Nói cho đúng: Không có luật nào cấm các vị uống rượu, bia
Luật không cấm các vị uống rượu. Luật chỉ cấm điều khiển các phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn và chất kích thích gây nghiện.
2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, với Chủ đề “Đã uống rượu, bia – không lái xe”. Trên tinh thần đó cùng với Nghị định 100, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã ra quân, làm nghiêm và nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận. Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, (Bộ Công an), lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền hơn 816 triệu đồng. Trong đó, tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt người vi phạm đã phải chịu mức phạt từ trước tới nay chưa từng có. Những chuyển biến trên cho thấy sự tuân thủ, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang có chiều hướng tích cực
Lại nói, từ khi Nghị định 100/CP có hiệu lực đến nay. Số lượng người thiệt mạng khi tham gia giao thông giảm trung bình 7 người/ngày. Như vậy sau 15 ngày x 7 = 105 người không bị thiệt mạng.
Cùng đó, số vụ bạo hành gia đình cũng như số vụ gây mất an ninh trật tự do rượu giảm mạnh đem đến sự bình yên và hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi khu phố.
Tỷ lệ các ông chồng về ăn cơm tối đúng giờ cùng vợ con tăng mạnh đem đến những tiếng cười vui vẻ trong gia đình, gắn kết tình thương yêu giữa vợ với chồng, con cái với cha.
Vì vậy đừng lấy cớ thiệt hại cho ngành rượu bia và các quán nhậu để bao biện cho những thói quen xấu của mình.
Nghị định 100/2019/NĐ – CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong đó, quy định đáng chú ý là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên “0”. Cụ thể, hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt từ 2 – 8 triệu đồng đối với xe máy; 6 – 40 triệu đồng đối với ô tô, tước bằng lái đến 2 năm. Với quy định này, người điều khiển xe đạp, xe đạp điện cũng có thể bị phạt tới 800.000 đồng.
Ngoài các mức xử phạt lỗi trong tham gia giao thông, Nghị định còn nêu thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm. Theo đó, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 4 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt đến 40 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, trưởng phòng công an cấp tỉnh có quyền phạt đến 8 triệu đồng. Giám đốc công an cấp tỉnh có quyền phạt đến 20 triệu đồng và Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền phạt đến 40 triệu đồng.
Thu An (TH)