+
Aa
-
like
comment

Nồng độ cồn không phải do rượu bia gây ra có bị phạt?

07/01/2020 07:44

Song hành với các tin nóng về các vụ xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong mấy ngày qua, thì cũng có những thông tin “ ăn trái cây cũng thổi ra nồng độ cồn” càng làm hoang mang dư luận thêm. Thực hư có hay không thông tin xử phạt như trên?

Trong những ngày qua, dưới sự phản ảnh của các trang mạng xã hội cho thấy có nhiều ý kiến trái chiều về Nghị định 100/2019/NĐ-CP.  Cụ thể về lỗi phạt xử lý hành chính khi trong 1 lít hơi thở hay 1 mg máu của người tham gia giao thông có cồn. Các cư dân mạng truyền thông tin rằng ăn hoa quả cũng có thể tạo nồng độ cồn trong máu. Cụ thể như fanpage “Có thể bạn chưa biết” có 1,5 triệu người theo dõi đã đưa tin “ăn hoa quả như táo dứa, vải….trong thời gian ngắn có thể chuyển hóa thành men, tức là có nồng độ cồn trong cơ thể. Do vậy khi tham gia giao thông bạn vẫn có thể bị phạt tính theo như  nồng độ cồn của rượu bia. Bạn có thể mất 2 – 5 triệu đồng đối với xe máy, 6-8 triệu đồng đối với ô tô”.

Một số loại trái cây như vải, táo, dứa sau khi ăn cũng có thể tạo hơi men.

Ngay lập tức đã có nhiều bình luận gay gắt như “Này là cướp chứ luậtgì, bây giờ ăn trái cây cũng bị phạt, chuyện hài xứ thiên đường”; “Đã ăn trái cây thì không được lái xe!”; “Nay ăn trái cây cũng không được lái xe nữa ông Giáo ạ”; “Đề nghị nhà nước nên xem lại”.

Trước thông tin và phản ứng của một số trang mạng như trên, fanpage chính thức của CSGT Việt Nam cũng chỉ ra rõ các bước kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện xe máy, xe ô tô cụ thể gồm 3 bước sau:

Bước 1, hướng dẫn xe vào khu vực kiểm tra nồng độ, dùng máy kiểm tra hơi cồn nếu có cồn yêu cầu đánh xe vào lề, không có hơi cồn tiếp tục di chuyển.

Bước 2, Kiểm tra nồng độ cồn bằng máy thổi chuyên dụng. Nếu kiểm tra phát hiện nồng độ cồn vượt mức quy định nào sẽ yêu cầu lái xe giải trình. Nếu lái xe thừa nhận vi phạm sẽ tiến hành thiết lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Nếu lái xe không thừa nhận vì nhiều lý do ví dụ ăn hoa quả chẳng hạn sẽ tiến hành sang bước thứ 3.

Bước 3, Cán bộ Sở Y Tế theo Đoàn sẽ tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Nếu phát hiện vi phạm sẽ sử dụng làm căn cứ cuối cùng để thiết lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Việc ăn hoa quả, rượu nếp chắc chắn 100% không đủ để lên nồng độ khi kiểm tra máu.

Trung tá Vũ Mạnh Nam khẳng định phạt lỗi thổi nồng độ cồn phải khiến người dân tâm phục khẩu phục.

Thực tế tình hình trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội, Trung tá Vũ Mạnh Nam – Đội phó Đội CSGT số 7 – Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng khẳng định trước báo chí thông tin người dân ăn hoa quả cũng “thổi ra” nồng độ cồn : “Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy cả, đó chỉ là lý do để chống đối khi vi phạm. Sẽ không có cơ quan chức năng nào xử phạt oan về hành vi uống rượu bia, chúng tôi sẽ chứng minh để người dân tâm khục khẩu phục chứ không có chuyện ăn hoa quả mà bị xử phạt. Chúng tôi có máy đo nồng độ cồn đã được cơ quan quản lý kiểm định đảm bảo. Tôi cũng khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà lên được nồng độ cồn”.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực. Luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Bên cạnh đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đã bắt đầu có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cuối cùng, mỗi người nên tự có lối quan sát đánh giá thông tin cho chính mình. Không nên tự biến mình trở thành “ con rối đám đông” hoặc theo “trào lưu” mà vô hình chung tạo tâm lý hoang mang trong dư luận để rồi đánh mất niềm tin vào cuộc sống nói chung.

Bồ câu trắng 

Bài mới
Đọc nhiều