+
Aa
-
like
comment

Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020

03/03/2020 19:01

Nhiều nội dung được báo chí và dư luận quan tâm đã được đề cập trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra tại Hà Nội chiều 03/3.

Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra cùng ngày.

Về tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao (Chúng ta mới chỉ có 16 ca mắc; đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người; nhiều ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới). Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy…) được thực hiện nghiêm.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, trong đó có những địa bàn là thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước EU… Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Trong tháng 2 và 02 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy KTXH vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng, cụ thể như sau:

– Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đến ngày 20/2, so với cùng kỳ năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng tăng 14,15%. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ. Như chúng ta biết, trước khó khăn, thiệt hại nặng nề của các cá nhân, doanh nghiệp bởi dịch COVID-19, 23 tổ chức tín dụng thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ… cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỉ đồng.

– Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; CPI tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân 02 tháng đầu năm tăng 5,91%, tuy thấp hơn so với tháng trước (6,43%) nhưng vẫn còn ở mức cao.

– Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

– Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

– Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%…

– Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng và vốn; số doanh nghiệp giải thể giảm sau nhiều năm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

– Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện (số lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8%, số nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%; hỗ trợ các hộ thiếu đói trên 205 tấn gạo); đặc biệt đã chi 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho chống dịch COVID-19.

– Một số kết quả quan trọng trong tháng như sau: (1) Việt Nam có 3 đại diện lọt vào danh sách 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội,  Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; (2) Theo hãng Kuonio, Việt Nam lọt top 10 điểm nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới năm 2020 với nền văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp; (3) Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép tay từ người cho còn sống, đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở Đông Nam Á và là ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới; (4) Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công COVID-19 trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó  phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.

Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về (i) vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; (ii) cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iii) bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; (iv) tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; (v) thúc đẩy đầu tư và giải ngân; (vi) rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cung cấp thông tin tới báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ cũng đã dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nội dung hỏi đáp tại họp báo

PV Hoài Thu (VnExpress): Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất mới về mức chịu thuế thu nhập cá nhân và ngưỡng giảm trừ gia cảnh. Mức chịu thuế mới là 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng/người. Nhiều ý kiến người dân và chuyên gia cho rằng đây là đề xuất lạc hậu, vô cảm với thực tiễn cuộc sống hiện tại của người dân. Quan điểm của Bộ Tài chính như thế nào về vấn đề này?

Các chuyên gia cho rằng thay vì chịu ngưỡng chịu thuế trên cơ sở tốc độ tăng CPI như đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra, nên tính ngưỡng chịu thuế trên cơ sở thu nhập của người dân thì hợp lý hơn. Bộ Tài chính có ý kiến như thế nào?

Từ 1/4, việc thử nghiệm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT sẽ hết hiệu lực, sau thời gian này, những loại hình kinh doanh như Grab, Be… sẽ theo hướng kinh doanh như thế nào? Họ là doanh nghiệp vận tải hay những nhà cung ứng phần mềm vận tải? Khi chuyển đổi cần phải thêm những thủ tục nào?

Dịch COVID-19 đang lan rộng, đã tới 70 nước trên thế giới, Việt Nam có kịch bản ứng phó thế nào nếu dịch lan rộng ra nữa? Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đánh giá thế nào về hiệu quả cách ly vừa qua trước tình trạng của công dân từ vùng dịch như Hàn Quốc về Việt Nam với số lượng lớn?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Bộ Tài chính đã có văn bản số 2137 ngày 28/2 gửi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh này được căn cứ vào Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

Ở đây tất cả các cơ quan cũng như mọi cá nhân đều phải thực hiện nộp thuế, theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 quy định như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%.

Theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Ngày 11/2 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên kể từ ngày 1/4/2020. Do đó, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định. Bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm i, Điểm k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

Tóm lại, dù loại hình nào, dùng cái tên nào thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, cứ phải đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch đã có thành công bước đầu, được quốc tế đánh giá cao. Đó là do sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã kiểm soát rất tốt tình hình của dịch COVID-19.

Nếu tới đây, các nước có lan rộng dịch thì chúng ta đều đã có kịch bản. Ví dụ đối với Hàn Quốc, Ban chỉ đạo đã có những ý kiến chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, áp dụng các biện pháp phù hợp. Chúng ta yêu cầu tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai tờ khai để giám sát y tế. Sau đó, chúng ta đã làm việc với phía Hàn Quốc, tạm dừng miễn thị thực, đã giảm lượng khách Hàn Quốc vào Việt Nam. Thứ ba, chúng ta cách ly toàn bộ khách cả người Việt Nam và người nước ngoài đi từ vùng có dịch. Thứ tư, chúng ta chỉ định một số sân bay như sân bay Vân Đồn, Phù Cát và Cần Thơ tiếp nhận các chuyến bay từ vùng dịch, dừng không cho Nội Bài và Tân Sơn Nhất đón khách.

Trước đây có khoảng 37 chuyến từ Hàn Quốc về Việt Nam, giờ chỉ còn có 20 chuyến của Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Hiện nay chúng ta đã thực hiện việc cách ly với tất cả hành khách này. Trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là chống COVID-19, việc cách ly là cực kỳ quan trọng, khống chế dịch, không để lan tràn dịch trong cộng đồng.

Kịch bản đưa ra 4 vòng cách ly đã phát huy hiệu quả xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đến nay, sau 21 ngày, Sơn Lôi không phát hiện thêm trường hợp nào. Đêm nay, Sơn Lôi sẽ được dỡ lệnh cách ly. Chúng tôi cho rằng cách ly rất quan trọng và chúng ta đã làm rất hiệu quả.

Về khả năng cách ly của chúng ta, riêng hệ thống quân đội đã có trên 60 điểm cách ly với số lượng khoảng trên 30.000 người. Chúng tôi đang điều phối cách ly tại tất cả các địa phương. Con số hiện nay có khoảng hơn 10.000 trường hợp cách ly tại những khu vực này.

Tuy nhiên, chúng tôi đã tính tới phương án giảm lượng cách ly ở khu vực này bằng hình thức phải giám sát về y tế, phiếu hỏi để chứng minh được rằng người được hỏi không đi qua vùng dịch. Thứ hai, chúng tôi làm việc với gia đình, với chính quyền địa phương, với những đối tượng không đi qua vùng dịch phải tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà để giảm cách ly tập trung, tránh tình trạng quá tải. Hiện nay vẫn đảm bảo cách ly trong những khu vực cách ly tập trung.

Nếu như ở một quốc gia nào có tình trạng phát dịch tăng nhanh, chúng tôi lập tức sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch lan tại Việt Nam.

PV Hiếu Công (Zing.vn): Liên quan đến vụ Tuấn “khỉ”, xin hỏi Bộ Công an đã xử lý những đối tượng liên quan như thế nào? Bài học cho Bộ Công an rút ra là gì về việc quản lý vũ khí quân dụng và quản lý cán bộ chiến sĩ?

Vừa rồi Bộ Tài chính có xin ý kiến về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Xin hỏi trong lần điều chỉnh này Bộ Tài chính có đề xuất mức quản lý thuế mới với người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người kinh doanh qua mạng internet hay không?

Liên quan đến việc mới đây một công ty (tên là USC Interco) đăng ký kinh doanh với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD) vừa được thành lập ở Hà Nội. Rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký kinh doanh với số vốn có thể rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất “nhẹ”. Đây là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới. Xin hỏi Bộ KH&ĐT có nhìn thấy vấn đề này không? Có kế hoạch sửa lại quy định về việc đăng ký kinh doanh không?

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Ngay sau khi Lê Quốc Tuấn gây án, Bộ Công an và Công an TPHCM xác định đây là tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì đối tượng có súng AK với rất nhiều đạn, thậm chí có thêm nhiều vũ khí khác. Đối tượng rất thông thạo địa bàn, có mối quan hệ rộng và đặc biệt liều lĩnh. Thêm nữa, Tuấn có kiến thức đối phó lực lượng công an.

Do đó, Bộ Công an đã có kế hoạch chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm truy bắt Tuấn.

Trước khi gây án Tuấn là cán bộ ngành công an nhưng do không tu dưỡng, không rèn luyện kỷ luật, cờ bạc dẫn đến vụ việc như vậy.

Sau việc này, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM yêu cầu lãnh đạo Công an Quận 11 kiểm điểm về việc quản lý cán bộ chiến sĩ và quản lý đơn vị. Đồng thời, kiểm điểm Công an Củ Chi về việc để địa bàn xảy ra một số ổ cờ bạc.

Phát hiện được Tuấn “khỉ” trong quá trình lẩn trốn là vì chúng tôi đã phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, có tin báo tố giác tội phạm của nhân dân kết hợp với nghiệp vụ.

Về nguồn gốc của súng, theo điều tra đối tượng Phạm Thanh Tâm thì khẩu súng Tuấn “khỉ” sử dụng gây án là của Phạm Thanh Tâm, được mua ở Campuchia vào tháng 8/2019 với giá 20 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra, Công an TPHCM đã khởi tố 17 bị can với tội danh tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Các đối tượng liên quan có vai trò hỗ trợ giúp sức cho Tuấn “khỉ” trong quá trình lẩn trốn sau khi gây án. Vụ án hiện trong quá trình điều tra do đó chúng tôi không cung cấp danh sách liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Việc quản lý thuế được quy định ở Luật Quản lý thuế, có hiệu lực 1/7/2020 tới đây. Trong đó, Luật đã có những điều khoản làm cơ sở để quản lý thuế theo hình thức kinh doanh qua mạng chặt chẽ hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc quản lý thuế với các đối tượng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu… đã được cơ quan thuế thực hiện từ trước. Trách nhiệm của người nộp thuế là kê khai thuế đầy đủ, trung thực với cơ quan thuế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Đây là câu hỏi mang ý nghĩa rất lớn với 2 khía cạnh.

Một là, về vấn đề đăng ký kinh doanh, đây là thành quả của 20 năm đổi mới, chúng ta rất nỗ lực, cố gắng để chuyển từ cơ chế xin-cho trước đây sang cơ chế tự chịu trách nhiệm, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Thêm nữa, cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển nền kinh tế đảm bảo quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Về việc doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng, trước tiên, tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ đăng ký kinh doanh của TP. Hà Nội và của Bộ KH&ĐT. Về hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật là hoàn toàn đúng, trên cơ sở xét duyệt hồ sơ thì không có lý do gì để không cấp đăng ký kinh doanh cho họ.

Tuy nhiên, các cán bộ cũng rất trách nhiệm khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường. Tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh là trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết.

Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật.

Hai là, nền kinh tế của chúng ta đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt rất cần doanh nghiệp lớn. Do vậy những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn, thì các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và của Bộ KH&ĐT sẽ phải quen dần với những con số lớn này. Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm chắc chắn Bộ KH&ĐT sẽ phải hậu kiểm việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.

Về định hướng sắp tới, chúng tôi cho rằng, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm. Ở đây có một điểm quan trọng là phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Và phải tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh, đặc biệt, liên quan đến phần đơn vị tiền tệ trong hồ sơ, khi chúng ta dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng) thì ta phải thống nhất lại để chuẩn hoá trong quá trình đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với phần mềm đăng ký kinh doanh và dễ quy đổi đơn vị tiền tệ khi đăng ký số tiền của doanh nghiêp.

Chúng tôi hy vọng rằng với những nỗ lực  nêu trên sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn những quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

PV Văn Kiên (Tiền Phong): Vừa qua, sau khi một số tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc triển khai các dự án, dẫn đến một số đơn vị như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được giao dự toán ngân sách. Xin hỏi Chính phủ có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho vấn đề này?

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vậy xin hỏi Chính phủ có tính đến phương án bố trí nhân sự thay thế vị trí này không?

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 29/9/2018 là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang, trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải triển khai thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về Ủy ban. Trong năm 2019, có rất nhiều nhiệm vụ là triển khai thực hiện trước năm 2017 nhưng chưa được các cơ quan đại diện chủ sở hữu triển khai, trong đó có một số dự án lớn. Trong quá trình triển khai thực hiện đến thời điểm triển khai có dự án triển khai cách đây 10 năm, 20 năm, đến nay có vấn đề nảy sinh.

Theo nguyên tắc khi chuyển giao cần chuyển giao nguyên trạng. Qua quá trình triển khai thực hiện, thấy rằng trước kia trong trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án của các doanh nghiệp, do vướng các dự án đầu tư công nên một số quy trình, trình tự, thủ tục chưa rõ. Liên quan đến một số dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình triển khai thực hiện, thẩm quyền phê duyệt dự án thì có dự án thẩm quyền thuộc Thủ tướng, có dự án thuộc thẩm quyền của địa phương, có dự án thẩm quyền liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong quá trình triển khai thực hiện có những dự án trong khối doanh nghiệp đôi khi thực hiện theo một số quy định của luật chuyên ngành. Khi về Ủy ban thì cũng chiếu theo những quy định, trình tự, nếu thấy không phù hợp, đánh giá xác định dự án không hiệu quả thì Ủy ban sẽ yêu cầu làm rõ những nội dung này. Khi nào đưa ra phương án phù hợp thì mới có căn cứ trình các cấp thẩm quyền cũng như thực hiện trình tự thủ tục theo đúng pháp luật.

Đang có 5 tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý liên quan đến việc chuyển tải điện cũng là kết cấu hạ tầng công, tài sản chung của quốc gia thì hiện nay vốn ngân sách nhà nước vẫn đang giao về Tập đoàn để triển khai các dự án đầu tư cũng như các dự án liên quan về công tác chuyển tải, nối điện về nông thôn. Đồng thời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn bố trí vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số dự án thuộc Tổng Công ty Thuốc lá…

Nhưng có 2 đơn vị là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay được giao vốn qua Bộ GTVT, với các dự án có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng. Về vận tải đường sắt mặc dù Tổng Công ty đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 vẫn là do Bộ GTVT giao vốn bình thường.

Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng. Ở đây có 2 luồng ý kiến là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn hay Bộ GTVT, vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Theo Hiến pháp năm 2013, và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền đề nghị nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm. Việc đề xuất, lựa chọn nhân sự theo quy định của Đảng và theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rất rõ vấn đề này.

PV Trí Hiếu (Thanh niên)Vừa qua ở lãnh đạo TP. Hải Phòng thông qua chủ trương trích 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng người dân  nhân dịp kỷ niệm thành lập Thành phố, quan điểm của Chính phủ như thế nào? Xin Bộ Tài chính nói thêm quản lý chi ngân sách như vậy có vấn đề gì không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Về kế hoạch trích 269 tỷ đồng tặng quà ấm chén và cờ cho người dân nhân dịp 65 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, có các luồng ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng cần tính toán hiệu quả.

Về thẩm quyền,  theo Luật Ngân sách nhà nước thì UBND, HĐND thành phố Hải Phòng có thẩm quyền quyết định chi khoản tiền đó. Nhưng đúng là trong điều kiện hiện tại, TP. Hải Phòng cũng nên rà soát lại các khoản chi. Vì đây là tiền thuế tiền của dân, do đó cần chi tiêu trên tinh thần đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả, nhất là thực tế vẫn có nhiều việc cần phải làm. Đây mới là đề án đưa ra nhưng chưa chi, chúng tôi trao đổi thêm với TP. Hải phòng rà soát cân nhắc lại ý kiến đóng góp.

PV Công Luân (Người đưa tin): Vừa qua, báo Người đưa tin có phản ánh về việc bất thường trong thi tuyển công chức ở Bộ KH&CN khi có một thí sinh được nâng từ 35 điểm lên 63 điểm. Xin hỏi Bộ Nội vụ đã nắm được thông tin này hay chưa và có tiến hành thanh kiểm tra việc này không? Bộ KH&CN đã tiến hành kiểm tra rà soát ban đầu chưa và kết quả như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Liên quan đến thi công chức của Bộ KH&CN, theo Luật Cán bộ công chức 2008 có hiệu lực 2010 và vừa rồi, có Nghị định 161 sửa Nghị định 24 về tuyển dụng công chức, sửa Nghị định 29 về tuyển dụng viên chức và Nghị định 68 về hợp đồng lao động, việc tuyển dụng công chức đã phân cấp theo cơ quan quản lý công chức. Cơ quan quản lý công chức ở Trung ương là Bộ và ở tỉnh là UBND tỉnh.

Việc tổ chức thi căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí, việc làm, chỉ tiêu biên chế và thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng. Chúng tôi rất muốn nhà báo có thể cung cấp thêm cho Bộ Nội vụ tên của người vừa rồi để chúng tôi có căn cứ để trao đổi với Bộ KH&CN.

Còn khi chấm vòng 1, phúc khảo vòng 2 cũng có thể có chênh lệch. Đây là quy định trong quy chế về thi nói chung, giữa chấm vòng 1 và phúc khảo có thể có những điều chỉnh, có thay đổi. Ví dụ sơ suất trang hoặc cộng điểm nhầm cũng có thể có. Tôi đề nghị nhà báo cung cấp cho Bộ Nội vụ tên cụ thể trường hợp điều chỉnh như thế nào để Bộ Nội vụ sẽ triển khai thẩm tra theo thẩm quyền.

Nhật Bắc/VGP

Bài mới
Đọc nhiều