+
Aa
-
like
comment

Nỗi khổ của người dân Trung Quốc

Bảo Trâm - 26/04/2022 11:52

Trang SCMP đưa tin, bất chấp nỗ lực siết chặt phong tỏa, Trung Quốc ngày 25-4 thông báo thêm 3.266 ca nhiễm có triệu chứng và 20.454 ca nhiễm không triệu chứng. Phần lớn trong số này đến từ Thượng Hải, nơi ghi nhận 19.455 ca. Bắc Kinh thông báo thêm 19 ca, trong đó có 14 ca biểu hiện triệu chứng.

Đáng chú ý, số trường hợp tử vong được công bố là 51, cao nhất từ đầu đợt bùng phát do Omicron tới giờ, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên 138 chỉ trong vài ngày.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, người dân đổ xô đi mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác vì lo ngại thành phố này sẽ bị phong tỏa như Thượng Hải, sau khi các quận lớn nhất của thủ đô Trung Quốc bắt đầu thực hiện xét nghiệm diện rộng từ ngày 24-4.

Theo Reuters, các nhà chức trách ở Triều Dương, một quận lớn của Bắc Kinh với 3,45 triệu dân, đã yêu cầu mọi người phải xét nghiệm 3 lần trong tuần này. Một quan chức y tế địa phương cho biết kể từ ngày 22-4, Bắc Kinh đã báo cáo 70 ca Covid-19 ở 8/16 quận, trong đó Triều Dương có 46 ca.

Tại Bắc Kinh, đường phố vắng lặng và nhà hàng ít tấp nập hơn bình thường. Giới chức Trung Quốc đang hy vọng có thể tránh được những gì đã xảy ra ở Thượng Hải, nơi ban đầu không muốn phong tỏa nhưng cuối cùng phải phong tỏa toàn phần.

Tại Bắc Kinh, cư dân đổ xô đến các siêu thị để mua thực phẩm dự trữ. Các chuỗi siêu thị như Carrefour và Wumart cho biết họ đã tăng gấp đôi hàng tồn kho và nới giờ mở cửa vào ngày 24-4.

Trên mạng xã hội Weibo, một cư dân Bắc Kinh cho biết cha của anh đi đến một siêu thị ở Triều Dương vào sáng 24-4 và thấy cảnh đám đông đứng đợi xe tải dỡ hàng.

Người này khẳng định đây là lần đầu tiên anh thấy một cảnh tượng như vậy ở Bắc Kinh dù nơi này từng trải qua nhiều dịch bệnh. Những sự kiện ở Thượng Hải, theo người này, đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân Bắc Kinh đối với nguồn cung nhu yếu phẩm trong đại dịch.

Vài tuần qua đã đủ tồi tệ khi nỗi lo về thức ăn dần kéo tâm trạng mọi người xuống. Thế nhưng, bất chấp lệnh phong tỏa, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tiếp tục gia tăng.

Sự không chắc chắn dần xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người: Liệu chúng tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường một lần nữa không?

Các nhân viên y tế đã nghỉ hưu bắt đầu đề xuất phương pháp thay thế biện pháp nghiêm ngặt và đặt câu hỏi chính sách “Zero Covid-19”. Các nhà báo bắt đầu thu thập số liệu ca tử vong do không thể tiếp cận dịch vụ y tế và kết quả xét nghiệm PCR nghiêm ngặt khiến bệnh nhân không được vào phòng cấp cứu.

Người dân đặt câu hỏi làm thế nào mà thành phố thân yêu của họ, trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc, lại trở thành một nơi đầy rẫy lời kêu cứu hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Ngày tháng trôi qua, tình trạng thiếu lương thực ngày càng trở nên trầm trọng. Khi nhiều người không thể đặt hàng trực tuyến, mua hàng theo nhóm trên WeChat trở thành cách duy nhất. Do hạn chế lưu thông trên đường phố và rủi ro cao đối với nhân viên giao hàng trong thời gian phong tỏa, chỉ những đơn đặt hàng thực phẩm trên một mức giá hoặc số lượng nhất định mới được ưu tiên.

Lãnh đạo nhóm nhanh chóng trở thành từ khóa thịnh hành và đóng vai trò “anh hùng” trong cảnh Thượng Hải bị phong tỏa. Đó là những người tháo vát và có tính tổ chức. Họ khảo sát trong nhóm WeChat, thu thập yêu cầu từ hàng xóm, kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, thanh toán trước và phân phối phù hợp khi nguồn cung đến.

Tình hình thiếu hụt và bức bối hơn nữa khi cư dân Thượng Hải tải 30 ứng dụng nhưng không đặt được đồ ăn. Tình trạng thiếu lương thực, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hạn chế, các trung tâm cách ly quá tải hay việc tách trẻ em khỏi cha mẹ vì Covid-19, đã đặt siêu đô thị hơn 25 triệu dân trong tình cảnh “căng như dây đàn”.

Chính sách chống dịch nghiêm ngặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân và làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với giới chức trách, theo Wall Street Journal.

“Tôi mất niềm tin vào giới chức trách”, một người Thượng Hải, 36 tuổi, họ Chen, nói. “Chỉ trong một cuộc khủng hoảng, bạn mới có thể đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của họ”.

Anh Chen, người đã phải ở trong nhà suốt hơn một tháng, cho biết khẩu phần rau và sữa được cung cấp không đủ cho gia đình bốn người của anh.

Mặc dù Chen đã tìm cách đặt hàng trên mạng, giá cả tăng vọt và nguồn cung cấp nhu yếu phẩm khan hiếm khiến anh có nguy cơ phải vét sạch tiền tiết kiệm của mình nếu tình cảnh phong tỏa tiếp tục kéo dài.

Trung Quốc đang “mắc kẹt” với chính sách “Zero Covid-19”. 87 trong số 100 thành phố lớn nhất nước này, từ Trường Xuân, phía đông bắc cho đến Quảng Châu, phía nam, đã áp đặt hạn chế đi lại trong đợt bùng dịch mới. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, khu vực này chiếm hơn một nửa dân số và tổng sản lượng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bảo Trâm (Theo SCMP, Reuters…)

Bài mới
Đọc nhiều