chữ Thập trước khi tiến vào Lô 05.2 và Lô 05.3.
Hải cảnh 5304 thuộc lớp Zhaoduan, kích thước 134 x 16 x 5 m. Lượng dãn nước 3.600 tấn, tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ có thiết kế tương tự như tàu khu trục Type 054A được trang bị 1 tháp pháo H/PJ-26 76mm nòng đơn và 2 tháp pháo H/PJ-19 30mm và Radar Heli Type 361A.
Năm 2020, Trung Quốc đã cho tàu Hải cảnh 5402 áp sát giàn khoan của Việt Nam tại mỏ Lan Tây và Phong Lan Dại thuộc lô 06.01, nhằm gây áp lực và cản trở hoạt động khai thác dầu khí của nước ta. Động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc đã từng thu hút sự chú ý của dư luận khu vực. Hãng tin Asia’s Premier News Agency (ANI) bình luận: Tàu Hải cảnh 5402 của Trung Quốc một lần nữa lại xuất hiện tại khu vực Bãi Tư Chính, trước đó tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đã đến đây gây hấn nhiều ngày rồi rút về nước. Từ sáng 4/7/2020, tàu này chạy với tốc độ nhanh – 15 hải lý/giờ, về hướng giàn khoan khai thác mỏ khí đốt Lan Tây của Việt Nam, một giàn khoan đã hoạt động ổn định từ nhiều năm qua. Đôi khi, tàu Trung Quốc chỉ cách giàn Lan Tây có 1,3 hải lý. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình trong vùng biển của Việt Nam, chỉ cách hơn 1 hải lý.
Vào cuối tháng 6/2020, một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc số hiệu 5403 cũng tiến sát lô 06.1 của Việt Nam. Tàu di chuyển quanh 2 giếng khoan thuộc mỏ Lan Đỏ, cách nơi này từ 1 tới 2 hải lý. Tàu hải cảnh 5403 đã rời khỏi khu vực từ ngày 30/6 và đến ngày 5/7 đã tới Đá Subi. Mặc dù vậy, Việt Nam là một đất nước yêu hòa bình, kiên quyết không đáp trả bằng vũ lực. Thay vào đó, Việt Nam tiếp tục hoạt động khai thác bình thường. Vẫn có lực lượng chấp pháp bám sát, theo dõi tình hình thực địa, kịp thời hỗ trợ cho hoạt động khai thác.
Theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), vùng 200 hải lý tính đường cơ sở của mỗi quốc gia ven biển được xác định là vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tự vẽ ra “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông. “Đường 9 đoạn” này vào sâu trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng, bao gồm Việt Nam. Toà Trọng tài quốc tế (PCA) trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này, nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của toà và liên tục có những động thái tại biển Đông nói chung và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nói riêng.
Hạ Trắng (Theo Nguồn dữ liệu AIS của Marine Traffic)