Nỗi phiền muộn của Thủ tướng
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất “thực hiện việc điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân ở những nơi khác, áp dụng từ tháng 8/2020”
Lại thêm một lần nữa, Thủ tướng đốc thúc các lãnh đạo địa phương tăng cường giải ngân đầu tư công, mà ông hy vọng là một trong “tam mã” kéo nền kinh tế. Dự toán chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng mà suốt hơn 4 năm qua mới chỉ tiêu được 2/3 và đến nay, chỉ còn mấy tháng nữa còn tồn đến 1/3.
Nói với 45 ủy viên trung ương, người đứng đầu Chính phủ đốc thúc: “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại đống tiền ngay địa bàn của anh. Anh không chịu giải quyết, tại sao? Anh lại đổ khách quan này, khách quan khác, phải do trách nhiệm chúng ta không? Tôi mời bí thư, chủ tịch, bộ trưởng có mặt hội nghị này để có trách nhiệm với xã hội, đất nước”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Anh không làm thì phải có biện pháp cho anh chứ. Nói hoài nói mãi không chịu làm. Lần này phải đưa ra chế tài”.
Sự sốt ruột của Thủ tướng là rất đúng và trúng. Nền kinh tế đang rơi sâu vào giấc ngủ lịm, nguồn lực của dân đang dần cạn kiệt, Nhà nước có tiền mà không tiêu được, không tiêu đúng và không tiêu hiệu quả thì… cứ để người đứng đầu Chính phủ nói hoài hay sao?
Nhưng khó mà trách được họ, cũng chẳng chế tài được đâu vì Luật ngân sách nhà nước đã phân cấp hết rồi. TW lo của TW, địa phương lo của địa phương, nhiều khi mạnh ai nấy tiêu. Cơ chế này từng được chuyên gia cho là “thực đơn tôm hùm” với hàm ý rất khó quy trách nhiệm khi trách nhiệm không rõ ràng, minh bạch, thiếu giải trình.
Đầu tư công luôn được xem là chùm khế ngọt. Nhiều năm nay, chi đầu tư công thường vượt rất cao so với dự toán. Chẳng hạn, Quốc hội dự toán chi 254.950 tỷ đồng cho đầu tư công cho năm 2016, nhưng khi Quốc hội quyết toán con số này vọt lên tới 296.451 tỷ đồng, vênh gần 2 tỷ đô chứ ít đâu.
Vì sao cũng hệ thống quy định đó, luật pháp đó, con người đó mà trước tiêu ào ạt, nay tiêu nhỏ giọt, thậm chí không tiêu? Câu trả lời để mở đó.
Vấn đề là, theo Luật Đầu tư công mới, từ đầu nhiệm kỳ tới Quốc hội sẽ thông qua danh mục đầu tư công – công việc lâu nay của Chính phủ. Quốc hội họp 1 năm 2 lần, đại biểu thì ít chuyên môn đặc thù thì e là quá trình phê duyệt danh mục đầu tư công sẽ kéo dài diệu vợi.
Và câu chuyện giải ngân cũng vợi diệu không kém. Các công trình lớn như điện, đường, trường, viện cũng vì thế mà diệu vợi dù thiếu hụt cơ sở hạ tầng từng được cho là 1 trong 3 nút thắt phải tháo cho phát triển.
Hoàng Tư Giang
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)