+
Aa
-
like
comment

Nỗi buồn hoa phượng

03/06/2020 08:02

Sự cố cây phượng vĩ đổ khiến một em học sinh tử nạn tuần trước ở TPHCM khiến một số trường học khác vội vã chặt cây, khiến sắc màu của hoa phượng nay đã có một màu u ám.

Nỗi buồn hoa phượng - 1

Với hàng chục thế hệ học sinh, sinh viên cả nước bao nhiêu năm qua, hoa phượng luôn là một hình ảnh đẹp đẽ gắn liền với tuổi học trò. Và trong hàng chục năm đó, cũng chưa ai từng nghe đến một đổ cây gây nên cái chết đáng buồn cho em học sinh và làm bị thương hơn 10 em khác trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) tuần qua.

Nhưng cũng đáng buồn không kém là sau đó, có nhiều trường học ở một số địa phương và nhiều nhất là ở Đắk Lắk, người ta đã vội vã chặt bỏ hàng loạt cây phượng trong các sân trường. Ở nhiều trường, như Dân trí phản ánh, cây phượng là cây chủ yếu được trồng trong sân, nên khi bị chặt phá gần hết, sân chơi của các em học sinh đã trơ trụi, đầy nắng và gió bụi.

Rà soát, kiểm tra lại tất cả cây trồng trong sân trường qua sự cố đó là việc rất cần làm và lẽ ra, đó phải là việc làm thường xuyên. Nhưng chặt phá hết cây đi khi chưa có khảo sát, đánh giá đẩy đủ vì sao loài cây đó được trồng, có nên tiếp tục duy trì hay thay thế, chặt bỏ đi trồng cây khác lại là một sự vội vàng, hấp tấp. Đó không phải là cách làm khoa học của những cơ sở giáo dục, đào tạo.

Dù thế nào, sân trường vẫn là nơi cho học sinh học tập, sinh hoạt, rèn luyện thể dục, thể thao… Nó vẫn cần có bóng mát, có những hàng cây, có thiên thiên để bảo vệ cho trẻ tránh được những ánh nắng gay gắt ngày hè, để giáo dục, nâng cao nhận thức về thiên nhiên, nuôi dưỡng, bảo vệ cây cối cho trẻ.

Chỉ qua một sự việc chưa đánh giá được đầy đủ bản chất, mới có vài ngày, ở nhiều trường, người ta đã chặt phá hết cả những hàng cây đã được trồng, chăm sóc trong nhiều năm. Đó quả là cách làm rất phi giáo dục.

Theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường  Đại học Lâm nghiệp, một chuyên gia về cây trồng thì nước ta có đầy đủ các tiêu chuẩn về cây xanh trong các khu vực đô thị, trường học. Để chọn cây cho vườn trường, các chuyên gia khuyến cáo chọn các loại cây bản địa, có hoa, lá, quả đặc biệt phong phú; Không chọn cây có gai, nhựa, mủ độc như: Cà dại, thông thiên, dứa dại… Nên trồng các cây bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng… Cây cảnh, cây bản địa: quyết, hồng, hải đường, ổ quạ, phong lan, địa lan.

Như vậy có thể thấy, cây phượng, bàng… có thể trồng tốt trong trường học vì cây phượng vĩ có hoa rất đẹp. Phượng vĩ còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải (khoảng 10-15 m, đôi khi có thể tới 20 m) nhưng tán lá tỏa rộng và dày đặc tạo ra bóng mát.

Có điều, cây phượng vĩ cũng có nhược điểm là tuổi thọ không cao, chỉ 30 tuổi là già cỗi, thân có dấu hiệu mục ruỗng, sâu bệnh. Nhưng đó cũng không phải lỗi của cây.

Theo Giáo sư Chứ, nếu con người biết cách bảo vệ cây như thường xuyên chăm sóc, kiểm tra, cắt tỉa cành, tránh bê tông hóa quá sát gốc, xây bồn xung quanh gốc quá chật… thì loài cây phượng vĩ cũng không dễ gì gãy đổ vì cây này bộ rễ cũng mọc sâu, vững chắc.

Như vậy, thay vì hấp tấp chặt bỏ, các ban giám hiệu nhà trường có lẽ nên tham khảo kỹ ý kiến các nhà chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, có giải pháp bảo vệ cây trồng, thậm chí có thể làm hệ thống bảo vệ, chống gãy đổ như ở một số thành phố đang làm thì cũng đã không đi đến cách làm cực đoan ấy.

Nếu họ làm đúng như các nhà chuyên môn về cây trồng mách bảo, hàng triệu em học sinh sẽ vẫn được vui chơi, sinh hoạt an toàn dưới bóng mát của những hàng cây phượng vĩ và những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ vẫn còn gắn bó, đi theo các em suốt những năm tháng của tuổi học trò.

Mạnh Quân/DT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều