+
Aa
-
like
comment

Nông dân Quảng Ngãi “khai tử” hàng trăm ha cây cao su

27/12/2020 17:55

Sau bão số 9, hàng trăm ha cây cao su bị ngã, gãy, nông dân H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chặt bỏ hàng trăm ha cây cao su hàng chục năm tuổi để trồng cây khác. 

Cây cao su bị chặt bỏ ở xã Bình An, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) /// Ảnh: P.A
Cây cao su bị chặt bỏ ở xã Bình An, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi)

Sau bão số 9, cây cao su ngã, gãy nhưng nông dân ở H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) còn lưỡng lự vì tiếc nuối không phá bỏ. Đến nay, không còn gượng được, họ đành chặt bỏ hàng trăm ha cây cao su hàng chục năm tuổi để trồng cây trồng khác.

Chặt cao su, trồng keo

Theo chân ông Trần Nhung (61 tuổi, ở thôn An Khương, xã Bình An, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đồi cây cao su 2 ha, chúng tôi xót xa khi cây cao su khô thân, cành nằm ngang dọc dưới đất.

Ông Nhung thở dài kể, đến gần cuối tháng 11, sau bão số 9 chừng một tháng, ông mới “xuống tay” chặt bỏ đồi cây cao su này. Tiếc đứt ruột, vì đây là “của để dành” của 2 vợ chồng ông năm tháng về già, vậy mà bão số 9 quật tơi tả, 2 ha cao su nằm gục đầu. Mấy ngày đó, cứ tha thẩn ra nhìn, lòng hụt hẫng như giấc mơ đẹp tan biến.

Nông dân Quảng Ngãi
Ông Trần Nhung luyến tiếc khi phải chặt bỏ 2 ha cây cao su Ảnh: P.A

Khoảng năm 2001, gia đình ông Nhung quyết định đầu tư trồng rừng cao su ở đây. Những năm đầu chăm sóc, dù khổ cực nhưng cao su lớn nhanh. Ông Nhung còn trồng mì được 3 năm đầu.

Đến năm 2009, khi thu mủ cao su được năm đầu tiên thì cơn bão số 9, ngày 29.9.2009 ập đến. Rừng cao su xơ xác nhưng hơn 50% cây cao su không bị gãy. Vậy là ông Nhung quyết tái canh, vừa chăm sóc cây cũ, vừa trồng dặm cây mới.

Những năm giá mủ cao su 25.000 – 27.000 đồng/kg, gia đình ông thu tiền triệu mỗi ngày.

Những năm sau này, dù mủ cao su chỉ 13.000 đồng/kg, nhưng ngày nào vợ chồng ông Nhung cũng khai thác được 60-75 kg, thu về từ 700.000 đến 800.000 đồng/ngày. “Vùng đất này, đến nay chưa có cây trồng nào cho thu nhập đều và cao như cây cao su. Buổi sáng dậy từ 4 giờ, loay hoay lấy mủ, mang về nhà, chiều có thể làm việc khác”, ông Nhung cho biết.

Nông dân Quảng Ngãi
Rừng cây cao su khi chưa bị bão Ảnh: P.A

Tuy nhiên, cơn bão số 9 vừa qua đã quét qua đồi cao su 2 ha của ông Nhung, làm cây gãy 100%. Những ngày ấy, ông Nhung tiếc của, theo thói quen cạo mủ cao su, buổi sáng nào ông cũng ra đồi cao su, rồi quay về buồn tênh.

Tháng 11 vừa qua, ông Nhung đành đốn hạ hết 2 ha cao su để trồng cây keo. “Ở đây không có nước tưới nên không trồng được cây ăn trái, rau màu gì”, ông Nhung nói.

Nông dân Quảng Ngãi
Rừng cao su sau khi bão số 9 đi qua Ảnh: H.Hoa

“Chắc là phá hết”  

Ông Võ Thanh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Bình An, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết cây cao su đã tồn tại trên đất xã này hơn 20 năm. Năm 2009, bão gây hại làm hàng chục ha cao su phải trồng mới. Bão số 9 vừa rồi làm gãy đổ 70% diện tích cây cao su ở đây, trong đó có gần 100 ha cao su đại điền (do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi quản lý) và 50 ha cao su tiểu điền của người dân.

Nông dân Quảng Ngãi
Người dân phải chặt phá cây sao su để trồng cây khác Ảnh: H.Hoa

“Đến giờ, cơ bản bà con nông dân đã cưa hết cây cao su để bán gỗ và có khả năng không tái trồng lại cây cao su nữa, mà chắc là phá hết, dẹp luôn. Chính quyền xã hiện cũng chưa có khuyến cáo gì, dù cây cao su cho thu nhập ổn định, nhưng mấy năm diễn ra bão, cây bị gãy thì nông dân chắc chắn không lựa chọn cao su để trồng nữa”, ông Quang cho biết.

Nông dân Quảng Ngãi
Cao su được xem là “vàng trắng” một thời, nay bị “khai tử” Ảnh: P.A

“Hàng xóm” xã Bình An là xã Bình Khương, nông dân cũng tự tay “khai tử” cây cao su sau bão số 9 vừa qua. Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 250 ha cao su của dân và Công ty TNHH MTV  Cao su Quảng Ngãi. Bão số 9 vừa qua, hầu như diện tích cây cao su này bị gãy, người dân đã cắt bỏ toàn bộ để bán gỗ. “Nói về hiệu quả kinh tế thì cây cao su là cây hàng đầu ở đây. Có điều, dân đầu tư xuống là bị bão làm gãy đổ thì không ai dám trồng”, ông Sơn nói.

Nông dân Quảng Ngãi
Lo âu khi “ăn ở” với cây cao su Ảnh: P.A

Ngoài ra, tại xã Bình Minh, hiện còn khoảng 60 ha cao su đại điền và hơn 100 ha cao su tiểu điền do người dân trồng và khai thác, nhưng cũng đã bị ngã đổ sau bão số 9 vừa qua.

Ngày 26.12, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi, cho biết, hiện công ty đang quản lý hơn 1.000 ha cây cao su thuộc các địa bàn H.Bình Sơn, H.Sơn Tịnh và H.Trà Bồng.

Bão số 9 vừa qua làm gãy đổ hơn 50% trở lên có gần 700 ha. Diện tích này nay phải phá bỏ toàn bộ, không tái canh nữa. Riêng hơn 300 ha cây cao su bị gãy đổ dưới 50%, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi sẽ tái canh, chăm sóc.

Phạm Anh/TNO

Bài mới
Đọc nhiều