Nỗi lo ngại nhìn từ những quyền lực địa phương
Vào thập kỷ trước, Bộ chính trị Trung Quốc đã đưa ra một loạt những yếu tố được cho là mối nguy cho quốc gia, bao gồm tăng trưởng nóng, bất bình đẳng thu nhập…, có một yếu tố khá lạ lần đầu tiên được đưa vào văn bản, đó là khái niệm “quyền lực địa phương” – một dạng cát cứ chính trị thời hiện đại của các tân lãnh chúa.
Điều này gây ra rất nhiều vấn đề cho kinh tế xã hội Trung Quốc, mà dễ thấy nhất đó là sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô du lịch, khi mỗi tỉnh do mỗi lãnh chúa cầm đầu đều tự phát triển riêng những hãng ô tô địa phương thương hiệu yếu, chất lượng tồi và không thể cạnh tranh toàn cầu cũng như trong nội địa.
Sự lộng quyền của các lãnh chúa chỉ tương đối lắng xuống khi số phận chính trị của lãnh chúa mạnh nhất Bạc Hy Lai được định đoạt, khi đó nhiều người mới ngỡ ngàng, hoá ra bấy lâu nay, vẫn âm thầm tồn tại nhiều “quốc gia” riêng lẻ trong lãnh thổ nước Trung Hoa rộng lớn.
Nước Mỹ cũng gặp vấn đề tương tự, dễ thấy nhất đó là các tiểu bang ngày càng trở nên hung hăng chống lại quyền lực liên bang, rõ ràng đây là vấn đề nan giải không chỉ của riêng ai.
Chính trị tập quyền dựa trên cơ sở một chính quyền trung ương hùng mạnh là yếu tố quyết định sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia. Mọi quốc gia đều tồn tại quyền lực địa phương ở mức độ nhất định, đây là quyền lực theo chiều ngang. Về phía mình, trung ương sẽ siết lại quyền lực theo chiều dọc bằng sự kiểm soát mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh… của các địa phương thông qua các bộ, ban, ngành.. thậm chí là quân đội nếu cần thiết.
Sự mất ổn định luôn đến từ việc các địa phương tự quyết những vấn đề thuộc về quyền lực ngành dọc chống lại chỉ đạo của trung ương, và nó luôn rất đáng ngại.
Đại dịch làm bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó đáng nói là vai trò của hệ thống chính trị trung ương trong công tác chống dịch và quyền được đi lại, trở về nhà, trở về nơi đăng kí hộ khẩu của mỗi người dân.
Việc mỗi địa phương ban hành một văn bản với những sự điều chỉnh đối xử với mỗi con em của mình khác nhau tạo ra những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Khi bình yên, mỗi con em là hòn gạch xây dựng quê hương, nhưng khi khó khăn, mỗi người như một cái ung nhọt bị xua đuổi.
Sự ấm ức này sẽ không chỉ dừng ở việc “quê hương không còn là chùm khế ngọt”, mà còn ở việc cát cứ của mỗi địa phương gây ra những chia rẽ sâu sắc trong hệ thống chính trị đã đang và gồng mình vượt đại dịch lần này, cũng như hằn dấu về một quốc gia mất đi sự thống nhất.
Hành động vừa qua của một số chính quyền địa phương không chỉ thất tín với con em của mình, mà còn báo hiệu một hình thức khuynh loát chính trị để cát cứ – như lời Thủ tướng nói, điều này có thể đã thành một lối vận hành và có thể đã diễn ra lâu nay ở một số địa phương nhưng với quy mô nhỏ hơn và chưa rõ rệt.
Cái mụn nhỏ không chữa trị sẽ làm lở loét cả thân mình, đại dịch đi qua đặt ra một thách thức cho hệ thống chính trị Trung ương trước những sự khác biệt của địa phương. Hi vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết một cách nhanh gọn, triệt để. Đừng để hằn trong lòng người dân những vết xước tương tự trong tương lai.
Ngọc Châu
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả