+
Aa
-
like
comment

Chuyên gia: “Nới room” không ưu tiên chứng khoán, bất động sản

Đông Duy - 14/11/2022 17:22

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, các chuyên gia nhận định đây sẽ là cú huých quan trọng cho nền kinh tế cuối năm.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, NHNN đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Và theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn sẽ được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm.

Quyết định của NHNN được kỳ vọng sẽ “xốc” lại toàn bộ thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với hàng loạt biến cố từ bên trong lẫn bên ngoài. Phần lớn chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán đều đồng tình việc nới room tín dụng sẽ mang lại một cú huých cần thiết để các doanh nghiệp phục hồi hoặc mở rộng đầu tư, vượt qua khủng hoảng.

Chính sách linh hoạt

Nhận định về nới hạn mức tăng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, quyết định này là phù hợp trong bối cảnh áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỉ giá đã dịu bớt khá nhiều. Động thái này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới.

“Việc nới hạn mức tín dụng tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực như dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định thị trường toàn cầu bắt đầu có những tín hiệu hạ nhiệt: “Giá cả hàng hoá như xăng dầu, sắt thép, thịt lợn… đã hạ nhiệt so với cách đây 3 – 4 tháng. Áp lực lạm phát đã bớt rủi ro hơn so với trước kia. Cũng tương tự, tỉ giá một tháng nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số USD Index đã giảm từ đỉnh 114.8 xuống 104, trước kỳ vọng Fed sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Song song với đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạ giá bán USD cho các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây. Cùng với đó là nhu cầu về tín dụng tăng cao trong những tháng cuối năm. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng là hoàn toàn phù hợp”.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Vẫn cần cẩn trọng

Theo Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong năm sau sẽ có sự giảm tốc so với năm 2022. Việt Nam sẽ khó có chu kỳ tăng trưởng mạnh, tăng trưởng nóng đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Đây cũng là một yếu tố khó lường trong dài hạn”.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Thế Minh.

Theo ông, trong ngắn và trung hạn, thị trường đang tăng, nhưng dài hạn vẫn có rủi ro khi áp lực vẫn còn hiện hữu. Còn nhiều yếu tố khó lường trong chính sách tiền tệ của Fed. Đặc biệt, thị trường có thể vẫn chưa phản ánh hết rủi ro trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, nhà đầu tư cần chờ hành động của Fed trong những cuộc họp đầu năm thì mới có thể xác định rủi ro trong dài hạn đã thực sự hết hay chưa.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho hay: Đây là động thái kịp thời để giải quyết vấn đề thanh khoản gồm cả thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế giai đoạn từ nay tới cuối năm. Theo đó, ngân hàng có thêm dư địa để cho vay. Các doanh nghiệp đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng nhờ room mới. “Nới room tín dụng” chỉ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều