+
Aa
-
like
comment

Nỗi đau nghiệt ngã của người mẹ có con ở 2 đầu chiến tuyến

29/04/2020 07:12

“Mẹ có nói với tôi, giá như không có chiến tranh, mẹ và nhiều bà mẹ khác đâu mất đi những đứa con! Còn với các con của mẹ, dù có ở bên nào chiến tuyến thì vẫn là con của mẹ!”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phải sinh năm 1917 ở Ngã Năm (Sóc Trăng). Mẹ có 2 con trai liệt sĩ là anh Nguyễn Văn Hề (Năm Hề) và Nguyễn Văn Nhuận (Bảy Nhuận). Mẹ còn có một người con trai ở bên kia chiến tuyến là Nguyễn Văn Mẫu (Tư Mẫu).

Ông Lưu Hòa Bình (nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng, là đồng đội của các con mẹ Phải) kể lại: “Cuối những năm 1960, chiến trường miền Tây Nam Bộ diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc đó chúng tôi đóng quân ở xã Vĩnh Quới (nay thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Trong một bữa cơm, tôi nghe anh Bảy Nhuận nói rằng hôm trước cùng anh Năm Hề đi đánh đồn Bông Sen ở trung tâm Ngã Năm. Trước khi đánh, lắp trái đạn DKZ 75, anh Bảy Nhuận nói với anh Năm Hề là chút nữa Tư Mẫu sẽ chết. Lúc đó Tư Mẫu là lính trong đồn Bông Sen. Sau khi tiêu diệt đồn Bông Sen, anh Bảy Nhuận xông vào đồn, dùng đèn pin rọi thì thấy người anh của mình đã tử vong”.

Kể lại câu chuyện chiến tranh khắc nghiệt ấy, ông Bình không khỏi xót xa! Anh em cùng một nhà nhưng lại ở 2 đầu chiến tuyến. Vì nhiệm vụ chung mà em phải nổ súng tiêu diệt đồn giặc, khiến anh tử vong…

“Khi kể cho tôi nghe bi kịch đau lòng đó, anh Bảy Nhuận cũng không tránh khỏi day dứt trong lòng. Nỗi đau này không bao giờ nguôi ngoai được”, ông Bình bồi hồi.

Nỗi đau nghiệt ngã của người mẹ có con ở 2 đầu chiến tuyến - 1
Mẹ Nguyễn Thị Phải và nỗi đau chiến tranh không thể nguôi ngoai.

Một người con gái của mẹ Phải cho biết, anh Nguyễn Văn Hề hy sinh năm 1972 tại Ngã Năm, cách nhà trên dưới 1km. Mẹ Phải nhận được tin nhưng không thể đi bởi giặc làm dữ. Mẹ gửi đồ nhờ một người dân ở địa phương nhận là người quen của họ để lo hậu sự cho con trai mình.

Còn anh Nguyễn Văn Nhuận hy sinh vào cuối năm 1973 tại căn cứ Hòa Tú – Gia Hòa của huyện Mỹ Xuyên. Lúc nhận được tin, mẹ Phải đã gói ghém đồ đạc, đón đò, đón xe vào tận vùng căn cứ nhìn mặt con lần cuối.

“Chị Hai tôi là Nguyễn Thị Mão tham gia cách mạng từ rất sớm và chính chị là người đã đưa anh Năm, anh Bảy tôi vào từ khi các anh còn trẻ. Chỉ có anh Tư là chị chưa kịp thì đã bị chế độ cũ bắt đi lính đóng ở ngay đồn Bông Sen.

Sau khi đánh đồn Bông Sen về, anh Năm và anh Bảy cho biết anh Tư đã tử trận trong trận đánh có 2 anh tham gia. Có người nói vậy là anh Năm, anh Bảy bắn anh Tư. Nhưng anh Bảy nói anh chỉ bắn sập lô cốt của đồn Bông Sen”, bà Nguyễn Thị Duyên (con gái mẹ Phải) xót xa kể.

Vào năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Phải được được Chủ tịch nước phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ cũng vừa mất cách đây ít năm.

Ông Lưu Hòa Bình hồi tưởng, lúc mẹ Phải còn sống, lần nào vào thăm mẹ cũng nhắc đến những đứa con thân yêu của mình.

“Mẹ có nói với tôi, giá như không có chiến tranh, mẹ và nhiều bà mẹ khác đâu mất đi những đứa con! Còn với các con của mẹ, dù có ở bên nào chiến tuyến thì vẫn là con của mẹ! Nghe mẹ nói, tôi và nhiều người không cầm được nước mắt.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời cũng đã từng nói lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này vừa ở phía bên kia chiến tuyến. Thật thấm thía về sự hy sinh cũng như nỗi đau của mẹ Phải nói riêng, của nhiều bà mẹ miền Nam nói chung trong tình cảnh này”, ông Bình bày tỏ.

Cao Xuân Lương/DT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều