+
Aa
-
like
comment

Nói về âm mưu đòi thay Quốc hiệu

28/02/2020 11:20

Quốc hiệu của một quốc gia ở bất cứ đâu trên thế giới cũng mang giá trị lịch sử, văn hóa và chính trị. Những cuộc cách mạng, thay đổi chế độ xã hội nói chung thường dẫn đến thay đổi quốc hiệu.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII.

Sự thay đổi quốc hiệu được xem như một phần của thành quả cách mạng. Quốc hiệu của một quốc gia trong các thời kỳ lịch sử khác nhau còn thể hiện tư duy chính trị của lực lượng cầm quyền (thường là đảng chính trị) giành thắng lợi.

Với nhà nước Việt Nam, quốc hiệu không phải chỉ phản ánh ý chí, nguyện vọng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn thông qua một quy trình luật định của Hiến pháp, do Quốc hội-cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho toàn thể nhân dân quyết định. Thế nhưng, trong làn sóng “dân chủ trên không gian mạng”, có người đã đòi thay đổi tên nước, từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trở lại tên gọi trước đây- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Loại trừ tính cách cá nhân (muốn thể hiện trí tuệ hơn người) thì cái gọi là “kiến nghị”, “yêu cầu” trên còn ẩn chứa âm mưu gì?

Trước hết xin được lược qua các quốc hiệu của Nhà nước Việt Nam từ khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập dân tộc, năm 1945 đến nay. Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khóa I, nhiệm kỳ (1946-1960), quyết định. Tên gọi này kéo dài 31 năm (1945-1976). Còn nhớ, thắng lợi của cuộc kháng chiến thống thực dân Pháp vào năm 1954, Hiệp định Geneve (Thụy Sĩ) quy định Việt Nam tạm thời chia làm hai miền: Miền Bắc và miền Nam. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp cai trị dưới hình thức chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975 cuối cùng đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Vào năm 1976, do còn có sự khác biệt nhất định về thể chế xã hội giữa hai miền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thực hiện cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước. Sau cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất ra đời. Quốc hội nhiệm kỳ mới, mở đầu từ năm 1976 đã quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quốc hiệu của Việt Nam.

Sự khác biệt giữa hai tên nước: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không chỉ về ngôn từ mà còn mang nội dung chính trị-pháp lý nhất định. Chính thể cộng hòa dân chủ nói chung là một chế độ xã hội trong đó nguyên thủ quốc gia và cơ quan lập pháp (Quốc hội) do nhân dân bầu ra theo thể thức bình đẳng và bỏ phiếu kín. Các quốc gia theo chính thể cộng hòa dân chủ đều xác lập nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (hoặc xuất phát từ nhân dân). Mọi công dân đến tuổi (do pháp luật quy định) đều được tham gia bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện từ cơ sở đến Trung ương. Chính thể cộng hòa dân chủ là hình thức chính thể phổ biến của các nhà nước hiện đại.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, chế độ cộng hòa dân chủ có nhiều mô hình. Chẳng hạn, các mô hình: Cộng hòa dân chủ chủ nô (Aten); cộng hòa dân chủ phong kiến (ở một số nước phương Tây); cộng hòa dân chủ tư sản… Công xã Pari là một sự kiện mở đầu cho chính thể cộng hòa dân chủ. Tiếp đó là chế độ cộng hòa Xô viết (ra đời từ nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917). Mô hình cộng hòa dân chủ còn ra đời từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, đó là mô hình “cộng hòa dân chủ”. Trong mô hình này có thể chế cộng hòa dân chủ của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ở Việt Nam, việc Quốc hội quyết định chuyển quốc hiệu từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là sự khẳng định thể chế chính trị nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời gắn với mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Nói như thế không có nghĩa quốc hiệu là bất biến. Khi nào có thể và cần thay đổi thì vẫn có thể thay đổi. Quốc hiệu mới như thế nào thì câu trả lời dành cho đảng cầm quyền và cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Ở Việt Nam, quốc hiệu nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là sự kế thừa quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng mô hình xã hội thì đã thay đổi. Về chính trị, đó là Nhà nước pháp quyền, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với những quy định chặt chẽ. Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Vậy, những người đòi thay quốc hiệu nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở về với quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để nhằm mục đích gì? Có “trong sáng” như họ vẫn nói hay không? Sẽ tác động đến tư tưởng-chính trị và văn hóa của đất nước ra sao? Và cuối cùng, thực chất của giọng điệu đề nghị thay đổi tên nước?

Trước hết, về hệ quả lý luận, sự thay đổi tên nước như có người nêu sẽ dẫn đến “vênh” giữa nền tảng tư tưởng của Đảng ta (đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) với mục tiêu đi lên xã hội XHCN. Cần lưu ý rằng mô hình kinh tế của xã hội Việt Nam hiện nay là mô hình “quá độ” lên xã hội XHCN. Nói cách khác về mặt logic, mô hình này chưa phải là mô hình XHCN.

Thứ hai, về tư tưởng, chính trị, sự thay đổi tên nước như có người nêu sẽ dẫn đến nhận thức chung của xã hội là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thay đổi nền tảng tư tưởng, đã từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự thay đổi này bao gồm cả nhận thức về quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó, theo logic sẽ dẫn đến những hình thức đấu tranh đòi xóa bỏ thể chế kinh tế hiện này.

Thứ ba, về khách quan, đó sẽ là sự phủ định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta có thể lập luận rằng, mô hình kinh tế xã hội hiện hữu do Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng và điều hành bấy lâu nay là sai lầm… nên phải thay đổi “tận gốc”, phải thay đổi đảng chính trị cầm quyền, đây là cái gốc của mô hình cũ.

Trong thời đại công nghệ thông tin dựa trên nền tảng internet, mạng xã hội… hệ lụy của những sai lầm về chính trị tư tưởng, từ nhỏ có thể trở thành những vấn đề tư tưởng chính trị phức tạp, khó lường. Âm mưu đòi đổi quốc hiệu núp dưới vỏ bọc “chân thành”, mong muốn trở về với “tên nước do Bác Hồ đặt” thực ra là âm mưu tạo cớ để đòi thay đổi nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi mục tiêu và con đường xây dựng, phát triển đất nước mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Thiết nghĩ, vấn đề này cần được thông tin rộng rãi để cộng đồng, xã hội hiểu rõ âm mưu, chiêu trò của các nhà “dân chủ”.

Tiến sỹ Cao Đức Thái

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều