Nóng bỏng chiến sự Nagorno-Karabakh và thế đứng của các bên thứ 3
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 5/10 kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn, đồng thời hối thúc bên thứ 3 là Thổ Nhĩ Kỳ dùng tầm ảnh hưởng của mình để giúp xoa dịu căng thẳng tình hình tại vùng lãnh thổ ly khai này.
Xung đột bùng phát tại vùng Nagorno-Karabakh đã bước sang tuần thứ hai, song Armenia và Azerbaijan hôm 5/10 vẫn lớn tiếng cáo buộc lẫn nhau tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào dân thường. Con số thương vong ngày một tăng và điều đáng nói là các bên tham chiến có dấu hiệu cho thấy có sử dụng vũ khí có sức hủy diệt cao như tên lửa đạn đạo và pháo phản lực phóng loạt tầm xa. Có vẻ như cán cân lợi thế xung đột đang nghiêng về Azerbaijan khi nước này đang được một số đồng minh ủng hộ như Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan.
Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev tuyên bố quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 3 ngôi làng ở khu vực Jabrayil và một số vị trí chiến lược trên đường giới tuyến ở Nagorno-Karabakh. Nhà lãnh đạo Azerbaijan đồng thời thừa nhận được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong chiến sự ở biên giới tranh chấp. Trước đó, Tổng thống Azerbaijan cũng kiên định với lập trường cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải là một thành phần trong đàm phán quốc tế về Nagorno-Karabakh. Hiện tại, không thể không chú ý tới thế đứng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột biên giới giữa 2 quốc gia láng giềng là Armenia và Azerbaijan bởi tiếp giáp với cả hai quốc gia đối địch này, Thổ Nhĩ Kỳ khó để tránh bị cuốn vào xung đột tại vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, chưa kể Ankara cũng là bên có tiếng nói trong khu vực.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua cũng đã lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là một đồng minh quan trọng của Azerbaijan, sẽ dùng tầm ảnh hưởng “đáng kể” của mình để giúp xoa dịu xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Phát biểu họp báo ngày hôm qua nhân chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo NATO một lần nữa khẳng định rằng: “Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải truyền tải một thông điệp rất rõ ràng đến tất cả các bên tham chiến rằng họ cần phải ngừng giao tranh ngay lập tức, rằng chúng ta nên ủng hộ tất cả các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, dựa trên đàm phán và thương lượng, bởi vì không có giải pháp quân sự nào có thể giúp chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh”.
Tuy nhiên, hiện vẫn dấy lên nhiều tranh cãi về sự xen vào của bên thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được cho là sẽ càng làm phức tạp thêm những mâu thuẫn bấy lâu nay khó hóa giải giữa Armenia và Azerbaijan. Giới phân tích chính trị đã đưa ra hàng loạt lý do phỏng đoán về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến của hai quốc gia láng giềng vốn có thâm thù với nhau này, trong đó ngoài lý do chính trị, với tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như chinh phục cử tri đang mất dần niềm tin vào đảng AKP cầm quyền, thì Ankara cũng được cho là đã tính toán kỹ lưỡng tới những mục tiêu kinh tế.
Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang đứng ở phía đối địch với Phương Tây trong cách dàn xếp xung đột tại Nagorno-Karabakh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản đối sự can dự của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào vấn đề căng thẳng đang leo thang tại biên giới tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Nga, Pháp đã “bỏ bê” vấn đề này trong 30 năm qua và nên tiếp tục “đứng ngoài cuộc”. Nhất là Nga, sẽ là bên khó xử nhất hiện nay, vì vậy đang hành động một cách cầm chừng và ít khả năng sẽ can thiệp sâu vào tình hình chiến sự tại điểm nóng Nagorno-Karabakh, nếu không muốn ở thế đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ – bên nhiệt tình ủng hộ Azerbaijan nhất hiện nay trong việc chạm trán với Armenia.
Phương Anh/VOV