Nỗi niềm về “thưởng Tết”
Cả năm làm việc, niềm vui cuối năm của bất kỳ ai cũng là được nhận một khoản thưởng động viên, để tết đến xuân về có thêm thu nhập trang trải, và hơn cả là để cảm thấy sự ghi nhận của lãnh đạo cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp đối với cống hiến của bản thân.
Đương nhiên, đã gọi là “thưởng” thì chỉ khi người lao động phải thực sự hoàn thành được công việc ở một mức độ nào đó, vượt qua kỳ vọng của người quản lý. Đây là khoản tiền thêm vào thu nhập của người lao động, ngoài lương.
Thế nhưng, quan niệm “thưởng Tết” ở ta lại ẩn chứa nội hàm khác, gần như là một tiêu chí để đánh giá về hiệu quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả quản lý, điều hành của lãnh đạo tổ chức trong vấn đề đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên, người lao động trong năm.
Nếu khoản thưởng năm nay cao hơn năm ngoái thì người lao động sẽ có niềm tin hơn vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp, của tổ chức; tin vào đôi tay lèo lái của người lãnh đạo.
Điều đáng mừng là theo kết quả khảo sát các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được công bố chiều 20/1: “Gần 100 % doanh nghiệp được khảo sát đều có báo cáo thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương, tương đương với mức 6,5 triệu đồng/người, tăng khoảng 6% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019…”.
Đọc báo cáo vĩ mô, chúng ta đều biết, nền kinh tế năm qua đã tăng trưởng vượt kỳ vọng. Nhưng có lẽ, với người lao động, họ sẽ cảm nhận rõ nhất về tăng trưởng thông qua sự thay đổi của tiền lương và tiền thưởng.
Khảo sát trên cũng cho thấy, mức thưởng Tết có sự khác biệt lớn giữa các ngành, nghề. Mức thưởng cao tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tốt trong năm 2019 như: Điện tử, ngân hàng, dịch vụ tài chính, kế toán, bất động sản.
Trong khi đó, các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, gia công là chủ yếu, gặp khó khăn có mức thưởng không cao. Thậm chí một số doanh nghiệp mức thưởng chỉ khoảng 200.000 đồng/người. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn không có thưởng tết cho người lao động.
Thế nhưng có lẽ trong trường hợp không có thưởng hoặc thưởng ít thì người lao động ở những doanh nghiệp này vẫn còn may mắn hơn so với hàng nghìn người lao động khác đang rơi vào tình cảnh bị nợ lương.
Khảo sát của 40/83 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, cho thấy: Hiện có 19 doanh nghiệp trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và địa phương, 2 công đoàn ngành trung ương nợ lương của 4.115 người lao động với số tiền là 83.450 tỷ đồng.
Đành là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không phải doanh nghiệp nào cũng ăn nên làm ra, có lợi nhuận tốt. Kinh doanh thua lỗ thì lấy đâu ra tiền mà thưởng cho cán bộ, công nhân, để đảm bảo chế độ theo hợp đồng lao động đã là cố gắng lắm rồi. Thế nhưng, ở những doanh nghiệp có tài chính tốt thì lời hứa của chủ doanh nghiệp đối với người lao động có ý nghĩa vô cùng, nó phản ánh chữ “tín” trong kinh doanh và cũng là yếu tố giữ chân người lao động.
Chỉ mong sao, vào dịp này những năm sắp tới, chúng ta sẽ được đón nhận nhiều tin vui hơn về lương, thưởng Tết. Và đương nhiên, một lưu ý để ngày Tết thêm trọn vẹn, hãy nhớ rất tế nhị khi hỏi người khác “Tết này được thưởng bao nhiêu?” bởi biết đâu, sẽ làm mủi lòng ai đó.
Bích Diệp/DT