+
Aa
-
like
comment

Nông dân đổi đời nhờ chính sách của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Như Yên - 09/11/2020 17:32

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 9/11, Thông tin Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số hóa quốc gia và đặc biệt quan tâm đến các vùng núi, vùng sâu, vùng xa nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân. Đây là một việc làm hết sức cần thiết, góp một phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một vùng quê nghèo, lạc hậu. 

Những lợi ích mà việc Chuyển đổi số hóa mang lại

Có thể nói, người dân ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa ngoài địa hình cách trở thì phương tiện di chuyển đã rất khó khăn. Chương trình Chuyển đổi số hóa quốc gia khi được triển khai chính là nguồn ánh sáng giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi.

Đầu tiên, Bộ Thông tin & Truyền thông đã hợp tác với nhà sản xuất điện thoại, nhà mạng để bán điện thoại thông minh với giá rẻ, 600.000-700.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phủ sóng mạng 3G, 4G ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Như vậy, người dân tại những nơi đây đã có thể ngồi tại nhà vẫn nắm được thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất, bà con nông dân còn có thể sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin cũng như tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng và chăn nuôi. Đời sống người dân cũng từ đó mà sẽ được cải thiện tốt hơn.

Trong Chương trình Chuyển đổi số người dân vùng núi, giáo dục luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là giáo dục trực tuyến. Từ nay, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa có thể thông qua chiếc điện thoại thông minh mà tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất hiện nay. Các ứng dụng học tập trên điện thoại sẽ là nền tảng giúp các em phát huy được hết khả năng sáng tạo của bản thân. Phần nào sẽ bổ sung thêm lượng kiến thức mà các em còn thiếu sót, góp phần hạn chế tình trạng chán nản, nghỉ học sớm.

Vấn đề được quan tâm tiếp theo là y tế, các khu vực này thường có rất ít bác sĩ và tục lệ chữa trị bệnh theo những cách thức dân gian vẫn còn được sử dụng. Nhờ có sự phát triển của công nghệ thông tin mà hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai đến người dân. Phá bỏ rào cản về địa lý, giúp người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại nhưng vẫn được hỗ trợ khám và chăm sóc sức khỏe từ các bác sĩ trên toàn quốc.

Hơn nữa, việc Chuyển đổi số hóa sẽ là một bước ngoặt lớn giúp cải thiện đời sống người dân tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa. Thay đổi hình thức mua bán trực tiếp sang mua bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử với giá tốt sẽ giúp các hộ dân có thêm đầu ra sản phẩm, nông sản. Từ đó, kinh tế các gia đình sẽ ổn định hơn, đời sống vật chất phát triển thì tinh thần mới thoải mái, khỏe mạnh. Các em nhỏ cũng sẽ có điều kiện được đến trường, người dân khi đau bệnh cũng không còn e dè về số tiền chữa trị nữa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên chất vấn ngày 9/11

“Bộ đã triển khai thí điểm chuyển đổi số ở trên 10 xã và đặc biệt tập trung cho các xã miền núi. Ví dụ, tại xã Vi Hương, Bắc Kạn, việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập của bà con trong hợp tác xã đã tăng từ 1-1,5, triệu thành 3-3,5 triệu/tháng”- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Các khu vực đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa đã lạc hậu từ rất lâu không theo kịp thời đại. Việc Chuyển đổi số hóa quốc gia là giải pháp rất tốt để đồng bào miền núi vùng nông thôn, các cháu học sinh nhanh chóng theo kịp thành thị. Góp phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Chuyển đổi số hóa một cách toàn diện

Cần phải khẳng định Chuyển đổi số hóa quốc gia là một việc làm vô cùng cần thiết, Bộ trưởng cũng đã vạch rõ kế hoạch và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ gặp phải những khó khăn mà cần phải toàn diện các yếu tố thì Chương trình mới mang đến hiệu quả thực sự như mong muốn.

Khi mạng 3G hay 4G được triển khai tại các địa phương miền núi hay các vùng sâu vùng xa để thuận tiện cho bà con trong việc kết nối Internet nhưng đồng nghĩa với việc sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền. Với mức thu nhập của bà con thì số tiền phải chi trả không hề nhỏ. Thiết nghĩ, Nhà nước nên có thêm các chính sách hỗ trợ nhà mạng để người dân được sử dụng dịch vụ mạng với mức giá rẻ hơn, phù hợp với túi tiền các hộ dân. Đơn giản, người dân sở hữu điện thoại thông minh mà không có kết nối mạng thì cũng không khác gì sử dụng điện thoại “cục gạch”. Hơn nữa, không phải ai cũng biết cách sử dụng điện thoại thông minh, đối với các em nhỏ, tinh thần tiếp thu nhanh nhẹn thì chỉ cần 1 đến 2 buổi các em đã có thể thành thạo sử dụng nhưng với những người cao tuổi thì sẽ vô cùng khó khăn. Đại bộ phận những người trung niên, cao tuổi người thì mắt kém, hay quên người lại không biết chữ nên cần phải có kế hoạch cụ thể trong việc hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, ít nhất là mỗi hộ dân có một người biết sử dụng. Vì đây là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hóa.

Việc người dân tiếp cận với công nghệ thông tin cùng những tin tức không chính xác từ Mạng xã hội hoàn toàn có thể xảy ra. Cần sớm đưa ra các giải pháp quản lý an ninh mạng chặt chẽ hơn, ngăn ngừa những thông tin trái sự thật. Đặc biệt là đối tượng trẻ em , khi tiếp xúc với sớm với internet sẽ khó tránh khỏi việc những trò chơi điện tử thu hút mà sao nản việc học hành. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Giáo dục để có phương pháp học tập tốt nhất dành cho trẻ.

Đồng thời, khi đã triển khai sàn thương mại điện tử để mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản nên tính đến vấn đề thanh toán và vận chuyển thế nào cho hợp lý. Vì đại đa số người dân ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa đều là nông dân “chân chất” dễ gặp phải tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nói tóm lại, việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số hóa quốc gia vẫn là một quá trình lâu dài và cần có sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và người dân địa phương. Đúng như tiêu chí của Bộ “Những nơi khó khăn sẽ được ưu tiên trước” chứ không chỉ riêng khu vực miền núi. Mong rằng, trong tương lai gần, mọi người dân trên khắp mọi miền Tổ Quốc đều có thể liên lạc, mua bán trao đổi hàng hóa với nhau thông qua mạng Internet. Người dân các khu vực vùng núi, vùng sâu cũng từ đó mà đẩy mạnh mua bán hàng hóa, nông sản tăng thêm nguồn thu nhập. Thúc đẩy kinh tế từng vùng và của toàn quốc gia ngày càng phát triển hơn.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều