+
Aa
-
like
comment

Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: Vào Nguyệt Thiềm

19/01/2021 19:08

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Những tử sĩ Việt Nam Cộng hòa thời đó đã không giữ được Hoàng Sa, giờ họ vẫn được các ngư dân hương khói. Nơi từng diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa giờ luôn có mặt những ngư dân Việt, những cột mốc sống can trường bám biển.

Ngư dân Nguyễn Đình Sang (áo đỏ) đang sắp mâm cúng trước giờ tàu chạy vào vòng Nguyệt Thiềm. Ảnh: Văn Chương

Trong cuốn sách “45 năm hải chiến Hoàng Sa” mới được nhóm tác giả xuất bản và trong hồi ký của những binh sĩ của chính quyền Sài Gòn từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 thường nhắc đến cụm Nguyệt Thiềm. Đó là một vòng cung đảo và tàu HQ 10, HQ 16 đã tiến vào giao chiến. Suốt nhiều chục năm qua, ngư dân Việt Nam vẫn tiến vào Nguyệt Thiềm để mưu sinh bởi họ mới là chủ nhân của nơi này.

Ký ức

“Ê…nó đó…hình như cái gì đen đen giống tàu chiến đang chạy ra!”, tiếng các ngư dân thảng thốt, sau đó lại im bặt vì ông thuyền trưởng thò đầu ra khỏi ca bin, dõi mắt về phía đảo để đánh giá sự nguy hiểm. Đó là vào một đêm đầu tháng 5/2017, chiếc tàu cá của ngư dân Nguyễn Hữu ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đi cắt qua gần đảo Duy Mộng để đi vào vòng Nguyệt Thiềm. Tọa độ con tàu đang đi từng là “tâm bão lửa” trong trận hải chiến Hoàng Sa, tàu HQ 05 nã pháo vào lòng chảo.

Thuyền trưởng Hữu chỉ cho tôi tín hiệu sọc đỏ trên màn hình tín hiệu. Đối với các ngư dân chưa từng trải ở quần đảo Hoàng Sa hình ảnh đang hiện lên trên màn hình định vị to như quyền vở gắn trên nóc ca bin là một thứ gì đó rất kinh khủng. Mũi tên đỏ xẻ một đường thẳng song song với mũi tàu và chĩa vào khoảnh cách giữa 2 hòn đảo Quang Hòa và Duy Mộng, hiển thị đường hành tiến của tàu. Công nghệ hiện đại giúp ngư dân có thêm mắt thần để hải trình trên biển đêm, giúp cho con tàu được an toàn. Nhưng đó chỉ là sự an toàn về hàng hải, còn sự nguy hiểm luôn rình rập, vì trên cả 2 hòn đảo Duy Mộng và Quang Hòa đang bị lính Trung Quốc chiếm giữ.

Không biết sợ là gì, không thèm để ý đến lời can gián của ngư dân Nguyễn Quờn, quê ở tỉnh Phú Yên đi bạn trên tàu Quảng Ngãi, thuyền trưởng Hữu đưa tay gãi đầu, quẹt mũi rồi lặng thinh. Anh lạnh lùng tiếp tục đẩy cần ga cho con thuyền tiến vào cụm Nguyệt Thiềm mà giờ đây dân chài gọi bằng cái tên mới là lạch Xà Cừ.

Bán kính của vòng Nguyệt Thiềm rộng khoảng 7-10 hải lý. Tên của những hòn đảo được đề cập trong trận hải chiến Hoàng Sa giờ đây đã thay đổi, nên người đọc sẽ rất khó hình dung. Vì ngư dân gọi các hòn đảo này theo từ địa phương, còn tên hiển thị trên màn hình định vị và các hải đồ cũng không trùng nhau. Nếu so sánh hình ảnh dưới thì đảo Vĩnh Lạc (Money), hiện nay là đảo Quang Ảnh, ngư dân gọi là đảo Hai Trụ; đảo Cam Tuyền (Robert), hiện nay là đảo Hữu Nhật; đảo Quang Hòa, ngư dân gọi là hòn Bàng Thang. Đảo Quang Hòa được xây nối với cồn cát nên nhìn từ vệ tinh có hình chữ U.

Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: Vào Nguyệt Thiềm - ảnh 1
Một ngư dân phi xuống biển đánh bắt hải sản vào lúc 3 giờ sáng ở Nguyệt Thiềm.  Ảnh: Văn Chương

47 năm, chiến trường xưa đã nguội, giờ lại là một cuộc chiến khác, diễn ra âm thầm, đó là những ngư phủ nhỏ bé đối đầu những con tàu tuần tra lừng lững ở vòng Nguyệt Thiềm. Khu vực tàu Trung Quốc từng co cụm nhiều nhất trong trận hải chiến Hoàng Sa gần vành đai Lưỡi Liềm, sau này các ngư dân kể lại, đó là bãi cua Huỳnh Đế. Ngư dân Trần Đồng cho biết, thời điểm ngư dân ở địa phương mới quay trở lại, chỉ một cú đánh lưới đã bắt được hơn 300 con cua huỳnh đế để mang về ăn chơi (loại cua này hiện nay có giá trên 1 triệu đồng/kg).

Gần lắm Hoàng Sa

Đoạn viết trên được tôi cắt ra trong nhật ký của một chuyến đi. Trên tàu cá hiện nay đều gắn thiết bị định vị Haiyang của Hàn Quốc, nên thông số tuyến đường và các đảo đều hiện rõ. Tàu cá có lúc tiến vào vòng Nguyệt Thiềm đúng hướng mà 47 năm trước các tàu HQ 10 và HQ 16 đã đi vào để giao chiến. Nhưng nhiều ngư dân tránh sự chú ý của lính Trung Quốc cho tàu tiến theo cửa gần đảo Hữu Nhật (đảo bỏ hoang), hoặc vòng về phía tây bắc của đảo Xà Cừ. Hòn đảo này vừa xây dựng một khu nhà 4 tầng. Đảo này có cồn cát rộng nhưng lối đi rất hẹp, độ sâu chỉ 5-7 mét, nên ngư dân không sợ tàu tuần tra.

Trong cuốn sách viết về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hòn đảo mà ngư dân gọi là Hai Trụ có tên là Vĩnh Lạc (Money). Trên thiết bị định vị của tàu cá ngư dân hiển thị tên là đảo Tiền, có máy thì hiển thị là đảo Quang Ảnh. Tàu cá khi tiến vào cách đảo Quang Ảnh khoảng 7 hải lý thì có thể nhìn thấy rõ công trình nhà cửa Trung Quốc xây dựng trên đảo. Những hòn đảo này luôn có những ngôi nhà giống trung tâm chỉ huy không lưu, bên cạnh đó là các bóng thám không để thu phát tín hiệu ra đa (Tôi sẽ công bố những hình ảnh này vào dịp gần nhất).

Thuyền trưởng Đặng Tự, quê ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là người nhiều lần bị Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền. Có lần tôi ngồi trên tàu này chạy gần đảo Quang Ảnh, các ngư dân điện đàm thông báo về việc “coi chừng, thấy tàu màu trắng nó lượn lượn”. Vậy nhưng ông Tự không sợ, mà còn cáu gắt hơn “kệ nó, bắt thì bắt đi”.

Có buổi chiều, chiếc tàu của ông Tự chạy vào vòng Nguyệt Thiềm và băng qua gần đảo Hữu Nhật. Các ngư dân chỉ về phía một cồn cát có ánh đèn chớp nháy khá mờ nhạt và cho biết, tàu Trung Quốc luôn canh giữa ngay lối đi qua đảo Hữu Nhật. Vậy nhưng ông Tự vẫn cằn nhằn điều gì đó, rồi đẩy ga cho tàu chạy phăm phăm vào lòng chảo. Sau này tôi mới biết, ông Tự bị bắt mấy lần, có lần nhận giấy phạt tiền 200 triệu đồng. Do va chạm nhiều nên các ngư dân này trở nên chai sạn trước nỗi ám ảnh ở Nguyệt Thiềm.

Vòng Nguyệt Thiềm, nơi từng diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa, 47 năm sau, các tử sĩ nằm lại vẫn không cô đơn. Đêm nào đoàn tàu đánh cá của ngư dân cũng ồ ạt tiến vào vòng Nguyệt Thiềm. Khi con tàu lạch xạch chạy chéo qua các cửa để vào giữa lòng đảo, ông thuyền trưởng thường thắp hương khấn vái, ném một ít giấy tiền xuống biển. Ngư dân Nguyễn Đình Sang là em trai thuyền trưởng Hữu, nên luôn gánh việc sắp mâm cúng. Khi mới tới đảo thì cúng cầu may, khi rời đảo thì cúng tạ. Cúng tạ cũng là lời tạ từ với những người đã nằm lại Hoàng Sa đất mẹ.

(Còn nữa)

Những năm trước đây, từ đất liền để ra Hoàng Sa và vào vòng Nguyệt Thiềm là cung đường khá xa xôi. Nhưng hiện nay các tàu cá đã lắp máy có công suất trên 700 mã lực (tàu thời điểm năm 2000 ra Hoàng Sa chỉ khoảng 90 – 150 mã lực) nên Hoàng Sa mỗi ngày lại gần thêm. 

Lê Văn Chương

Bài mới
Đọc nhiều